SÁCH MÀ KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH, RỐT CUỘC VẪN LÀ SÁCH THÔI… 

Nhân dịp tranh luận với mấy người bạn về việc dịch bệnh đã khiến xã hội phơi bày những yếu kém của nó (và cả những ưu thế của nó nữa).

Về căn bản, xã hội vẫn vậy, không phải vì có dịch bệnh mà nó tốt nên hay xấu đi, dịch bệnh là cơ hội để thể hiện bản chất xã hội, giống như khi khó khăn/hoạn nạn, sẽ là lúc nhìn thấy con người rõ nhất.

Xã hội nào cũng có điểm mạnh-yếu của nó, vì sự hình thành và phát triển xã hội gắn liền với điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa, bản sắc dân tộc của xã hội đó.

Nhân dịp nhàn rỗi vì dịch bệnh, cơ hội tốt để các bạn đọc sách, tìm hiểu về nguồn gốc/nền tảng, sự hình thành và phát triển của các quốc gia, mạo muội tiến cử vài cuốn sách để các bạn đọc.

1. LỊCH SỬ DÂN TỘC MỸ, Howard Zinn

Về nước Mỹ, vẫn đang giữ vị trí cường quốc xưa nay, chắc các bạn đều đã đọc nhiều sách/thông tin về sự thành công, giàu có của nó rồi.

Nhưng nó đã hình thành và phát triển như thế nào, cuốn sách được đưa vào làm giáo trình tại các trường học ở Mỹ sẽ giúp các bạn hiểu thêm về nước Mỹ, từ những ngày đầu phôi thai của nó, cho đến sự phát triển sau này.

Howard Zinn đã nỗ lực hầu suốt cuộc đời mình để chống chiến tranh, ông tự tả bản thân mình là con người “có phần theo chủ nghĩa vô chính phủ, cũng có chút ủng hộ chủ nghĩa xã hội”.

Như ông từng “đòi” lại công bằng cho chủ nghĩa xã hội rằng, “… Chủ nghĩa xã hội từng có tiếng tốt tại Liên Xô… Nó đã khiến hàng triệu người đọc được báo chí trên khắp cả nước … Về cơ bản, chủ nghĩa xã hội nói rằng, này, hãy xây dựng một xã hội tử tế hơn, tốt đẹp hơn. Hãy chia sẻ mọi thứ. Hãy xây dựng một hệ thống kinh tế sản xuất ra những thứ không phải để làm lợi cho công ty nào đó mà là phục vụ nhu cầu của con người…”

92613003_699646494110722_1411929034945724416_o

Ngoài ra, có một cuốn phân tích chủ yếu về kinh tế Mỹ mà lại dễ đọc, đó chính là ECONOMIX  trong đó đã đưa nền kinh tế Mỹ ra làm ví dụ để phân tích sự phát triển của các nền kinh tế nói chung.

Mọi người sẽ thấy, nước Mỹ trong những giai đoạn đầu phát triển kinh tế có những lúc “man rợ” thế nào, ví như cho thịt chuột vào thịt bò đóng hộp chẳng hạn, hay là bán dầu rắn – một loại thuốc kiểu siro được cho là chữa bách bệnh,… mãi đến khi có đạo luật về thực phẩm và dược phẩm mới bớt dần.

Cho nên ta có thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng… thì cũng là đảm bảo quy trình phát triển mà thôi 

2. DENG XIAOPING AND THE TRANSFORMATION OF CHINA, Ezra Vogel

Cuốn này tuy nhắm vào Đặng Tiểu Bình nhưng để làm rõ những cải cách của ông đối với nền kinh tế Trung Quốc, tác giả đã đưa lại cả giai đoạn lịch sử trước đó, những cuộc nội chiến để hình thành nhà nước Trung Quốc hiện tại, cũng như các nhân vật lịch sử/chính trị trong thời của ông.

Ngoài ra, còn có mấy cuốn về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay (tức là giai đoạn sau đổi mới) của tác giả Shaun Rein, trong đó có cuốn THE WAR FOR CHINA’S WALLET, nói rõ hơn về chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc về kinh tế, Trung Quốc sử dụng sức mua lớn của người dân làm đòn trừng phạt hoặc tưởng thưởng cho các quốc gia trong mối quan hệ với nó.

Cả hai cuốn này đều có bản tiếng Việt rồi, nhưng chắc khó mà đến tay bạn đọc được, nên các bạn vui lòng tìm đọc bản tiếng Anh vậy.92042003_699646680777370_329608546347909120_o

3. HỒI SINH SỰ THẦN KỲ NHẬT BẢN, Ryoichi Mikitani & Hiroshi Mikitani

Châu Á còn một đại diện nữa là Nhật Bản, với giai đoạn phát triển “thần kỳ” làm cả thế giới ngỡ ngàng, rồi những thương hiệu đảm bảo chất lượng mà cả thế giới ngưỡng mộ.

Có một chi tiết thú vị trong cuốn The war for China’s wallet, nói rằng Nhật Bản hầu như không chịu ảnh hưởng gì mấy bởi chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, bởi người dân Trung Quốc hết sức tin tưởng chất lượng hàng hóa của Nhật Bản…

Nhưng giai đoạn thần kỳ ấy đã qua đi, mấy năm nay kinh tế Nhật Bản không còn giữ được vị thế của nó, thì trong cuốn sách này sẽ “phẫu tích” xã hội và kinh tế Nhật Bản một cách quyết liệt của hai cha con nhà Mikitani – một giáo sư kinh tế và một doanh chủ (người sáng lập Rakuten), sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội và kinh tế Nhật Bản hiện nay.

92677005_699646840777354_6014011338995531776_o

4. TỪ BEIRUT ĐẾN JERUSALEM, Thomas Friedman

Các bạn hẳn đều biết đến “làn sóng” ngưỡng mộ người Do Thái mấy năm trước đây, sự hình thành và phát triển nhà nước Israel hẳn các bạn đều đã đọc, nhưng có một cái nhìn tổng quan về cả khu vực, mối quan hệ của Israel với các quốc gia trong khu vực, thì cuốn sách của Thomas Friedman sẽ cung cấp một cái nhìn như thế.

Là người gốc Do Thái, Thomas Friedman cũng như nhiều người Do Thái khác đang sống trên khắp thế giới, đều mong muốn một nền hòa bình chung trong khu vực. Ông đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu trong suốt thời gian sống ở Beirust và Jerusalem, để đưa ra các giải pháp khả dĩ, nhưng tất nhiên, việc đưa lý thuyết vào thực tiễn còn rất xa.

Chúng ta đều mong điều tốt đẹp nói chung, nhưng khi đưa ra giải pháp, chúng ta lại bị chi phối bởi điều tốt đẹp của cá nhân mình (cộng đồng mình).

92695902_699646997444005_8158520958366253056_n

5. ĐỐI THOẠI CÙNG PUTIN (cùng đạo diễn Oliver Stone)

Đông Âu luôn là một phần tách biệt của châu Âu, nước Nga với vai trò đại diện cho khu vực này có thể giúp các bạn nhìn rõ hơn về khu vực này.

Bỏ qua những câu hỏi/những phần về cá nhân/con người Putin, thì có nhiều phần về kinh tế, xã hội của nước Nga, nhận thức về vị thế của mình và định hướng phát triển trong bối cảnh thế giới hiện tại.

Như nhận xét của nhà báo Mỹ, Robert Scheer thì Putin “vươn lên nắm quyền ở Nga từ đống tro tàn của Liên bang Xô viết”, “Ông lãnh đạo một xã hội vẫn còn sức mạnh quân sự khủng khiếp nhưng kém thành công hơn nhiều trong những thành tựu kinh tế thời bình”.

92594010_699647150777323_1331016541193371648_n

6. Về Ấn Độ

Trong một cuộc trao đổi ngắn ngủi với Tiến sĩ Kinh tế Trần Đình Thiên, tôi có hỏi ông về nền kinh tế nào sẽ nổi lên sau Trung Quốc, ông có đưa ra một cái tên là Ấn Độ, nhưng cuộc gặp hôm đó quá ngắn, nên tôi không được nghe thêm những phân tích của ông.

Ấn Độ được dự báo như vậy có lẽ bởi mẫu hình tương tự Trung Quốc: diện tích rộng, dân số đông, các điều kiện về môi trường, nhân quyền tương tự như Trung Quốc giai đoạn bắt đầu đổi mới; nghĩa là Ấn Độ sẽ có thể lại có quá trình phát triển tương tự: trở thành công xưởng của thế giới nhờ lợi thế nhân công rẻ,…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán, còn tương lai, chúng ta không thể biết được. Có thể, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với những cú twist như dịch bệnh hiện nay, con người sẽ có rất nhiều máy móc thay thế chẳng hạn, nên nhân công không phải là vấn đề nữa…

 

Ngoài ra, còn khu vực châu Phi, tiếc là tôi chưa đọc được gì về sự phát triển kinh tế ở khu vực này, nhưng để tìm hiểu về tình hình xã hội ở đây, GỖ MUN của nhà báo người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng là một cuốn sách đáng đọc.

Như cách nói của ông, thì chúng ta (châu Âu) vẫn hình dung về châu Phi là “nạn đói, những trẻ em da bọc xương, đất khô nứt nẻ, các khu nhà ổ chuột ở thành thị, những cuộc thảm sát, AIDS,…” Và vội vàng bổ tới cứu trợ.

Trong khi đó, theo ông, điều quan trọng nhất với châu Phi là “nó tồn tại cho chính mình, trong chính mình, một châu lục vĩnh cửu, khép kín, riêng biệt, xứ sở của những rừng chuối, những nương sắn, của rừng rậm, của sa mạc…”

92609464_699647267443978_4388950560645054464_o

Thêm nữa, về khu vực Tây Âu, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh như thế thế nào hẳn ai cũng rõ, và sự phát triển kéo theo sau đó, nhưng còn giờ đây? Các bạn có thể đọc về Brexit, như Brexit: Causes and Consquences của Rudolf Adam để hiểu thêm về tình hình hiện tại và (chút) tương lai.

Để hình thành nên Trái đất, đã có vô số vụ nổ lớn nhỏ, những chấn động địa chấn, đứt gãy đâu đó ở các tầng địa chất, dẫn tới sự hình thành (và có thể cả hủy diệt) nó sau này.

Xét về xã hội, hẳn dịch bệnh này cũng như một chấn động nho nhỏ, có thể gây nên nhưng đứt gãy đâu đó hay thay đổi sâu sa từ trong lòng xã hội, mà có thể phải rất lâu chúng ta mới nhận ra/chứng kiến kết quả của chấn động đó.

Vậy là phải chờ thôi, triệu năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử trái đất, với xã hội thì cần nghìn năm hay cả trăm năm. Thời gian đủ để các bạn đọc nhiều cuốn sách dày 

Một cõi điên rực rỡ

Vâng. Đấy là cõi Bùi Giáng. Và cũng là chữ của ông, như trong tiểu sử tự thuật tự ông viết:

“1969: bắt đầu điên rực rỡ”.

Để chu du trong cõi Bùi Giáng, có thể người ta không chỉ mất thời gian bằng một đời người. Để viết về thơ ông/ông cũng khó viết trong mấy dòng cho đủ. Nhưng hôm nay mượn chính cách của ông khi viết về những người khác, đôi khi chỉ vài dòng. Nghĩ lại thì dài ngắn đáng kể gì, viết cái gì mới là đáng kể.

Bởi ngắn ngủi không có nghĩa là không trọn vẹn. Mà dài dòng đâu phải đã là tận hết. Và dù có không trọn vẹn thì cũng không phải là đã hết. Bởi còn có nối dài, còn có cộng thêm, còn có nhiều lời sau này nữa.

Những điều không nói ra chẳng phải là những điều đáng tiếc hay sao?

***

Về con người Bùi Giáng, con người bản thể, con người vật chất thông thường, chỉ có một câu hỏi: Bùi Giáng có điên không?

Thanh Tâm Tuyền nói, “Bùi Giáng không điên. Ông là một nhà thơ sáng suốt, cực kỳ.”

Yên Cơ viết, “… tất cả những ‘cơn điên’ ấy của Bùi Giáng chứng minh sự sáng suốt Bùi Giáng không điên. Không điên vì ông chỉ đẩy đến cùng trạng thái hiện sinh, chứng nghiệm ý thức trần trụi về bản thể…”

Còn Bùi Giáng bảo, “Hãy để yên cho tôi điên tôi dại.”

Còn ta bảo, với những kẻ phàm trần, những kẻ tự nhận mình là tỉnh, thì Bùi Giáng điên quá đi rồi. Điên bởi muốn mọi thứ trong đời phải tận cùng, tận hiện, phải phá tung rào dậu, tường ngăn, để được nói, được cười, được làm những gì mà “con người xã hội” bảo rằng ta không thể.

Và bởi cái điên ấy, Bùi Giáng đã mở ra một cõi thơ “bát ngát”.

***

Còn thơ của Bùi Giáng thì sao?

Bùi Giáng bảo, “Đừng có bàn đến thơ tôi.”

Thanh Tâm Tuyền đã tóm gọn lại trong một câu thôi, “Chúng ta hãy chịu chói lọi trong tan nát giữa trận đồ của Bùi Giáng.”

Bùi Giáng tự cho thơ mình là “chuồn chuồn châu chấu”, “bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn.”

Yên Cơ đã nhận xét rất tinh tế rằng, “Bùi Giáng có những câu thơ rất cao, rất tĩnh, rất sâu, thanh thản, gợi đến hư vô trong một không gian lãng mạn trữ tình, ít thấy xuất hiện trong thơ Việt.”

Nhưng cũng chính Yên Cơ bảo, “… bi kịch của Bùi Giáng là ông lặp lại mình. Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lặp lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo, về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng.”

Ta không định trần tình cho Bùi Giáng, ông không cần bất cứ lời trần tình nào, cũng chẳng cần ai phải đứng ra bảo ông đang định nói này hay nọ; chỉ mượn ý của Thanh Tâm Tuyền nói đại ý, thơ của Bùi Giáng không phải là nhiều bài, mà chỉ là một bài dài ngắt ra thành nhiều đoạn mà thôi. Nói như thế, chẳng phải như G. Marquez cũng từng nói đại loại, mỗi nhà văn chỉ viết một cuốn tiểu thuyết trong đời… Bùi Giáng cũng thế, chỉ viết một bài, nên nửa thế kỷ làm thơ, vẫn những ngôn ngữ ấy, vẫn tư tưởng ấy, một sự nhất quán đến thấu suốt đấy chứ.

Mà ta bảo, nói Bùi Giáng làm thơ có thể cũng đã phản ánh sai cái sự thật của ngôn từ Bùi Giáng bung ra, bởi Bùi Giáng  bảo, “Thơ là cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một  trận mưa rào, một cơn gió thu…” Nên có lẽ,  Bùi  Giáng chỉ đang giữ lại cho riêng mình những khoảnh khắc thời gian, những gái đẹp, những gió, những mưa…

Em về giũ áo mù sa

Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

***

Bùi Giáng bảo, “Sự ngu si đã tràn lan khắp chốn, thì kẻ hiểu thơ đành phải tuân theo khắp chốn để mở trận ngu si.”

Ta chưa hiểu thơ để mở trận ngu si, nhưng trước mùa xuân này, đúng mùa xuân này, đọc lại Bùi Giáng, thấy Bùi Giáng đã tung ra cả mưa, gió, cả chớp bể lẫn mưa nguồn trong thơ, gói gọn cả khổ đau, vui sướng, mà thậm chí cả đời người chỉ trong hai câu thơ thôi, mà có lẽ ngoài ông ra chẳng ai làm được:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau.

+ Toàn bộ thơ trong bài là của Bùi Giáng;

+ Trích dẫn các bình luận của Thanh Tâm Tuyền, Yên Cơ, và lời/thơ của Bùi Giáng từ tập Đười ươi chân kinh, Nhã Nam, 2012.

Đen và trắng

Hai cuốn sách thật tình cờ được đặt cạnh nhau như số mệnh, một sự tương đồng lạ kỳ, như hai nửa của một quả cầu, đúng hơn là như chiếc túi và mặt lộn trái của nó.

Những dải trắng trên nền đen[1] là câu chuyện của một người khác với những người khác, một người khác biết kể chuyện. Câu chuyện có thực, đau đớn, nghẹn ngào, và không thù hận (còn cay đắng thì tất nhiên, rất nhiều, nhưng không cay độc, và tuyệt vọng, dĩ nhiên.)

Còn Ba ơi mình đi đâu[2] là câu chuyện của người cha có hai đứa con khác những đứa trẻ khác – những đứa con không có khả năng kể chuyện, đi lại hay cảm nhận – người cha bất hạnh ấy kể câu chuyện của mình vừa cay đắng, vừa trào lộng, nhưng không than phiền, đơn giản là đau đớn.

Kỳ lạ chưa, lẽ ra cả hai đều có thể thét gào phẫn nộ, than phiền, oán trách… chứ không chỉ đau đớn lặng thầm, vừa tự trào lộng vừa tự vật lộn, để đi đến hết con đường.

***

Ông bố bất hạnh ấy đã kể về những đứa con của mình, đơn giản như người ta kể về cuộc sống. Nếu là những đứa con thành đạt, hẳn là người ta sẽ huênh hoang, hẳn là sẽ có sự kiện động trời nào đó, ví như hồi bé chúng nghịch ngợm kinh hoàng chẳng hạn. Còn đây là những đứa trẻ không như những người khác, chúng lặng lẽ, chúng ê a, chúng không lớn lên về tinh thần cũng như thể xác. Chúng là sự sống.

Cậu bé không như những người khác ấy bị coi là mồ côi, bị bỏ rơi, và sống trong cô nhi viện. Tay cậu không thể giúp gì, chân cậu không đi lại được. Nhưng cậu còn tiếng nói – để gọi to nếu cần giúp đỡ, hoặc đôi khi chỉ là để tự nói với mình; còn bộ răng – để nhai, để cắn, để cầm mọi thứ; và còn bộ não – để suy nghĩ, để tự an ủi mình, để nhớ và viết về tất cả. Cậu là sự sống.

***

Ông bố bất hạnh ấy hay trào lộng, nếu không, hẳn người ta sẽ phát điên. Ông bảo, ông và vợ chẳng phải quan tâm đến việc chọn cho con ngành văn chương hay lịch sử, đơn giản là không thể. Nhiều người (cả trong lẫn ngoài cuốn sách), hẳn đã cho rằng không nên như thế, phải u buồn hoặc phải yêu thương nghiêm chỉnh, hoặc giả là thế nào đó mà không phải là như thế.

Những đám người ấy không bao giờ có thể hiểu, người ta trào lộng, cay đắng mà vẫn có thể yêu thương, nếu không yêu thương thì sao người ta có thể chăm sóc, nuôi nấng và cùng chúng xuyên qua hết ngày này tháng khác? Những kẻ chưa từng biết đến nỗi đau ấy bao giờ.

Cậu bé không như những người khác ấy đã phẫn nộ, dù chỉ một lần trong đời, nhưng tôi yêu thích cái giây phút ấy, cái giây phút cậu gào thét lên tất cả những gì đang nghĩ, rằng “Tôi là thằng bé nhọ, còn các người là người Nga. Vậy thì hãy giết tôi đi và đừng có hành hạ tôi thêm nữa. Các người thậm chí tiếc tôi cả thuốc độc. Các người còn tồi hơn cả bọn phát xít. Bọn phát xít giết luôn người tàn tật, còn các người lăng nhục họ.”

Đám người xung quanh khiếp hãi, hoảng hồn, có thể sau đó sẽ tử tế hơn, với cậu, và những bạn bè của cậu. Hoặc sẽ không. Nhưng dẫu sao thì cũng biết, rằng cái đầu nhỏ bé ấy biết nghĩ. Và tử tế nhất là, có thể giết luôn cậu đi.

***

Như một mối đồng cảm lạ lùng, tôi hiểu trọn những điều ông ấy nói, ông ấy làm. Như việc trào lộng ấy, tôi cũng hay đem bản thân ra giễu cợt. Tôi vẫn bảo, tôi không phải lo lắng về việc cho con cái đi học chỗ nào, khám bệnh ở đâu, đối phó với chúng ra sao nếu vướng phải thói hư tật xấu; tôi miễn nhiễm hoàn toàn trước mối đe dọa bệnh tật, tuổi dậy thì, hay lo toan tài chính cho đám con cái của nhiều người đồng trang lứa khác, bởi tôi không có con. Được hỏi về những sách dạy con này nọ có hay không, tôi có thể trả lời ngay là không biết. Tôi chưa đến tuổi đọc sách ấy. Cũng như nhiều người đã nhìn ông bố ấy như thể ông đã hóa rồ, tôi cũng thường xuyên được đối xử như kể điên, bất thường, tâm thần phân liệt…

Cậu bé không như những người khác ấy đã chỉ ra chân tướng chính của chính tôi. Tôi sẽ giống như cái cô sinh viên đến chơi với cậu và bạn bè suốt mấy tháng ấy, đã nhận ra rằng họ thông minh, can đảm… hơn cả đám bạn bè ở trường đại học của cô. Nhưng họ không thể đến trường cùng cô, vì trường học chỉ dành cho những kẻ lành lặn, những kẻ bình thường. Cô gái ấy đã đứng khóc và hút thuốc, dưới trời mưa, có lẽ vì nhận ra cuộc sống đã không công bằng, (chính tạo hóa cũng có công bằng đâu), không đẹp đẽ như cô tưởng. Rồi sau đó, không bao giờ cô trở lại cô nhi viện nữa. Tôi còn không can đảm như cô gái ấy. Tôi sẽ bỏ chạy có thể ngay sau ngày đầu tiên, khi nhận ra tạo hóa không công bằng, không đợi đến khi thấy cuộc đời bất công.

***

Ông bố bất hạnh ấy bảo, ông không thích từ “tật nguyền”, càng không thích từ “bất thường”, nhất là khi chỉ trẻ con. Ông bảo, “Bình thường có nghĩa gì? Là như cần phải thế, như người ta lẽ phải thế, nghĩa là ở mức trung bình, tầm tầm.” Ông cũng bảo, “Tôi thích cách diễn đạt ‘không như những người khác’ hơn. Bởi không phải lúc nào tôi cũng thích những người khác.”

Tôi hay bối rối khi gặp những người khác này, tôi sợ, tôi tự coi họ “bất hạnh” hơn mình, và gọi họ là những người bất hạnh. Tôi đã nhầm, họ chỉ khác tôi, còn bất hạnh hay hạnh phúc không phụ thuộc vào việc ta có lành lặn đủ chân tay mắt mũi. Cách gọi của ông bố giúp tôi can đảm, cũng chỉnh lại thiên kiến trong tôi luôn coi những người khác mình là bất hạnh, và đối xử với họ nhu mì hơn. Tôi sẽ đối xử với họ như những người bình thường, cái ngưỡng bình thường chán ngắt ấy.

***

Cậu bé không như những người khác ấy ghét màu trắng – màu bệnh viện, màu trần nhà, màu bác sĩ – nhưng lại tha thiết với ánh sáng, ánh sáng của cuộc đời thực, ngoài đời sôi động kia, mà mãi cậu mới được tận mắt nhìn thấy. Thậm chí, khi đã có thể tự bò đi, cậu còn bò tận ra ngoài cổng khi trời mưa, hy vọng nước sẽ hắt vào vài giọt. Tôi hiểu, đấy là niềm khao khát được sống cuộc sống này, khí trời, ánh sáng, tiếng người, tất cả.

Trên cái nền đen nghiệt ngã của cuộc sống và/hay số phận, cả hai đã rọi được ánh sáng trên nền đen ấy, mà đúng hơn là đã phết đủ sắc màu lên đó, đã làm cho nhiều con người nhìn hiện thực đen tối khác đi, hoặc là thấy một bóng tối khác, còn tàn bạo hơn bóng tối của mình… Dẫu thế nào, sự sống cũng vươn lên từ đó.

***

Hôm nay, tôi muốn ánh sáng có màu khác đi.

Không phải là màu sáng trắng bình thường, mà là ánh sáng qua kính vạn hoa, có cả dải cầu vồng màu sắc.

Xuyên qua ánh sáng ấy, xuyên qua dải cầu vồng ấy, tôi sống cuộc sống này .

___________________

[1] Tập truyện của tác giả Ruben David Gonzalez Gallego; Phương Hoài dịch; TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản năm 2004.

[2] Truyện của Jean Louis Fournier; Phùng Hồng Minh dịch; Nhã Nam, 2009.

Hang ổ của loài rồng

Nhân đọc Bay trên tổ chim cúc cu, Ken Kesey (Nhã Nam, 2011).

Đây là một tuyệt phẩm dựng lên một nghịch cảnh éo le, đi ngược với trật tự thông thường – nếu người ta vẫn coi cuộc đời hỗn loạn này là trật tự, nếu coi mọi cuộc đấu tranh đều đại diện cho hai phía, Thiện và Ác, thì cuộc chiến trong nghịch cảnh ấy cam go hơn nhiều, bởi ranh giới giữa Thiện – Ác không rành rẽ rõ ràng, đôi lúc gần như không thể nào định nổi và có phần phi lý. Cuộc đấu tranh giữa kẻ điên và kẻ không điên ư? Nhưng ai là kẻ điên/không điên mới được chứ? Giữa con bệnh và người chữa bệnh ư? Nhưng thực ra, kẻ nào cần chữa mới được chứ? Và rốt cuộc ai là kẻ chiến thắng? Kẻ ca khúc khải hoàn là kẻ vĩnh viễn mất đi tri giác? Vượt tường đào tẩu? Hy sinh anh dũng? Và kẻ nào giương cờ trắng ra hàng? Những kẻ giữ gìn trật tự và nhốt mình trong trại còn lâu hơn cả con bệnh ư?

Nhưng cuộc chiến ấy không quan trọng, điều quan trọng là quá trình tranh đấu, một chặng đường tính về thời gian thực thì không quá dài nhưng lại quá dài cho sức chịu đựng của con người, và trong tranh đấu sục sôi hơi thở cuộc sống dưới hình hài những kẻ điên loạn với khát khao tự do, muốn cởi bỏ mọi lề thói thông thường, muốn sống, muốn tận hưởng, muốn hít sâu cuộc đời này vào tận cùng buồng phổi và phả lại lên tận trời xanh. Và họ đã tìm cách đập tan mọi nề nếp ấy.

Trở lại với câu chuyện, với lời kể của Thủ lĩnh Bàn chải Bromden, một người da đỏ bị tống vào trại hầu như từ những ngày đầu tiên, một giọng kể điềm tĩnh, những quan sát bất ngờ của kẻ câm lặng – “vừa câm vừa điếc” – cao tới hơn hai mét, suốt ngày cầm chổi lau nhà lau khắp mọi xó xỉnh của trại, và vì thế cũng nghe được hết trơn mọi thứ.

Trong mắt những bạn bè đồng bệnh, y là một thứ Thủ lĩnh “rơm”, suốt ngày chỉ biết lau nhà và sợ từ con gián trở đi. Bản thân y, một người lai da đỏ, bộ lạc đã bị tuyệt chủng, ba của y từng là Thủ lĩnh của bộ lạc, và một bộ lạc đã phải nhượng bộ nhà chức trách, dù con người khôn ngoan là ba y đã tìm mọi cách đánh lừa họ, nhưng rồi cái bộ lạc đó – hay cái sự mông muội, tối tăm đó theo quan niệm của nhà chức trách hiện đại – đã bị quét sạch. Và y, nạn nhân của phát triển, của phát quang và làm sạch những bụi rậm tối tăm, đã bị tống vào trại – như bất cứ kẻ điên chân chính nào. Còn chính y nhìn thấy y thế này:

“Thế rồi sau đó lẩn vào nhà vệ sinh, trốn tụi hộ lý, tôi nhìn mình trong gương và tự hỏi làm sao có người lại đảm đương nổi việc to lớn đến thế, làm sao có thể làm chính mình. Bộ mặt tôi phản chiếu trong gương, tối tăm sắt đá, lưỡng quyền cao tựa như má bị rìu đẽo đi, đôi mắt đen sì với vẻ tàn nhẫn như mắt ba, như mắt của những người da đỏ man rợ mà người ta vẫn thấy trên phim, và tôi nghĩ, Đây không phải là tôi, khuôn mặt này không phải là khuôn mặt của tôi. Thậm chí khi tôi cố mang bộ mặt như vậy thì nó vẫn không phải mặt tôi; lúc đó tôi không phải là tôi, tôi chỉ làm ra như chúng vẫn trông thấy, như chúng muốn trông thấy mà thôi. Mà hình như cũng chưa bao giờ tôi thật là mình.”

Phải nói rõ về y bởi y sẽ kể lại toàn bộ câu chuyện này, bằng một cách kể hấp dẫn của riêng y, sự tỉ mẩn, và chi tiết mà nếu không có sự quan sát kĩ càng và phân tích bằng đầu óc của một kẻ điên thì không thể nào làm được.

“Phía dưới, một chuyến hàng toàn những bộ phận ướp lạnh – tim, gan, óc và các thứ khác vừa về. Tôi nghe thấy tiếng chúng va đập vào nhau trong rãnh máng đổ vào hầm lạnh. Trong phòng, một người ngồi đâu đó tôi không nhìn thấy nói rằng, hôm qua phòng điên có một đứa vừa tự tử. Thằng Rowler. Nó cắt túi hột cà, máu chảy đến khi chết, trong lúc đang ngồi trên chậu hố xí; có năm người ở đó, những đến lúc nó ngã vật ra sàn nhà mới hay biết.

“Tôi không thể hiểu nổi sao họ nôn nóng vậy, chỉ cần đợi đến lúc là xong.”

McMurphy là kẻ đã đặc biệt gây ấn tượng với Bromden, ngay từ ngày đầu tiên vào trại, chuyển thẳng từ nhà tù. McMurphy đã thổi vào trong trại một bầu không khí mới – hay đúng ra là sự sống – vốn đã chết liệt từ lâu trước khi hắn tới. Cho dù là ở trại tâm thần, thì hắn vẫn tạo ra những trò cờ bạc đỏ đen, câu cá trên vịnh biển, gái mú, đấu tranh, và tất nhiên, cả máu me và cái chết.

Như chính McMurphy đã tuyên bố, ở nhà tù hắn luôn là một tay tù cự phách, thì đến trại này cũng vậy, hắn phải là kẻ điên siêu hạng. [Kẻ siêu hạng này quá tham vọng chăng, khi không chỉ muốn vượt mặt lũ bạn tâm thần tầm thường, hắn còn muốn vượt mặt cả đại diện cho nhà chức trách, lẽ phải, hay công lý gì đó – là đám bác sĩ, y tá, hộ lý… ở đây?]

“Thế thì hãy nói cho thằng Toán trưởng Tâm thần Harding rằng ngài R.P. McMurphy muốn gặp hắn và cái bệnh viện này quá chật chội cho cả hai. Qua đã quen cầm đầu rồi. Qua là thằng toán trưởng cưỡi máy kéo khắp các khu rừng Tây Bắc, là toán trưởng các con bạc từ hồi chiến tranh Triều Tiên, và thậm chí toán trưởng cả đám làm cỏ đậu ở trại Pendleton, vậy nên nếu bây giờ qua là thằng tâm thần thì, mẹ kiếp, cũng phải là tâm thần hạng siêu nặng.”

Kẻ siêu hạng này đã chứng tỏ được “hạng siêu” của mình không bằng những trò gian manh mới mẻ, mà bằng chính bản thân mình. Giọng nói, tiếng cười, cung cách, chừng như ngay trong ngày đầu tiên đã phá tan hết cái bầu không khí tù đọng, nề nếp chết cứng vô hình trong trại.

Hắn đi như nhảy múa trên đôi chân, nói như hét, thở như ống thông gió trên đỉnh nóc chuông nhà thờ cao nhất; tiếng cười của hắn như tiếng suối sục sôi đổ rầm rập xuống thành thác nước, cuốn băng tất cả những cũ mòn, tù đọng.

“Làm thế nào hắn lại thoát cái ách chung? Có lẽ, giống như lão Pete, Liên hợp đã lỡ cơ hội chộp lấy hắn khi còn non nớt. Có lẽ hắn khi nhỏ vốn là một đứa bất trị, chu du khắp đất nước, bạ đâu sống đấy và không chịu dừng lại ở đâu quá vài tháng, nhà trường không dạy nổi hắn… Có thể là thế, hắn không cho Liên hợp thời cơ, cũng như sáng qua tụi hộ lý không sao đo được nhiệt độ cho hắn, một chiếc bia di động bao giờ cũng khó trúng đạn hơn.”

Cái bia di động khó trúng đạn ấy rốt cuộc cũng phải lĩnh nhiều phát đạn, nhưng là một cái bia di động nên phát bắn trúng hồng tâm thật là một thử thách ghê người, và chẳng có ai có thể điểm trúng. Còn những phát ngoài rìa rốt cuộc chỉ gây cho hắn vết thương và sức dội lại mạnh hơn bao giờ hết.

McMurphy lôi người ta khỏi hang ổ an toàn, chỗ ẩn trú trong tối tăm, mù mịt. Hắn làm rối tung mọi thứ, khiến người ta ám ảnh không thôi, với những đòi hỏi, thắc mắc, tự vấn, rằng tự do hay khuôn khổ?

“Giờ tôi đã hiểu tại sao: hơi bê tha, dĩ nhiên, nhưng lặn ngụp, trấn mình trong đó, lại cảm thấy an toàn. McMurphy không hiểu cho chúng tôi điều đó, không hiểu chúng tôi muốn an toàn. Hắn luôn tìm cách lôi chúng tôi khỏi đám sương mù, ra chỗ quang đãng, nơi người ta rất dễ bị tấn công.”

Bởi ngay khi chấp nhận sự rõ ràng, lập tức người ta chịu đau đớn.

“Khi có người xuất hiện ta không muốn nhìn mặt họ và họ cũng không muốn nhìn mặt ta, bởi thật đau lòng phải thấy nhau rõ ràng như thấy đến cả ruột gan như thế, nhưng cũng không muốn quay đi để mất hắn và mình trở nên đơn độc. Ta chỉ có hai lựa chọn ấy: hoặc căng mắt nhìn những gì hiện ra từ sương mù, bất chấp đau đớn, hoặc thả mình trôi đi vào lãng quên.”

Trong trại, McMurphy mang sức mạnh gần như thần thánh dưới con mắt của Bromden, mà không hẳn, với tất cả những kẻ còn chút não trong đầu, như Harding đã chỉ ra rằng, tất cả chỉ là những con thỏ từ lúc sinh ra: thỏ sợ sệt, thỏ nói lắp, thỏ yếu nhược, thỏ mọc sừng…, chỉ có hắn là con sói duy nhất trong bầy đàn. Và con sói đơn độc ấy phải chứng tỏ bản lĩnh sói trước cả lũ thỏ và những tay săn thỏ.

Không thể không nhắc đến y tá trưởng Ratched – một sáng tạo tuyệt vời của Ken Kesey, được Bromden miêu tả cực kỳ sống động, với những ví von, ẩn dụ chết người:

“Mặt mụ phẳng phiu, được gia công chính xác như một con búp bê đắt tiền, da như được tráng một lớp men màu kem sữa, cặp mắt xanh sáng, mũi hơi ngắn, hai lỗ mũi nhỏ ti hin, hồng hồng, tất cả đều đúng tiêu chuẩn trừ màu môi với móng tay và kích thước bộ ngực. Đã có nhầm lẫn ở đâu đó khi lắp ráp mụ – đặt một bộ ngực vĩ đại rất đàn bà lên một sản phẩm lẽ ra hoàn thiện về mọi mặt, và rõ ràng mụ hết sức cay đắng vì điều đó.”

Cuộc đối đầu trực tiếp giữa McMurphy và Ratched nổ ra ngay từ ngày đầu tiên McMurphy đặt chân vào trại. Và y những tưởng chỉ cần tiêu diệt một Ratched vốn chỉ là một mụ đàn bà với bộ ngực vĩ đại, chả ăn nhằm gì với y hết, là y có thể thoát ra khỏi cái nề nếp tù đọng, chết cứng ấy, y có thể sống như coi sói đầu đàn, tự do chạy mọi xó xỉnh của rừng già. Nhưng y đã nhầm. Bromden đã nhận ra ảo tưởng ấy trước y.

“Tôi thấy hết và đau lòng bởi tất cả những gì đang phải chứng kiến, cũng như đau lòng khi chứng kiến những sự kiện trong quân đội, hồi chiến tranh. Cũng như khi chứng kiến những điều xảy ra với ba và bộ lạc. Tôi cứ nghĩ mình đã vượt qua, không còn mãi buồn bực trước những điều tai nghe mắt thấy. Làm thế chẳng được gì cả. Người ta chẳng thể làm gì.”

Khi nhận ra chân tướng của sự thật, rằng đằng sau Ratched là một cỗ máy, nếu có vứt được Ratched ra ngoài thì cũng sẽ có một Ratched mới – không có ngực bự thì lại mông to mà thôi – McMurphy hiểu ra tình thế tuyệt vọng của hắn, cũng như của tất cả đám cừu, gà, thỏ… trong trại. Bản tính ưa tự do, khát khao được “sống” mỗi ngày trong lồng ngực phồng lên như con sư tử, vuột chạy ra và cắn nát mọi thứ cản đường. Và tất nhiên, rốt cuộc chỉ đem theo tai họa. Như bất kỳ kẻ tranh đấu nào khác: lên máy chém, tống vào tù, khóa xích lại… Tóm là theo lời Bromden, là “đóng yên, lắp hàm thiếc”:

“…chúng sẽ cải biến mày bằng những cách vô phương chống đỡ! Chúng đặt thêm các thứ. Chúng lắp thêm máy vào mày. Chỉ cần đánh hơi thấy mày đang to lên, lập tức chúng bắt tay vào việc từ khi mày còn bé, lắp đặt chi tiết, xử lý đến khi nào mày ổn định thì thôi!”

Khi mất dần đi ý thức phản kháng, người ta mất đi khao khát và say mê cuộc đời, người ta không còn tinh thần đấu tranh và thắc mắc về lẽ công bằng hay đeo đuổi tự do. Quá trình tẩy não diễn ra như vậy đấy. Những liên hợp khắp nơi trên mặt đất này đều hoạt động theo cách đó, với mục tiêu là phẳng khát vọng tự do, vốn vẫn phồng lên như đôi cánh chực tung ra trời rộng để chao liệng, vượt ra khỏi quy định, nề nếp của nó – từ những Scanlon, McMurphy. Và trật tự của kẻ này vẫn là hỗn loạn của kẻ khác, và chẳng phải thế giới vẫn xoay vần với tất cả hỗn mang đó hay sao?

***

Ken Kesey đã tạo ra một xã hội thu nhỏ, một xã hội giả tưởng nhưng sống động, với mô hình một trại tâm thần, khu biệt với thế giới bên ngoài, và không phải bằng con mắt của kẻ bên ngoài hàng rào nhìn vào trong trại, mà từ chính kẻ trong trại nhìn ra.

Đó là một thế giới thực hơn cả thế giới thực, những chân dung sống hơn cả người đang sống, hiển hiện ngay trước mắt ta bằng xương bằng thịt. Một Billy Bibbit yếu nhược từ lúc mới sinh ra với tật nói lắp vô phương cứu chữa, một Harding với bản tính nề nếp cố hữu, kẻ mặc nhiên coi những điều đang diễn ra là quy tắc cuộc đời, một Bromden dù nghe được hết, thấu được hết nhưng không chịu hé răng cho tới tận lúc cuối cùng?

Nhưng tại sao những kẻ đó – biết rõ sự yếu nhược của bản thân mình lại không thể chịu đựng nổi nó khi ở ngoài đời thật, đến nỗi phải vào trại tâm thần để chịu những cuộc đấu tố “tinh thần”, chịu chìa cái góc khuất tối tăm, cái phần hồn mà người thường đều che giấu ra cho những bạn đồng trại mổ xẻ? Có phải chính McMurphy đã giải đáp điều đó rằng:

“Tao chỉ biết một điều: ngay từ đầu vốn dĩ đã chẳng ai vĩ đại gì cho cam, nhưng hình như trong suốt cuộc đời ai cũng chỉ làm mỗi việc là dìm kẻ khác xuống thấp.”

Có lẽ, nói một cách rõ ràng, như cách của B. rằng, tất cả chúng ta đều qua đời ở tuổi hai mươi nhăm nhưng đợi đến tận năm chục năm sau mới đem đi chôn. Hầu hết những kẻ trong trại đó, hay ngoài trại kia, đều chỉ là những xác sống mà thôi, khi không còn giữ được trong lồng ngực mình ngọn lửa đỏ khát khao tự do và dâng hiến cho cuộc đời, chỉ còn chú mục vào trật tự, thì tất thảy chẳng khác gì xác sống.

***

Nói như cách của Ken Kesey rằng chúng ta đều biết rằng không có loài rồng – hoặc là được bảo là như vậy – rốt cuộc chúng ta đã được dẫn tới hang ổ của chúng. Thì đây, nếu rồng là giống loài được là mình – kẻ vừa có sức mạnh ngàn cân lại có cánh bay lượn trên trời, không xiềng xích nào giữ nổi, như McMurphy, thì tất cả đều đã được chạm mặt nó. Trong một mảnh đời ngắn ngủi nhưng oanh liệt, huy hoàng, một mảnh đời mà hẳn Bromden, Harding, Billy Bibbit đều mong muốn được trải qua một lần. Và cả chính ta nữa, chẳng phải vẫn mong được một lần khạc lửa, đập đuôi, phá nát những công trình rác rưởi, những trật tự tối tăm, những ý tưởng ngu muội hay sao?

Nhưng chúng ta phải có gì đó để hy vọng chứ? Đó chính là Bromden – con ngỗng đã thoát được khỏi chuồng chứ không chịu số phận của bầy gà non bị bà dì nhốt chặt trong bài vè y vẫn đọc với bà nội hồi thơ bé – con ngỗng đã bay vượt lên trên tổ chim cúc cu để rủ các bạn cùng bay ra khỏi đó, với lời dẫn dụ ngọt ngào làm sao: Còn một con bay qua/Tổ cúc cu và hót/Rủ các bạn cùng theo/Một, hai, ba… NÀO BƯỚC.

HƠN CẢ CÁI CHẾT

Nhân đọc Tà dương, tác giả: Dazai Osamu, người dịch: Hoàng Long, Tủ sách Tinh hoa Văn học, Công ty Sách Phương Nam, 2012.

Dazai Osamu (1909-1948) quả là tuyệt vời khi nắm bắt tâm lý phụ nữ, thể hiện qua những chi tiết rất nhỏ, những quan sát và thể hiện tinh tế, như lời lẽ trong bức thư Kazuko viết cho Uehara, việc bộc lộ tính cách và tâm trạng nhân vật trong các tình huống cụ thể: sự tinh tế của người mẹ qua cử chỉ ăn uống, hành động của bà, dù rất phóng khoáng nhưng lại tinh tế, lịch duyệt; sự mẫn cảm của Naoji qua ý thức về sự lạc loài của bản thân trước thế gian, về tình cảm của mẹ với mình – không chết trước mẹ vì nếu thế thì mẹ cũng sẽ không sống nổi; chuyển biến tâm lý của Kazuko: từ cái chết của con rắn cái cho đến ý thức tranh đấu sống dậy mạnh mẽ trong nàng…

Người mẹ được Dazai Osamu khắc họa, là cấp độ tuyệt vọng ban đầu, dù đau khổ trước cái chết của chồng, sự sa đọa của đứa con trai, và nỗi bất hạnh của cô con gái thì vẫn cam chịu. Đó là sự nín nhịn trước cuộc đời, dìm bỏ cảm xúc cá nhân, tảng lờ đi đời sống thực (không quan tâm đến điền sản, đến tiền bạc, đến đời sống, mặc kệ mọi sự cho em chồng lo liệu…)

Từ trước đến giờ chưa lần nào mẹ tỏ ra yếu đuối trước mặt tôi, cũng chưa khi nào để tôi nhìn thấy mẹ khóc đau khổ như vậy. Cho dù là lúc cha tôi mất, lúc tôi đi lấy chồng, lúc tôi bụng mang dạ chửa quay về nhà, rồi đứa bé bị chết non trong bệnh viện, hay lúc tôi bệnh nằm liệt giường, rồi ngay cả khi Naoji quậy phá nữa, mẹ cũng tuyệt đối không cho ai thấy thái độ yếu ớt như thế…

Người mẹ cam chịu, nhẫn nại, chấp nhận cuộc đời đã từ bỏ vũ khí, buông tay trước số phận. Cũng là cảm giác thấu suốt của con người đã trải qua hết cuộc đời để đi tới cái chết, hiểu rằng chúng ta vĩnh viễn chẳng hiểu chút gì về cái gọi là thế gian hết.

“‘Mẹ chẳng hiểu thế gian là gì nữa.’

Mẹ ngoảnh mặt đi, thì thầm như độc thoại.

‘Mẹ cũng không hiểu nữa. Chắc cũng không có ai hiểu đâu. Cho dù bao nhiêu thời gian trôi qua, tất cả chúng ta đều là con trẻ cả thôi. Chẳng hiểu biết được gì hết.’”

Nét bút tài hoa của Dazai Osamu thể hiện qua khắc họa nhân vật, đặc biệt là Naoji, chỉ qua vài đường nét đã thể hiện một con người thật dữ dội, cô đơn đến cô độc, nhưng lại nhạy cảm đến bất thường. Như khi được Kazuki hỏi thấy mẹ thế nào, Naoji rất lạnh lùng mà nhận xét rằng:

“… thay đổi nhiều. Tiều tụy đi. Có lẽ chết sớm đi thì hay hơn. Người như mẹ làm sao có thể sống trong cái thế giới này được. Nhìn mẹ bi thảm đến độ không thể nào chịu nổi.”

Nhận xét tàn nhẫn như vậy nhưng nếu không có đầu óc quan sát tinh tế, sự mẫn cảm với con người thì làm sao cạu nhận ra được sự thay đổi ấy. Cũng như khi nhận xét Kazuko:

“Thô tục đi nhiều. Nhìn cái mặt chị như thể đã qua hai ba tay đàn ông gì đó rồi vậy.”

Phũ phàng như vậy nhưng rõ ràng Naoji đã nhìn thấu tâm can Kazuko, thấy rõ được biến chuyển trong tâm tư nàng. Chính sự mẫn cảm đó của cậu mà cuộc đời luôn làm cho cậu đau đớn…

Naoji mẫn cảm thấu được cái tình cảnh cô đơn cùng cực của mình trước thế gian đông đúc màu mè đó. Bề ngoài chỉ là một bi kịch của việc không được nơi nào thừa nhận bởi khoác trên mình hư danh “quý tộc sa sút” – nông dân không chấp nhận, giới thượng lưu ngoảnh mặt – mà thực chất vẫn là cái “thất lạc cõi người” kia. Không thể nào hòa nhịp được với những kẻ vẫn được coi là đồng loại – cùng nói tiếng người đấy mà sao xa cách nghìn trùng.

Naoji phản kháng thế gian mà chàng “bất khả tri” kia bằng cái chết. [Cái chết là chung cục tất yếu cho tất cả những ai từng sống trên đời, nhưng với những kẻ không thể nào dung nạp được cuộc đời thì nó đến sớm hơn mà thôi.] Đây cũng là cái chết mà người đọc hình dung ra ngay từ đầu tác phẩm. Bởi Naoji không còn lối thoát nào hết trong cuộc đời, lối duy nhất cho chàng là cái chết. Đến tình yêu không cứu vãn nổi con người ta nữa thì trái tim đã vô phương cứu chữa mất rồi.

Nét bút tài hoa của Dazai Osamu còn thể hiện qua việc xây dựng các hình ảnh trong truyện. Như hình ảnh con rắn gắn với Kazuko, hình ảnh “hoa quỳnh” gắn với Naoji, còn bà mẹ là một hình ảnh tuyệt vời cho một vương triều đã sụp đổ, một quá khứ đẹp đẽ vĩnh viễn mất đi.

Sang đến Kazuko, thì biến chuyển tâm lý của nàng là cả một chặng đường dài, có thể gọi là “cuộc cách mạng”. Quá trình hình thành cuộc cách mạng của Kazuko đưa cho nàng vô số câu hỏi, thoạt tiên tưởng là của một cô gái ngây thơ chưa hiểu gì về đời sống, nhưng thực chất là những câu hỏi lớn, mà cho đến giờ nhân loại vẫn chưa tìm được câu trả lời.

“Tại sao tình yêu thể xác lại xấu xa còn tình yêu tinh thần thì cao đẹp, tôi thật không hiểu nổi?”

Không ai hiểu nổi từ đâu đã đặt ra cái thứ luân lý đó, cái thứ được coi là đạo đức đó? Nếu đạo đức là phải khiến cho người ta cảm thấy thoải mái thì sao cái thứ gò bó, ép buộc, và khiến cho chúng ta phải đau đớn lại được coi là đạo đức? Tôi cũng luôn tự hỏi và chẳng biết tìm đâu câu trả lời.

Nhưng Kazuko can đảm của chúng ta đã tìm mọi cách lý giải để kháng cưỡng lại nó, tuyên chiến với nó. Nàng đã ngộ ra vẻ đẹp của lý tưởng đằng sau thứ mà thế gian luôn muốn dập tắt và bắt chúng ta chối từ, đó là tình yêu và cách mạng.

“Khi đọc sách của Rosa Luxemburg, không phải tôi không cảm thấy cái vẻ kiểu cách lên gân giả tạo, nhưng nó mang lại cho tôi niềm hưng phấn sâu xa theo cảm nhận của riêng tôi…

Tuy nhiên, khi đọc quyển sách này, tôi lại thích thú ở một điểm khác. Đó là tác giả đã có sự liều lĩnh và dũng khí phá hủy hết tư tưởng xưa nay từ gốc đến ngọn, không chút do dự nào. Và tôi chợt nghĩ đến hình ảnh một người đàn bà chạy trong giá lạnh đến nhà người mình yêu, cho dù điều đó có vi phạm đạo đức đến thế nào đi nữa. Tư tưởng phá hoại. Sự phá hoại là điều buồn bã, bi ai nhưng đẹp đẽ. Một giấc mơ về sự phá hủy, tái thiết và tự thành. Mặc dù sau khi phá hoại ngày tựu thành có lẽ sẽ không bao giờ đến, nhưng vì tình yêu ta phải phá hủy, ta phải làm một cuộc cách mạng.”

Vượt lên trên cái chết, hơn cả cái chết, chính là sự sống.

Kazuko đã chọn nó. Nếu như cuộc đời là chặng đường dài thì có rất nhiều lựa chọn trên con đường đi tới đích. Kazuko đã chọn việc đi cho tận cái đích đó thay cho việc bỏ giữa chừng.

Kazuko không chỉ tiếp tục sống mà còn nối dài sự sống ấy, đó là đứa con trong bụng nàng. Một nạn nhân như nàng gọi, nhưng là một nạn nhân sống động, một nạn nhân sẽ lớn lên, sẽ trở thành một phần của thế giới này, bất kể thế giới đó có thế nào đi nữa.

“Nhưng dù sao đi nữa tôi vẫn phải sống. Nếu có là trẻ con đi nữa thì cũng không thể mãi nũng nịu. Từ bây giờ tôi phải tranh đấu với thế gian. Có lẽ mẹ là người cuối cùng có thể sống được một cuộc đời đẹp đẽ và buồn bã, không tranh đua với người, không thù ghét sân hận. Từ bây giờ, chắc sẽ chẳng còn ai có thể sống được như vậy. Người chết đi thật là đẹp. Nhưng còn cuộc sống. Sự sống còn. Tôi có cảm giác nó thật xấu xa, nhơ nhuốc và tanh mùi máu… Hổ thẹn cũng được nhưng tôi sẽ đấu tranh đến cùng với thế gian để sinh tồn…”

Nàng không chỉ nhận thức được rằng đời sống chính là cuộc chiến sinh tồn, nàng còn thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc chiến ấy, cái vẻ đẹp của lý tưởng đằng sau cách mạng và tình yêu, mà giờ đây, người ta không còn nhận ra vẻ đẹp ấy, người ta gán cho cách mạng và tình yêu những ý nghĩa cao siêu nào đó mà bỏ qua bản chất của đích đến cuối cùng, đó là sự đổi thay và tựu thành.

Tôi cho rằng, vì tình yêu và cách mạng thực sự là hai điều đẹp đẽ, tuyệt vời nhất của cuộc đời này nên những kẻ thế gian mới ác ý nói dối chúng tôi rằng đó là những trái nho xanh. Tôi muốn xác thực điều này.

Con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng.”

Như nàng, tôi cũng ao ước được chứng thực vẻ đẹp ấy, muốn được vong mình vào đó, nhưng cũng như nàng, tôi cũng vẫn là “nạn nhân của thời kỳ quá độ đạo đức”. Bởi cách mạng đang tiến hành đâu đó, nhưng xung quanh tôi cái thứ đạo đức cổ hủ vẫn còn nguyên vẹn, hệt trong huống cảnh của nàng.

“Cách mạng đang được tiến hành ở đâu đó. Nhưng xung quanh chúng ta, cái thứ đạo đức cổ hủ vẫn còn nguyên vẹn, không hề thay đổi, vẫn trói buộc chân tay chúng ta. Dù những lớp sóng có thét gào trên bề mặt thì nước dưới đáy biển sâu kia vãn không hề chuyển động chứ đừng nói là cách mạng, chúng vẫn giả vờ như đang ngủ.”

Ở đây, bây giờ, vẫn còn nguyên thứ đạo đức cổ hủ đó, trói buộc con người, dìm con người sâu hơn vào thứ luân lý cổ điển, thứ luân lý “phi lý” ấy. Nhưng thế gian vẫn mặc lòng chấp nhận, bởi người ta sợ cách mạng. Cách mạng là phải có đổi thay, gian khổ; người ta sợ những thứ làm xáo trộn cuộc sống yên ổn này; người ta cũng sợ cả tình yêu, bởi tình yêu sẽ khiến cho tinh thần người ta không còn yên ổn nữa. Vì thế, để sống trong hòa bình, người ta dựng thứ đạo đức đó thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Những kẻ đối đầu với pháo đài đó sẽ gặt về thất bại, hoặc là khổ đau tan nát.

Nhưng Kazuko đã tuyên chiến với nó, chấp nhận cuộc đấu tranh lâu dài và hoàn toàn đơn thương độc mã với nó, trước hết là nàng đã sống, và không chỉ sống mà còn có đứa con ngoài giá thú, với người mình yêu.

“Tuy nhiên, em nghĩ mình đã đẩy lui được phần nào cái thứ đạo đức hủ lậu qua trận chiến đầu tiên. Và từ giờ trở đi, em cùng với con mình sẽ tiếp tục chiến đậu trận thứ hai và thứ ba.

Việc sinh đẻ và nuôi dưỡng đứa con của người em yêu mến sẽ hoàn thành cuộc cách mạng đạo đức của em.

Em tự hào về ông và em sẽ làm cho đứa con mình cũng tự hào về ông nữa.

Đứa con hoang và mẹ nó.

Tuy nhiên, hai người chúng em sẽ đấu tranh đến cùng với thứ đạo đức cổ hủ, sẽ sống như mặt trời.”

Kazuko tiếp cho nhân loại bao nhiêu sinh lực, không chỉ có thêm nghị lực mà còn cả lý luận để tranh đấu với nhân gian, dù kết quả thật đơn giản là chỉ để được hòa chung vào nó. Nghe có vẻ như là một cuộc đấu tranh vô ích mà đầy bi ai, bởi sống thì thật là đơn giản, con giun con dế cũng sống, nhưng cuộc sống của nàng giữa muôn vàn biến cố, một thể chế vừa suy vong, một gia tộc sa sút, những người thân yêu trong gia đình lần lượt qua đời, thì sự sống đó đúng là một cuộc cách mạng, và đứa con nàng là một tựu thành của cuộc cách mạng ấy.

***

Trong Thất lạc cõi người, Yozo sau những cơn say sưa bất tận, sau những đau đớn vì chết hụt, và buộc phải đối mặt với cuộc đời đã rút ra rằng: “Thế gian. Tôi cảm giác như mình có thể bắt đầu lờ mờ hiểu về nó. Trong sự ganh đua giữa các cá nhân, trong cuộc tranh giành ấy, chiến thắng là tất cả. Con người không bao giờ phục tùng con người. Ngay cả kẻ nô lệ cũng biết ăn miếng trả miếng ti tiện theo kiểu nô lệ. Nếu không dựa vào sự thắng bại của cuộc ganh đua thì công phu để sống sót không còn hiểu lộ.

Người ta rêu rao đại nghĩa, nhưng mục tiêu của sự nỗ lực chắc chắn phải là cá nhân, cá nhân vượt lên trên cá nhân. Cho nên sự nan giải của thế gian cũng chính là sự nan giải của cá nhân.”

Thì trong Tà dương vẫn phảng phất hình bóng ấy trong những suy nghĩ của Kazuko về thế gian, khi đứng trước cái chết cầm chắc của mẹ nàng, nàng cũng nhận ra từ trước tới nay mình chẳng hiểu thế gian là chi hết.

Mẹ nàng cũng thú nhận điều ấy, bà chẳng hiểu được thế gian và sẽ “chẳng ai hiểu được.”

Vậy thì thế gian là gì? Chẳng phải là một chốn tưởng đông vui đầy tiếng nói cười, bởi loài người vẫn tự nhận mình là sinh vật duy nhất có ngôn ngữ hay sao? Hóa ra là một chốn bí hiểm nhường ấy hay sao? Tiếng nói cười kia phải chăng chỉ là cái vỏ che đậy đi phần u tối bên trong? Cái gì khuất lấp trong lớp áo sặc sỡ của muôn hình vạn trạng từ dục tính tới phù hoa kia?

Chẳng phải thế gian đầy ắp người sao? Cái giống loài ngày càng “bạo tàn và ích kỷ” đó là đại diện cho cái thế gian bí ẩn đó, vì vậy mà chốn này khó lường làm sao.

Nếu có điều hơn cả cái chết thì chính là cuộc sống này. Đấy là sự sống nảy mầm trong bụng Kazuko, là tiếng thét mãnh liệt vào cuộc sống ngục tù, tăm tối, trụy lạc, phóng đãng… Là phản kháng mãnh liệt cái ủy mị trước cuộc đời của những con người trượt sâu vào những thất vọng cá nhân, thất bại trước sự nghiệp cũng như ái tình, để vùng lên đòi sống.

Cả một thể chế suy vọng, gia tộc sa sút và vô số gia đình tan nát. Thể chế ấy không cứu vãn nổi cho chính nó nhưng vẫn dựng lên như một biểu tượng cho hy vọng, cho một niềm tin khắc khoải đeo đẳng, rồi một ngày nào đó sẽ hồi sinh, và con người đứng trước cái chết vẫn còn hy vọng đó.

“Tôi chợt nghĩ, biết đâu giờ mẹ đang hạnh phúc. Cái cảm giác hạnh phúc phải chăng giống như mảnh bụi vàng lấp lánh dưới đáy sông tuyệt vọng? Nếu cái tâm trạng sáng sủa không thể ngờ khi vượt qua đáy sâu của nỗi buồn là hạnh phúc thì Thiên hoàng, mẹ và cả tôi nữa chắc hẳn đang hạnh phúc đây. Buổi sáng mùa thu yên tĩnh. Khu vườn mùa thu ánh sáng chan hòa…”

Nhưng bất chấp cái “khả tri”  hay “bất khả tri” trước cuộc đời, bất chấp cả cuộc đời đang dần đi vào bế tắc, diệt vong, Kazuko vượt qua cái khoảng trống nhận thức đó, vùng vẫy quyết liệt để sống – một cuộc đời dù có “tanh mùi máu” và “xấu xa, nhơ nhuốc”. Trong một sát na, nàng ngộ ra rằng “Người chết đi thật là đẹp. Nhưng còn cuộc sống. Sự sống còn.”

Từ đây, tôi cho rằng bắt đầu giai đoạn đấu tranh sinh tồn – đúng ra là bắt đầu cuộc đời mới cho Kazuko – còn những người không bắt kịp được với thay đổi của thời đại (bà mẹ và Naoji) thì bị loại khỏi cuộc chiến.

***

Osamu tách mình ra khỏi nhân vật, dựng lên một Kazuko sống động và đầy sức sống. Trong tác phẩm này, ông vượt lên trên định mệnh đời mình với khao khát mãnh liệt được sống, ông không chỉ để cho Kazuko quyết tâm sống sót trên cõi đời mà còn đẩy nàng vào một cuộc chiến đầy thử thách, duy trì giống nòi và đấu tranh với thứ “đạo đức cổ hủ”. Nhưng bi kịch là ở chỗ chính Osamu lại không làm được điều ấy trong cuộc đời mình, ông đã chọn cái chết… Phải chăng ông đã luôn muốn chọn sự sống [trái ngược với Naoji, ngay sau khi bước chân vào cuộc đời đã chọn cho mình cái chết, những ngày sống chỉ là những ngày chờ đợi đến cái giờ phút đã điểm cho cái chung cục ấy], nhưng cũng giống như Naoji, ông thấy cái vô nghĩa của chuỗi ngày vô vọng, tại sao lại phải đợi đến phút cuối để thần Chết đến gõ cửa, bởi “Cuối cùng, cái chết của em là cái chết tự nhiên. Bởi vì chỉ có tư tưởng mới không chết mà thôi.

Với tư tưởng này, Dazai Osamu sẽ còn sống mãi…

Một trải nghiệm khác về thống khổ

(Nhân đọc Beloved của Toni Morrioson, bản tiếng Việt: Thương, người dịch: Hồ Như, NXB Phụ nữ.)

Quá khứ là một món khó nhằn, nhất là khi quá khứ đó quá nhiều thống khổ.

Thương là một trải nghiệm khác về thống khổ. Những đau thương đã nhận một lần trong đời, mãi mãi không rời tâm can người ta được nữa, cho dù người ta có muốn hay không. Và rồi dù đã băng qua nỗi đau thì người ta vẫn còn phải nếm nó nhiều lần nữa trong đời.

Văn của Toni Morrioson vẫn được coi là khó đọc. Đúng thế, nếu không tường tận khổ đau thì sẽ thấy những điều trong trang sách là những thứ phi lý điên rồ. Loài người vẫn vậy, chính tay có thể làm điều ác nhưng nếu nghe những lời kể lại vẫn không tưởng đó là thứ mình làm. Hôm nay gieo hạt mầm, ngày mai đòi trái chín. Hôm nay gieo khổ đau, không nghĩ đến thứ mình sẽ nhận ngày mai. Nỗi đau cho kẻ khác là thứ người ta ném vào gió cát, tưởng bị cuốn trôi rồi, ai ngờ mọc lên thành cỏ đắng, thành gai góc, xuyên vào thịt da những người khác nữa.

Với những người ngoài cuộc, đó là một thảm kịch nhân sinh, không thể tin là diễn ra trong thế giới con người, hay đúng hơn chỉ là những hình hài mang dạng người mà phải sống đời con thú. Và phải chứng kiến thảm kịch đó ở thì tương lai, tức là mọi thứ đã diễn ra rồi, đã kết quả rồi, không thể đổi thay hay làm được trò trống gì nữa hết. Vậy thì đào bới làm gì? Chém thêm những vết thương trên bia mộ người đã chết còn có làm đau ai được nữa?

Với những người trong cuộc, đó là khoảng thời gian của chất chồng đau đớn, nhìn lại là một sự kinh hoàng, những điều đã mất là lưỡi dao cứa vào lòng máu ứa, những điều còn lại chỉ là những thứ dở dang, những vết thương không hàn gắn nổi, những vết sẹo để đời như cái cây mọc trên lưng người, thậm chí còn đơm hoa kết trái. Có ai hình dung được trái của nỗi đau là gì không?

Quay trở lại miền Nam nước Mỹ năm 1873, với ngôi nhà ma ám màu trắng xám I24 trên đường Bluestone. Đó là một ngôi nhà chất chứa cả yêu thương và thù hận, là tài sản ra dáng của Sethe sau bao nhiêu khổ đau, là nơi trú ngụ của chị, của con chị cả đứa sống và đứa chết, của mẹ chồng chị cả lúc sống và lúc chết… Trẻ con xa lánh ngôi nhà, người lớn chạy nhanh khi đi ngang nó. Nhưng chẳng ai ngạc nhiên cả, Baby Suggs – mẹ chồng Sethe – bảo, “Có căn nhà nào trong xứ sở này không chất đầy đến nóc nỗi buồn phiền của một kẻ da đen đã chết nào đấy.”

Ngôi nhà cau có, hằn học bởi chứa đầy những muộn phiền, bởi những con người ở đó, hay cận kề quanh đó thiếu đói tình yêu, tình thương, âu yếm, chăm sóc.

Từ những nỗi đau và thiếu đói, người ta hé mở những sự thật đen tối. Con người phải giải phóng nỗi khát thèm lên loài vật. Còn nỗi ô nhục nào lớn hơn thế nữa? Khi con người phải phủ lên loài thú, trong khi còn đang sống giữa những con người khác? Những đứa trẻ không cha được sinh ra, bất chấp nhọc nhằn của đời sống nô lệ, băng qua những cuộc chạy trốn, băng qua cuộc chiến tranh, đánh đập, tù đày. Rất nhiều đứa là kết quả của những cuộc cưỡng bức vội vã, giữa đám nô lệ với nhau, giữa ông chủ với đám nô lệ nữ…

Như trăm nghìn cuộc chiến khác, cuộc chiến để giải phóng những người nô lệ là một cuộc chiến đầy rẫy mất mát. Một cách trần trụi, rốt cuộc với những người nô lệ, cuộc chiến không còn là con đường đi tìm lý tưởng, mà đã trở thành một cuộc chiến sinh tồn, chống lại cái chết – chứ không phải là tìm đường sống nữa – mặc dù kết quả là như nhau nhưng xét về ý nghĩa lại khác biệt đáng kể. Họ nhận ra thân phận bèo bọt của mình, rằng họ không có số phận, không có đời sống cá nhân, dấu ấn đóng trên người họ đã chỉ ra rằng có một số phận chung cho tất cả bọn họ, đó là bóc lột đến cùng, đánh đập tàn bạo. Không chỉ sức lực, họ còn bị cướp cả dòng sữa trong mình, những đứa con, và nhiều người thân thiết…

Cuốn sách này đã chạm vào nỗi đau tột cùng của những người nô lệ, cũng cho người ta thấy khó nhọc của đấu tranh trên con đường đi đến tiến bộ, phát triển; người tranh đấu không phải chỉ hy sinh tính mạng của mình mà còn phải đánh đổi sinh mạng của vài thế hệ.

Dẫu trong cuộc chiến sinh tồn ấy, có vài điều đẹp đẽ, như sự liên minh giữa những người da đen và da trắng, như vẫn còn khát vọng và tình yêu. Là tình người giữa Sethe và Amy, trên những nỗi thông cảm cho niềm đau xót từng nếm trải.

Cũng chính Amy khải thị cho tôi thấy về cuộc sống hay cái chết, những nghiệt ngã của đời được kể lại bằng giọng dửng dưng như của kẻ khác, không phải là họ không đau đớn mà chính nỗi đau đã bị chai mòn. Kinh nghiệm đời sống được thu gặt từ những đau thương phải gánh chịu. Như cái giọng ngây ngô của Amy nhưng đầy trải nghiệm, “Cái gì đã chết rồi, khi sống trở lại cũng sẽ đau”. Tôi muốn nối thêm vào, cả tình yêu nữa. Phải, cả tình yêu, nếu đã chết rồi, khi vực trở lại cũng sẽ làm ta đau đớn.

Ngôn từ trong Thương là một thứ ngôn từ mạnh mẽ và cá tính. Thứ ngôn từ đi thẳng và xuyên suốt, như một mũi tên. Lột tả được nỗi đau tận sâu thẳm tâm can chứ không phải những cào xước bên ngoài. Thậm chí cả yêu thương, căm ghét, hờn giận… cũng đều mạnh hơn, sâu hơn. “Anh cúi xuống sau lưng chị, thân hình anh là vòng cung của nhân ái, anh ôm ngực chị trong lòng bàn tay mình. Anh xoa má mình trên lưng chị và nhờ thế biết được nỗi sầu khổ của chị, cội rễ, thân to và những cành chằng chịt của nó. Đưa những ngón tay đến những chiếc móc trên áo chị, dù không thấy hay nghe dấu hiệu nào, anh cũng biết những giọt lệ đang vội đến.”

Và những ý tưởng mới mẻ, không trùng lắp. Đó là kết quả của sáng tạo. Một thế giới phong phú, có dự phần của những người đã chết nhưng vẫn lớn lên như những người sống mệt nhoài. Có lẽ bởi những sầu muộn, đau khổ triền miên mình người sống không gánh nổi, họ phải mang đến cả khi đã chết hay là phải san sẻ một phần gánh vác cho những hồn ma. Hay như nỗi giận của Denver, “Lúc ấy nó mười tuổi và vẫn còn giận Baby Suggs vì bà chết”. Có nỗi giận nào như vậy trong đời không, giận vì người ta chết? Không, tôi chưa từng biết đến cho đến lúc biết Sethe… Mà quả thật, cái chết luôn đáng giận như thế, vì nó luôn đến vào lúc bất ngờ và không bao giờ chịu lấy đi cái phần mà người ta muốn ném cho nó nhất.

Rốt cuộc, rồi cái hồn ma đó cũng chịu ra đi, để những người sống có thể sống sót yên ổn hơn, nhờ Paul D nồng ấm, dịu dàng và thừa thãi sinh lực chăng? Hay là chính tình yêu đã xua đuổi đi những lạnh lẽo, băng giá để sưởi ấm lại phần chết chóc của căn nhà, của cuộc đời chủ nhân nó nữa?

Vì thế họ quên cô đi. Như một giấc mộng không đẹp trong một giấc ngủ không ngon. Dù vậy, đôi khi, tiếng chiếc váy xào xạc ngưng lại khi họ thức giấc, và những khớp ngón tay lướt qua đôi má dường như là của người đang ngủ…

Đó không phải là một câu chuyện để truyền lại.”

Nhưng tôi biết, họ biết, quá khứ kia chẳng thể xóa mờ. Nhưng người ta phải quen đi để chung sống cùng với nó. Quen đi, nghĩa là dần quên lãng.

+ Viết từ năm kia, năm kìa, hay năm nào chả nhớ. Hôm nay thoáng có cảm giác thương, cho tất cả, khi phải nhét chung vào cái thành phố chật chội, nắng nóng và phù phiếm này.

Lại là dân Do Thái…

Howard Zinn (1920 – 2010), nhà sử học, nhà hoạt động xã hội, nhà viết kịch người Mỹ; là tác giả của hơn hai mươi đầu sách, A People’s History of the United States là cuốn sách nổi tiếng và gây ảnh hưởng nhất của ông.

Sinh ra trong một gia đình nhập cư Do Thái ở Brooklyn – Mỹ, mong muốn chống lại chủ nghĩa phát xít, Zinn gia nhập lực lượng không quân trong Chiến tranh thế giới thứ  II, với nhiệm vụ ném bom các mục tiêu ở Berlin, Tiệp Khắc và Hungary. Sau này, ông đã viết rằng, cuộc ném bom đó không trúng mục tiêu như đã định, và đã có hàng trăm người chết trong các cuộc tấn công chứ không phải là con số ít ỏi như chính sử đã ghi nhận. Kinh nghiệm thực tế đau xót đó đã khiến ông sau này trở thành người viết không mệt mỏi về quyền con người, về tự do cá nhân, và các hoạt động chống chiến tranh.

Cuốn sách A People’s History of the United States của ông được đề cử giải thưởng American Book Award năm 1981 và được sử dụng làm giáo trình cho học sinh trung học và đại học Mỹ kể từ ngay sau lần xuất bản đầu tiên năm 1980.

Như Howard Zinn đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong cuốn sách này khi viết về lịch sử, “…nếu buộc phải ủng hộ việc lựa chọn và nhấn mạnh lịch sử, thì tôi thiên về cách viết lịch sử phát hiện châu Mỹ trên quan điểm của người Arawak; viết lịch sử Hiến pháp trên quan điểm người nô lệ;… về Chiến tranh thế giới thứ nhất theo quan điểm của người theo chủ nghĩa xã hội; về Chiến tranh thế giới thứ hai theo quan điểm của người yêu chuộng hòa bình…”, vì vậy, người đọc sẽ được tiếp cận lịch sử dân tộc Mỹ dưới nhãn quan trung tính của người cầm bút, được phơi bày mọi khía cạnh, tội lỗi, kể cả là những hành động tàn bạo mà nước Mỹ đã tìm mọi cách chôn giấu chúng.

Trước khi có cuốn sách này, Christopher Columbus vẫn được coi như một nhà thám hiểm vĩ đại, nhưng dưới ngòi bút của Zinn, Columbus là kẻ chinh phạt bạo tàn, truy đuổi, đe dọa, tiêu diệt những người thổ dân Arawak hồn nhiên, trung hậu trên chính mảnh đất của họ, đẩy họ đến thảm họa diệt chủng.

Howard Zinn cũng miêu tả chế độ nô lệ là một giai đoạn đen tối của lịch sử, người da đen bị biến thành món hàng còn những kẻ chủ nô tìm mọi cách để thu nạp những nguồn hàng tươi sống đó hòng kiếm lợi. Chế độ nô lệ không chỉ đơn giản là cuộc chiến giữa “ranh giới sắc màu” của người da đen và người da trắng, mà là một hệ thống kiểm soát được Zinn nhìn nhận là “Hệ thống đó vừa mang yếu tố tinh thần, vừa mang yếu tố vật chất… vừa tinh vi vừa thô bạo, liên quan đến tất cả biện pháp duy trì trật tự xã hội nhằm mục đích bảo vệ quyền lực và tài sản.

Công cuộc chống đói nghèo cũng như phong trào bình đẳng kinh tế tại các thuộc địa và nguyên nhân của cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ được Howard Zinn lập luận rằng, những người kích động chiến tranh nhằm phân tâm dân chúng đối với vấn đề kinh tế cá nhân và ngăn chặn việc phổ biến các phong trào đấu tranh; ông cũng cho rằng, chiến lược này sẽ còn được các nhà lãnh đạo đất nước sử dụng trong tương lai.

Ông không ngại ngần đưa ra các giả định, tiên đoán trải dài theo các giai đoạn lịch sử của dân tộc, bởi như ông đã viết, “Tôi không muốn hư cấu những chiến thắng của con người. Nhưng nếu suy nghĩ rằng viết lịch sử phải nhằm mục đích đơn thuần là tổng kết lại những thất bại trong quá khứ, điều đó có thể biến các nhà sử học trở thành ‘người cộng tác’ trong vòng quay vô tận của thất bại. Nếu coi viết lịch sử là sáng tạo, là tiên đoán những gì có thể xảy ra trong tương lai mà không phủ nhận quá khứ, tôi tin rằng công việc đó nên nhấn mạnh những khả năng mới thông qua việc phơi bày những chi tiết còn giấu kín của quá khứ…

Theo cách đó, Howard Zinn lần lượt đưa ra bức tranh chân thực về các cuộc đấu tranh: từ phong trào đấu tranh cho nữ quyền đến xung đột giữa chính phủ Mỹ với người Mỹ bản địa và người da đỏ di cư trong suốt thế kỷ 19; cuộc chiến giữa Mexico – Mỹ… Theo ông, những cuộc đấu tranh kết thúc chế độ nô lệ sau này sẽ phát triển thành phong trào chống lại chủ nghĩa tư bản. Bên cạnh đó, ông cũng miêu tả sự lạm dụng quyền lực chính phủ của các tập đoàn và nỗ lực của giai cấp công nhân nhằm chống lại sự lạm dụng đó; và nạn tham nhũng của chính phủ cũng như ngành công nghiệp…

Dường như đi ngược lại với quan điểm của Henry Kissinger coi “Lịch sử là ký ức của các nhà nước” thì với Howard Zinn lịch sử trước hết là của con người, hơn thế, đó là những con người từng chịu khổ đau cùng cực, như chính câu nói ông trích dẫn, “Tiếng khóc của người nghèo không phải lúc nào cũng chính đáng, nhưng nếu không lắng nghe anh sẽ không bao giờ biết công lý là gì.

Với lý tưởng đó, Howard Zinn đã miêu tả cuộc chiến tranh giữa Mỹ với Tây Ban Nha hay Philippines không khác gì nạn phân biệt chủng tộc và sự phát triển của chủ nghĩa đế quốc; nhưng cũng không quên sự phản đối của các tầng lớp nhân dân Mỹ với cuộc chiến tranh đó, cũng như sự phát triển của của chủ nghĩa xã hội và sự xuất hiện hệ tư tưởng mới tại Hoa Kỳ. Việc tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ I của Hoa Kỳ theo ông là nhằm mở rộng thị trường ra nước ngoài và gây ảnh hưởng kinh tế. Còn trong Chiến tranh thế giới thứ II và Chiến tranh lạnh, Chính phủ Hoa Kỳ đã sử dụng phương thức kiểm soát người dân, sự hợp tác giữa những người bảo thủ và những người tự do để chống lại mối đe dọa từ chủ nghĩa cộng sản.

Nhìn nhận về cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Howard Zinn không che đậy các con số  về các vụ thảm sát và nạn nhân do quân đội Hoa Kỳ gây ra; nhưng ông cũng phản ánh đầy đủ làn sóng phản đối cuộc chiến này của chính những người dân Mỹ. Như chính ông đã từng nhận xét về các vụ ném bom của quân đội Hoa Kỳ vào Dresden, Tokyo, Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II; vào Hà Nội trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam; vào Baghdad trong cuộc chiến tại Iraq đã “giết chết hàng trăm, hàng trăm người, cả phụ nữ và trẻ em khi đang cố chạy thoát khỏi đó. Người ta biện minh rằng cuộc  ném bom đó là để nhằm vào các mục tiêu quân sự, các khu căn cứ thông tin, nhưng thực tế, khi đi qua các tàn tích đó, không hề có dấu hiệu của chúng…” Ông cũng thẳng thắn nói rằng, “Tôi chắc rằng đó là những vụ ném bom lịch sử, không ai có thể ném bom nhiều hơn đất nước này, và đó là một lịch sử vô tận tội ác, và được giải thích thản nhiên bằng thứ ngôn ngữ lừa đảo chết người rằng chỉ là ‘tai nạn’, là ‘mục tiêu quân sự’, ‘thiệt hại tài sản’,…

A People’s History of the United States không chỉ là bức tranh toàn cảnh về các giai đoạn lịch sử của một dân tộc, mà còn phơi bày cả những góc khuất và bí mật từng bị chôn vùi; hơn thế, còn là những tiên lượng và nhận định của tác giả từ trải nghiệm thực tế và hiện thực khách quan, trên quan điểm nhân văn và nhãn quan trung hậu của ông.

Trải dài từ khi những người châu Âu đầu tiên đặt chân lên châu Mỹ đến nước Mỹ ngày nay, Howard Zinn giúp người đọc hiểu tường tận hơn về đất nước và con người Mỹ, có thể góp phần xóa tan ảo tưởng về “miền đất hứa”, rằng “Ngược với mong đợi về một cuộc đổi đời tại nước Mỹ, nhiều người đã phải đạp lên người khác…” Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ đã phát triển, đã lớn mạnh, bù đắp xứng đáng cho những người đã tuẫn nạn vì nó.

Nhân tưởng niệm 9 năm kể từ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín năm 2001, chúng ta cùng nhìn nhận lại lịch sử của dân tộc Mỹ, cũng như bao dân tộc khác trên thế giới, được hình thành từ  bao nhiêu xương máu của những người dân vô tội; cùng cầu nguyện cho hòa bình và truyền đi thông điệp đạo đức như Howard Zinn kêu gọi tới toàn thế giới, rằng lấy bạo lực trả thù bạo lực chỉ đem lại thất bại, rằng nếu chúng ta hiểu và hành động được theo tinh thần đó, thì không chỉ cuộc sống của chính chúng ta trở nên tốt đẹp hơn mà con cháu chúng ta cũng có thể được chứng kiến một thế giới khác tuyệt vời hơn.

 

+ Cái này viết từ năm 2010, điểm sách, được đặt hàng, sau đó thì vô dụng, chả giữ làm gì. Rượu ủ lâu mới ngon, những thứ mang tính thời sự thế này mà đem ủ, chỉ đem ra bón ruộng.

+ Cũng vì nhân dịp trời mưa, tự dưng lại dấy lên lòng thương cảm với những người dân đen nghèo khó như mình; ở đâu cũng vậy, dân chẳng bao giờ hài lòng với chính phủ, cứ như là một mâu thuẫn, chính họ mong ước lập ra thể chế của mình rồi rốt cuộc lại vùng lên lật đổ nó…

+ Rốt cuộc thì mưa vẫn cứ to hơn mà thôi, cho dù người nghèo cứ khóc…

Chuyển những từ lạ thành những từ dễ hiểu thật là khó. Nhưng làm ngược lại còn khó hơn rất nhiều…

Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, giới thiệu đến các bạn đọc nhỏ tuổi cùng các bậc phụ huynh cuốn Rico, Oskar và những bóng đen bí ẩn, tác giả: Andreas Steinhoefel, dịch giả: Tạ Quang Hiệp, NXB Kim Đồng. Dẫn dắt cuốn truyện là giọng kể của Rico, một cậu bé bị thiểu năng trí tuệ, vừa ngây thơ vừa lạ lẫm nhưng đôi khi lại logic đến bất ngờ, và sự hóm hỉnh khiến người đọc cảm thấy thật sảng khoái.

Cuốn sách đã bắt rất đúng tâm lý của trẻ em về sự tò mò, thích khám phá, và giống như một trò chơi được trẻ em ở khắp nơi trên thế giới đều yêu thích, đó là làm thám tử. Và vì là một sân chơi của trẻ em, nên cuộc đời thật hiện ra thật nhẹ nhàng, dù có lúc lâm nguy nhưng vẫn lạc quan.

“’Mày là đứa nhóc đáng ghét nhất mà tao từng gặp!’ gã Marrak thở hồng hộc. ‘Mày biết nếu người ta mà gặp mày thời trung cổ thì thế nào không? Sẽ giết mày như loại quái thai! Cái thằng trời đánh! Bốn trăm năm trước người ta thiêu sống những thằng nhãi như mày đấy!’

‘Thời Trung cổ’, Oskar nói vẻ coi thường, ‘chấm dứt hơn năm trăm rồi. Sau đó bắt đầu thời Phục hưng. Ông đần độn quá!’

Tôi chẳng biết thời Trung cổ nào cả, nhưng chắc nó khủng khiếp lắm đến mức gã Marrak thót người lại…”

Đó là một cuộc điều tra li kì của hai thám tử nhỏ tuổi, một Rico thiểu năng trí tuệ nhưng lại nhân hậu và quả cảm, một Oskar thông minh hơn người nhưng lại thận trọng đến sợ hãi mọi thứ.

“’Cậu ngớ ngẩn thật hả? Nếu đã thấy cái gì ngay trước mắt thì chỉ cần đi thẳng, không thể nào bị lạc.’

Đi men theo đường thì đúng rồi. Mặc dù vậy tôi vẫn bực bội. ‘Thì sao? Tớ dễ bị lạc đấy. Nếu cậu thông minh thật như cậu nói, sao lại không biết có những người gặp khó khăn như vậy.’”

Với những độc giả thích truyện trinh thám đã quen với lối tư duy sắc bén của những thám tử thông minh hơn người, thì khi đọc cuốn sách này đừng sốt ruột, hai thám tử của chúng ta đều còn nhỏ tuổi, hơn nữa, một trong hai số đó lại là trẻ thiểu năng trí tuệ. Với những tình tiết mà độc giả có thể đã dễ dàng suy luận được thì các thám tử của chúng ta phải mất rất nhiều thời gian, xin hãy kiên nhẫn cùng các em, vì mỗi một kết luận đó với các em không chỉ là một đột phá tư duy mà còn là một ý tưởng ngang tầm thiên tài.

“…đến bây giờ tôi vẫn tin rằng, nó rớt từ áo sơ mi của cậu ấy và rơi xuống sân, trong khi Oskar nhún nhún người bên lan can!

Tôi vùng bật dậy trên giường, chóng mặt choáng váng. Hồi tưởng của tôi không đúng! Oskar vẫn mang chiếc máy bay của Sophia khi cậu ấy từ lan can quay lại khu vườn nhà R.B! Vậy chỉ có thể là…”

Nếu độc giả nhỏ tuổi nào quá thông minh sáng láng thì cũng có lý do để khiêm tốn hơn, vì Rico dù thiểu năng trí tuệ, nhưng lại có tư duy rất khoa học như luôn tra từ điển để hiểu những gì không biết chẳng hạn, cùng với một mặc cảm “biết thân biết phận” rất đáng yêu.

“Bản thân tôi chẳng phàn nàn khi những người khác suy nghĩ quá nhanh hay xác định được phương hướng, các vị trí bên trái bên phải, tôi cũng chẳng hề phàn nàn trước những lò nướng bánh có tận hai mươi bảy cách chỉnh cuối cùng lại chỉ để làm ra một cái bánh mì tầm thường.”

Quả đúng là như thế, nếu có một trí tuệ bình thường để rồi lại tàn nhẫn như lão Fitzke, suốt ngày phả vào mặt Rico cái từ “thằng dở hơi”, thì tôi thật lòng mong cho Rico lúc nào kiếm được thứ gì đó chén được và kịp “lăn qua cứt chó” trước khi đưa đến miệng lão…

Với dịch giả Tạ Quang Hiệp thì câu truyện ẩn chứa hai thông điệp, một với trẻ con, vì cả năm nhân vật trong truyện đều là những đứa trẻ khiếm khuyết hoặc là về mặt trí tuệ hoặc là bị đối xử không công bằng: Rico ngớ ngẩn, Sven bị câm điếc, Sophia có dấu hiệu tự kỷ, Oskar không được quan tâm, và Felix, nhà văn “chém gió” đại tài không có người chia sẻ các ý tưởng… Các nhân vật này thật gần gũi với các độc giả nhỏ tuổi, vì giờ đây, ở đây, cũng có rất nhiều trẻ em đang cô đơn trong gia đình mình. Và một thông điệp với các bậc phụ huynh, vì những đứa trẻ đó đều không nhận được sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ, hãy chia sẻ với con cái nhiều hơn.

Với riêng tôi thì cuốn sách còn là một lời an ủi, chia sẻ đầy nhân văn tới những bậc phụ huynh của trẻ khuyết tật. Ai cũng muốn có những đứa con khỏe mạnh, giỏi giang, vì vậy mà những người có con cái khuyết tật đã tự coi mình là những người bất hạnh. Như một người mẹ tôi quen có đứa con mắc chứng tự kỷ, chị bảo, kể từ khi con ra đời chị cảm thấy cuộc đời mình dừng lại ở đó. Thì cuốn sách này sẽ là một niềm an ủi cho những bậc phụ huynh đó, rằng cuộc đời trước mắt bọn trẻ luôn mở ra và chúng ta không thể dừng lại một chỗ. Dù đầu óc Rico có bất bình thường thì cậu vẫn luôn dành tình yêu thương cho bố mẹ:

“Mẹ yêu quý,

Con không tắt máy tính đâu, để khi về nhà mẹ tìm ra ngay nhật ký con viết. Con không muốn làm mẹ buồn, nhưng con phải giúp Oskar. Cái cậu đội mũ bảo hiểm màu xanh da trời ấy. Lỡ con bị làm sao, mẹ hãy đập lợn đất của con lấy tiền làm đám ma. Nếu bác Christian chết rồi thì mẹ để con vào áo quan của bác ấy. Khi con chết thì con chẳng thấy phiền nữa đâu…”

Cuốn sách cũng là mong ước rằng chúng ta sẽ sống với nhau có tình hơn, và nếu chúng ta đối xử với trẻ em đúng như chúng đáng được hưởng cũng đã làm thế giới này nhân văn hơn nhiều rồi.

Cuốn sách đầy ắp các câu hỏi của trẻ thơ và những lý giải ngây thơ của chúng, nhưng cũng còn những câu hỏi chưa có trả lời, và bằng suy nghĩ không ngừng trong cả cái đầu “có vấn đề” hoặc “thiên tài”, tôi tin chúng sẽ được giải đáp sớm thôi!

+ Các bà mẹ cảnh giác với trọng lực nhé, Rico đã chép lại trong từ điển thế này:

“TRỌNG LỰC: vật có khối lượng m sẽ bị kéo về gần vật có khối lượng M. Ví dụ: trái đất nặng hơn tất cả vì thế chẳng có vật nào rơi khỏi nó. Một ông tên là Isaac Newton đã phát hiện ra trọng lực. Nó đặc biệt nguy hiểm cho các bầu vú và các quả táo. Có thể còn cho cả những vật tròn tròn khác nữa.”

TUỔI THƠ BỊ ĐÁNH CẮP HAY LÀ SỰ ĐÈ BẸP CỦA CON NGƯỜI BỞI THAM VỌNG?

THE PIANO TEACHER

Tác giả: Efriede Jelinek (1946); Áo

Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2004.

The piano teacher xuất bản lần đầu năm 1983, kể về cuộc đời của một cô giáo dạy dương cầm tại Nhạc viện Viên, Erika Kohut. Hồi nhỏ, Erika từng là một thần đồng âm nhạc, ước mơ con mình thành một thiên tài đã khiến mẹ cô buộc cô luyện tập triền miên, cô hầu như không có tuổi thơ, không nghỉ tập ngay cả trong kỳ nghỉ. Nhưng cuối cùng cô đã không đạt được kết quả như kỳ vọng của mẹ. Thất vọng trước kết quả này, khi cô trưởng thành, mẹ Erika vẫn đối xử với cô như một đứa trẻ: mắng mỏ, chỉ trích,…

Ở tuổi trung niên, Erika là một cô giáo cay độc và có phần nào miệt thị sinh viên của mình, nhưng thực chất có lẽ là sự ghen tị với tuổi trẻ và tự do của chúng, thứ mà cô không có khi ở tuổi đó.

Tuổi thơ của Erika là những ngày tập luyện triền miên, ngay cả trong kỳ nghỉ. Vì vậy, khi mọi người vui đùa, Erika nhốt mình trong phòng, tự cắt lên thân thể mình và nhìn dòng máu chảy… Dường như từ đó, tâm hồn cô đã bị lạnh băng đi, không còn sự thương xót với chính mình.

Trả thù mẹ bằng cách tự làm tổn thương và chán ghét bản thân mình, Erika là bằng chứng rõ ràng về việc trưởng thành của con người trong môi trường thiếu vắng tình yêu thương.

Với một tuổi thơ ngặt nghèo như vậy, không đáng ngạc nhiên khi Erika méo mó về tâm hồn. Cô vui thú với việc đạp lên chân những người chen chúc trên những chuyến xe lửa đông nghẹt và nghe họ đổ lỗi cho những người vô tội khác, cô nhìn cảnh đó và tận hưởng niềm vui bệnh hoạn của mình.

Erika có niềm say mê khắc kỷ khi cô diễu qua những nhà hát với phim khiêu dâm, những sex-show… Erika thỏa mãn bằng việc xem phim và tưởng tượng ra những hành vi tình dục từ những người xem khác…

Thực tế không thể phủ nhận là có bao nhiêu đứa trẻ đã và vẫn đang bị gò ép, rèn tập bởi tham vọng của những ông bố, bà mẹ độc đoán, ích kỷ. Erika là một lời cảnh báo, rằng các bậc phụ huynh không chỉ thất bại nặng nề mà chính con cái họ cũng gặt về những thua thiệt không gì bù đắp nổi.

Liệu cô có bị thức tỉnh bởi tình yêu không khi nhận ra niềm khao khát từ sinh viên của mình, Walter Klemmer? Đánh thức được cơ thể đang trở nên cằn cỗi của Erika, liệu tình yêu có đủ sức xóa tan những ẩn ức của cô về tình dục? Và khải thị được cho cô sức mạnh của tình yêu, tình thương và thắp lại ngọn lửa của lòng trắc ẩn với con người?

Được nhận định như Dickens khi miêu tả đời sống của những người thuộc tầng lớp lao động nghèo. Tình dục hay đói nghèo, những khó nhọc hay niềm vui của đời sống con người đều được E. Jelinek miêu tả bằng giọng văn trần thuật bình thản, đều đều, biến mọi giá trị của đời sống thành tầm thường.

Có lẽ đây là đặc trưng văn phong của E.Jelinek, trong Tình ơi là tình (Công ty VHTT Nhã Nam & NXB Đà Nẵng; Dịch giả Lê Quang, dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Die Liebhaberinnen”) cũng vậy, giọng văn lạnh lùng, tàn nhẫn, châm biếm, cay độc. Không để cho người đọc kịp đau xót, cảm thông mà liên tiếp gây ra các trạng huống dở khóc dở cười, và hoài nghi, vì lẽ gì mà bóc trần mọi khía cạnh cuộc đời và tâm tưởng con người tới mức này? Và đời sống của những con người thuộc tầng lớp lao động cũng được miêu tả một cách bạo tàn, như không hề có một niềm thông cảm?

Erika được coi là một sáng tạo hoàn hảo của E. Jelinek về mẫu người bị thúc ép, rèn rũa từ phía cha mẹ. Luôn bị cảnh báo về đàn ông là “thứ chẳng ra gì”, Erika né tránh tình yêu và vì vậy mà cũng bỏ qua những lãng mạn cần thiết cho đời sống. Bởi vậy nên Erika luôn hoài nghi với đời sống, luôn muốn “thế thủ” trước cuộc đời, ngay cả trong tình yêu. Cô luôn muốn giành cái gọi là “thế chủ động”, và nắm “quyền kiểm soát”, lúc nào cũng tỉnh táo, lý trí; bất chấp tự nhiên là tình yêu không còn thuộc về khối óc mà thuộc về trái tim đang dâng hiến cho nó.

Điều duy nhất thực sự cô yêu có lẽ chỉ là tình yêu với âm nhạc, tình yêu không bị bào mòn đi với niềm tin trong đời sống. Âm nhạc của Schubert vẫn giữ vị trí trong những ý niệm về nghệ thuật của cô. Cảm thấy điều này tôi thở phào nhẹ nhõm, ơn giời là cô còn tình yêu với âm nhạc, thứ cô đã bị gò ép phải làm bạn suốt tuổi thơ bị đánh cắp, và cuộc đời sau này. Bởi không ít người ban đầu với niềm yêu thích sau đã thành chán ghét bởi bị ép buộc. Với một Erika khắc kỷ và đầy thương tổn trong tâm hồn, nếu không còn tình yêu âm nhạc, liệu cô có còn sống sót?

The piano teacher được nhận xét là cuốn sách với chủ nghĩa biểu hiện cay độc, ngôn từ thì quá rành mạch, rõ ràng; thông qua lời kể của nhân vật, câu chuyện được kể với những tình tiết bất chấp luật lệ và ở ngoài mọi thời đại. Không theo một khuôn mẫu ước lệ có sẵn nào trước đó, câu chuyện vẫn hấp dẫn người đọc xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, theo từng cung bậc cảm xúc của nhân vật.

Cũng được coi là một kiệt tác góp phần cho E.Jelinek giành giải thưởng Nobel văn chương năm 2004, The piano teacher được viết dựa trên cuộc đời của chính bà, cũng từng được đào tạo để trở thành một nhạc sĩ và sống với người mẹ nghiêm khắc ở Viên. May mắn cho độc giả, sự nghiệp âm nhạc của bà thất bại và chúng ta có một tác gia tiểu thuyết ngày nay.

Có vẻ như không để ý đến sự tiếp nhận của độc giả ra sao, E.Jelinek từng viết (một cách khiêm nhường) về tác phẩm của mình, “Bạn có thể cằn nhằn tất cả những gì bạn muốn về sự tẻ nhạt khi đọc chúng, nhưng làm ơn đừng nói với tôi”.

Làm sao có thể thấy tẻ nhạt khi đọc những tác phẩm của bà, dù dưới ngòi bút của bà mọi việc diễn ra hết sức bình thản, lạnh lùng, và chúng ta không khỏi cảm thấy tuyệt vọng hơn về tình yêu và cuộc sống, nhưng đồng thời cũng thức tỉnh trong chúng ta niềm hy vọng và tin tưởng vào chúng.

Như dịch giả Lê Quang viết trong lời đề từ cho Tình ơi là tình rằng E.Jelinek “không chăm chăm đi tìm đề tài trong tâm hồn phái yếu mà bà túm lấy cuộc đời thường nhật như bà nhìn thấy để ra tay nhờ thuốc đắng dã tật”.

Và với The piano teacher cũng vậy, một thứ “thuốc đắng” làm cho người ta sợ hãi nhưng không vì thế mà không dám uống nó…

 

Tham khảo:

+ Phê bình “The piano teacher” của Bob Corbett – Tháng 5/2001;

+ Điểm sách “The piano teacher” của Sean Walsh – 2001;

+ Diễn từ khi nhận giải Nobel Văn chương của Elfriede Jelinek;

+ Efriede Jelinek trả lời phỏng vấn của New York Times – 2004.

 

* Chả biết viết từ bao giờ, hôm nay dọn máy tính lại thấy, đem ra trưng cho có vẻ là biết chữ. Hôm nọ đi đến ngã tư, phải dừng chờ đèn đỏ, thì anh xe máy phía trước lách qua được anh ô tô vọt lên phía trước, đằng sau cứ bấm còi bim bim, mình đành phải nhích lên thế chỗ cho anh xe máy, chứ không họ cứ làm mình điếc hết tai (tiến lên được một cái bánh xe mà cứ nhộn nhàng hết cả cái tang tình lên). Anh ô tô sợ mình lách lên nữa giống anh xe máy lúc trước, mà anh thì đậu gần sát lề rồi, xung quanh kín mít những xe, đấy là con đường độc đạo của mình, thế là anh ô tô (trông tuổi cũng nhuôm nhuôm rồi) vội vã hạ kính xe xuống, giơ ngón tay ra hiệu với mình, đầu lắc lắc, bảo: “Đừng đi lên nữa, xước sơn xe đấy…” Cái điệu bộ gật gật lắc lắc của anh kiểu như vừa nói vừa tự hỏi, không hiểu cái con dở hơi này có hiểu mình nói gì không, có biết xước sơn là thế nào không? Xước sơn xe ô tô cơ mà, kinh lắm ấy! Mình định đứng yên rồi, nhưng đèn đỏ ở ngã tư này lâu lắm, tận một phút rưỡi, nên mình ngắm được cái điệu bộ của anh ô tô kia một cách thật là chăm chú kỹ càng. Anh ta nói xong, lắc đầu đầy vẻ mệt mỏi với đám dân đen ngu độn, rồi nâng kính xe lên. Mình đành nổ máy xe, lách vào cái chỗ đường độc đạo, gõ cửa kính cho anh ta hạ xuống, rồi hỏi: “Bẩm anh, anh vừa nói gì em nghe không rõ ạ?” Mình thấy mặt anh ta một nỗi vừa bàng hoàng vừa cay cú, mà lúc ấy thì đèn xanh đã bật lên, đằng sau thiên hạ bấm còi tung tóe, anh ta đành phải cho xe đi, chứ không hôm ấy dễ có án mạng lắm! Coi như mình cao số!