Bất chấp tử thần gọi tên

(Nhân bị nghe thơ của Văn Thùy tiên sinh trong một vụ cưỡng nghe thơ tập thể)

 

Người ta đặt thơ Văn Thùy cạnh thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, và cả thơ Đồng Đức Bốn, vì thể loại của thơ ông. Nhưng với tôi, ngay từ lúc ngồi trên vỉa hè chiêm ngắm lão nhà thơ tuổi ngoại bảy mươi, tóc sợi trắng đến chín phần buộc sau gáy, giọng khàn khàn mà vẫn nghe lanh lảnh, dẫu chỉ còn sót lại mấy chiếc răng cửa bơ vơ:

Cho tôi sờ áo một lần

Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên

Một lần thôi chẳng vòi thêm

Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan…

Thì liên tưởng ngay đến Du Tử Lê, những vần thơ ứa máu, đặt tình yêu cạnh cái chết, ngang bằng sự chết. Cả hai đều đã bất chấp sợ hãi cái chết thường trực trong con người thông thường chúng ta, để vong thân vào tình yêu.

Hãy cho anh được thở

Bằng ngực em rũ buồn

Hãy cho anh được ôm

Em, ngang bằng sự chết

Tình yêu như ngọn dao

Anh đâm mình, lút cán

(Khúc Thụy Du – Du Tử Lê)

Vẫn biết lão nhà thơ cực đoan về hình thức biểu hiện, nhất định phải là lục bát, nhất định phải là hồn dân tộc, nhưng mặc kệ lão. Cái chính là đằng sau cái hình thức biểu hiện ấy lão định nói gì, và người đồng cảm với lão chắc gì đã cùng chung thể loại đó.

Văn Thùy bạo liệt thế này:

Vướng vào đôi mắt lá răm

Đi bộ cũng tội quanh năm đắm đò

(Bao giờ tôi biết cách mò mắt em?)

Thì Du Tử Lê cũng  đau đáu với con ngươi trong mắt người:

Núi đôi lúc gọi tôi về, nín lặng

Những ngọn gai đâu nhớ nổi da người

Tình yêu khắc lên xương nghìn dấu hỏi:

Ai đi rồi còn giữ lại con ngươi?

(Ai đi rồi còn gửi lại con ngươi – Du Tử Lê)

Giữa thời nay, mấy người còn tin vào thơ nữa, nhất là tin vào sự thanh sạch của tâm hồn với thứ tình yêu đẹp thế này, mà lão Văn Thùy vẫn khăng khăng, quả quyết:

Hãy tin những tín đồ thơ

Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi

Ngón tay ngọng mấy đốt rồi

Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong

Và Du Tử Lê cũng nhắc đến chín ngón tay đầy ngậm ngùi, trong một tình yêu tha thiết. Dẫu căn nguyên mối ràng buộc có khác nhau nhưng về cảm thức, tôi vẫn thấy một sự đồng điệu thật rõ ràng.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời

Bàn tay dư mấy ngón chia phôi

(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)

Và những tàn phai đầy tuổi tôi

(Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi – Du Tử Lê)

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhiều người đặt lão nhà thơ cạnh Bùi Giáng vì trong cốt cách có hình hài ấy, cũng bụi bặm, liêu trai, bảy phần ma – ba phần người. Với Du Tử Lê, thơ là cách thức để bày tỏ tình yêu bất tuyệt của ông với đời, với người, với tình yêu-tuyệt vọng. Còn với Văn Thùy, thơ ngoài việc thể hiện tình yêu người còn là tình yêu với chính thơ nữa. Bởi đến tuổi “cổ lai hy” lão thấu nỗi cô độc của người gắng gìn giữ vốn cổ, của tâm hồn thi sĩ bên cái chạy ruổi không ngừng của cuộc đời, mỗi ngày lại mai một đi nếp cũ.

Một mai hóa cát bụi rồi

Biết ai hú vía cho tôi thơ tình.

Một tuyên ngôn thơ cực đoan, như định xua đuổi độc giả nhưng lại hút họ vào nhiều hơn, hình như lão tiền bối có kinh nghiệm, cái gì cứ treo biển cấm là thể nào cũng được làm nhao nhao.

Mai sau về cõi hư vô

Đốt câu lục bát gió mưa gọi hồn.

Chót ăn bả giọng điệu xưa

Thích nghe gai góc xin chừa tôi ra

Nhìn lão ôm đàn hồn nhiên hát Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn), than phiền là bị “gái” lấy mất giọng, và cái giọng trào lộng khi kể “sáng ra thấy mấy ông bà tập dưỡng sinh, tớ cũng bò ra ngoáy cổ, mấy người hỏi ‘cụ làm sao thế này?’, tớ bảo, ‘tôi đang tập dưỡng sinh cổ’ thế  mới lấy được giọng để hát đấy..”, cứ nghĩ lão lướt trên đời như một đám mây, cứ tửng tưng vui vẻ thế, chả biết đến đời thực. Nhưng sau cái vỏ trào lộng kia là lắm nỗi gian truân, đường trần lắm nỗi ai kể hết trong một lời, mà sá chi… phải không Văn Thùy tiên sinh?

Em nguyền khổ hạnh ăn chay

Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần

Cuối cùng thì dù bạo liệt, dù cực đoan hay là say mê đến quên sự đời thì người làm thơ lang bạt vẫn là kẻ “si tình khờ dại” mà thôi. Dù ôm bị rách thay túi thơ, và tóc đã phai màu hết cả, nhưng vẫn ôm đàn hát tình ca và đọc thơ, cho dù nhân loại chẳng biết có nghe gì hay không.

Xin làm một tiếng chuông chiều

Cho em thỉnh một lần yêu lỡ làng

Gửi em mấy sợi rơm vàng

Để em buộc lỏng mơ màng gió mây.

Mất tư cách làm người hay nỗi niềm của kẻ bị thương bởi lớp “bông gòn hạnh phúc”

(Nhân đọc Thất lạc cõi người của Dazai Osamu, người dịch: Hoàng Long, NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sách Phương Nam xuất bản năm 2011).

Thế gian sẽ chẳng dung tình đâu.

Chẳng phải thế gian. Chính là mi không tha thứ ấy chứ.

Nếu lại tái phạm, thế gian sẽ cho mày biết tay.

Chẳng phải thế gian. Là mi đấy chứ.

Bây giờ thế gian đã chối bỏ mi.

Chẳng phải thế gian. Là mi chối bỏ đấy.

 

Thông thường, tôi không đọc những bình luận, cảm nghĩ của người khác về tác phẩm trước khi viết ra những suy nghĩ của mình. Riêng với cuốn sách này, tôi đã phạm vào nguyên tắc kia, đọc những ghi chép của dịch giả trước khi viết. Những bình luận của Hoàng Long luôn làm tôi thấy xúc động, và gợi cho tôi rất nhiều thôi thúc, ngoài nguồn động lực để tìm đọc những cuốn sách đang được nói đến, còn là ham muốn được giãi bày.

Trở lại với Thất lạc cõi người, Hoàng Long có viết rằng, “Giọng văn hài hước, đôi khi có chút khoa trương khiến ta nhiều lần phá ra cười xong lại bùi ngùi cảm động.”, thì tôi coi cuốn sách là sự song hành của hai luồng văn bản, một là giọng văn hài hước cay đắng kia, một là nỗi buồn thăm thẳm, nỗi cô đơn tột cùng. Và cá nhân tôi, khi đọc Thất lạc cõi người không thấy cái cười kia chút nào, ngay từ những trang đầu tiên, khi nhân vật còn là một đứa trẻ “tinh ranh” đã thấy ngay được nỗi cô đơn, lạc loài, vô vọng kia. Có lẽ là những kẻ “đồng bệnh tương lân”, nên tôi nhận ra cái hơi thở của kẻ lạc loài, đang đứng bên rìa cuộc sống, của cả gia đình, trường học, xã hội…

Cho phép tôi được bỏ qua việc kể lể dài dòng về nhân vật chính của câu chuyện, Yozo, kể từ khi là một chú bé “tinh ranh” luôn bày trò cười cho mọi người dù trong lòng chẳng có chút vui vẻ, hứng thú, cho đến khi thành một thanh niên sa đọa, nghiện ngập, rồi rốt cuộc trở thành phế nhân, phó mặc sự sống cho cuộc đời vốn vẫn dửng dưng bất tận này. Tôi muốn đi thẳng vào cái văn bản chìm dưới giọng văn hài hước kia.

Trước hết, đó sự lạc loài của Yozo. Như chính nhân vật đã thú nhận, rằng không thể “dự tưởng nổi” cuộc đời, không thể sống được như người ta vẫn sống. Với tôi, đấy chính là nỗi cô đơn khủng khiếp nhất, bắt nguồn từ sự lạc lõng của kẻ đáng thương kia. Khi không thể dung hòa nổi cái tôi cá nhân với những quy ước của đời sống thực tại.

“Tôi tự hỏi tại sao người ta phải ăn mỗi ngày ba bữa chứ, khi ăn mọi người có cần làm vẻ mặt nghiêm túc như vậy không, cứ làm như thể là một loại nghi lễ nào đó không bằng.”

Đôi khi tự hỏi, những quy ước đó do con người đặt ra, tại sao lại phải làm nô lệ cho nó, phải gò mình vào nó. Sao chúng ta không thể đặt ra quy ước mới cho riêng mình? Và vì không thể là kẻ khai đường mở lối, Yozo đành phải làm cái hành động mà nhiều kẻ lạc lõng, cô đơn vẫn hay làm, đó là đeo mặt nạ để sống. Có nhiều người, đeo mặt nạ đến lúc nó trở thành gương mặt thật của họ, chẳng cần phải thay đổi nữa. Nhưng với Yozo thì sao? Anh ta thấu được cuộc sống, nhưng không thể dung hòa nó, và đeo mặt nạ vào chỉ để che đi cái tôi thật mà anh ta biết nếu lộ ra người đời sẽ không dung thứ cho nó.

“Vì vậy tôi gắng nối kết với con người bằng một sợi dây mong manh của chú hề. Bề ngoài thì cười liên miên bất tuyệt còn bên trong luôn toát mồ hôi về thập phần nguy hiểm có thể nói đến mức thứ ngàn lần mà không biết chắc có lần nào thành công hay không.”

Vì thế, trong anh ta có hai con người cùng tồn tại, một con người thật luôn nhìn con người giả kia mà ngậm cười. Tôi thấy thấp thoáng cái cảm thức của Hàn Mặc Tử, khi chia con người thành phần hồn và phần xác, có lẽ cũng tương tự như Yozo vô vọng này đây:

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực.

Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức,

Rồi bay lên cho tới một hành tinh,

Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình,

Để gào thét một hơi cho rởn ốc,

Cả thiên đàng, trần gian và địa ngục.

Người đời sẽ hỏi, tại sao lại cứ phải đày đọa bản thân mình như thế, Yozo sao không ngoan ngoãn học hành, rồi kế bước của gia đình danh giá kia. Làm sao tôi có thể lý giải cho người đời về cái nguồn cơn của Yozo cô đơn cùng cực kia, tôi chỉ có thể phỏng đoán, áng chừng. Tôi chỉ có thể từ tôi mà suy ra nỗi thống khổ của kẻ đơn độc,  muôn đời đứng bên rìa đời sống kia. Một phần (có thể) là do từ máu thịt con người, có kẻ cả đời thích hưởng lạc, có kẻ cả đời mạy mọ đi tìm kiếm cái chân lý tưởng. Một phần (có thể) là do anh ta quá nhạy cảm (thấy được những điều người ta còn chưa cả kịp nghĩ tới), quá tận tâm (muốn chu toàn mọi việc ở đời), quá tự trọng (ý thức quá rõ địa vị gia đình và bản thân, không muốn mắc nợ ai, thành ra vay người này để trả cho kẻ khác…) Cũng (có thể) có một mối mặc cảm, tủi phận âm thầm nào đó trong tâm hồn, khi nhận thấy mình dị biệt với đa số đồng loại, nên lúc nào cũng phải xù lông để che đậy…

“Bất hợp pháp. Đối với tôi đó cũng là một niềm vui thầm lặng. Hay có thể nói là tôi cảm thấy dễ chịu với điều đó. Thật đáng sợ biết bao cái gọi là hợp pháp trong thế giới này, nó chứa đựng một nỗi dự cảm về một thứ gì đó như một sức mạnh khủng khiếp không tài nào hiểu được. Tôi không thể ngồi trong căn phòng máy lạnh không có cửa sổ như thế được. Chẳng thà nhảy ra ngoài, bơi lặn trong cái biển phi hợp pháp kia rồi chết chìm tôi còn cảm thấy vui hơn.”

Chính bởi sự cô đơn, lạc loài đó dẫn đến nỗi tuyệt vọng vô chừng. Tuyệt vọng với cuộc đời, nên không có đích sống nào hết, tìm đến cái chết nhiều lần cũng như hủy hoại bản thân không thương tiếc. Kẻ cô đơn luôn nổi loạn, dù anh ta không định làm gì ầm ĩ, nhưng rốt cuộc, lại biến mình thành kẻ ai cũng biết tới. Nỗi tuyệt vọng khiến Yozo không thể gánh được bất cứ thứ gì liên quan đến tình cảm, từ tình yêu trong sáng thành thật, đến sự dâng hiến ngây thơ, thậm chí, cả là hạnh phúc. Hạnh phúc cũng thành thứ không chịu nổi thì mới thấy con người ta xa lạ đến mức nào, cô đơn đến mức nào. Mà như thế, cũng có nghĩa là người ta đã trượt ra ngoài mọi quy định, khuôn khổ của đời sống tẻ ngắt này.

“Sáng hôm sau, mở bừng mắt tỉnh dậy, tôi lại trở thành tên hề khinh bạc thuở nào. Một kẻ yếu ớt sợ hãi ngay chính cả hạnh phúc. Tôi bị thương bởi lớp bông gòn. Hạnh phúc sẽ làm tôi bị tổn thương. Và trong lúc còn chưa bị thương tích gì, phải mau chóng khơi lên lớp khói hỏa mù của thằng hề kia mà nói lời chia tay cho sớm.”

Tôi biết rõ cái chú hề trá hình kia muốn chọc cho người ta cười, hòng che đi những yếu đuối, những yêu thương, những mối nhợ buộc anh ta với con người… mà anh ta không nhận ra, chỉ mang máng thế mà không hiểu vì sao, “Dù sợ hãi con người đến cùng cực nhưng tôi dường như không thể nào dứt bỏ được con người…”

Kể cả cái tình tiết nhờ mua thuốc ngủ hóa ra thành thuốc nhuận tràng cũng không làm tôi cười được, chỉ thấy một nỗi xót xa mà thôi. Và, cái đoạn tả về nỗi cay đắng của Yozo khi biết Yoshiko bị hại, khiến tôi muốn trào lệ. Yozo đã vạch ra được cái tâm thức của người trong cuộc, khi không đứng ra bảo vệ đến tận cùng người yêu dấu của mình, vừa muốn phẫn nộ vừa muốn bưng bít, vừa muốn rũ bỏ vừa muốn cưu mang.

“Không phải thân xác Yoshiko bị điếm nhục mà việc niềm tin của Yoshiko bị băng hoại đối với tôi là một nỗi đau khổ lớn đến mức mà từ đó về sau tôi cảm thấy mình hầu như không thể nào sống nổi nữa. Đối với niềm tin con người nơi tôi đã bị vỡ nát đến mức lúc nào cũng phải rụt rè hãi sợ, lúc nào cũng phải đoán biết sắc diện con người mà cư xử cho phù hợp thì sự tin tưởng hết mực ngây thơ của Yoshiko tươi mới như một thác nước tinh khiết dưới tàn cây xanh. Vậy mà chỉ trong một đêm thác nước trong xanh kia đã biến thành đỏ quạch.”

Cái kết cục người đọc dễ mường tượng tới là cái chết hẳn nhiên của Yozo, bởi thân xác cơ hồ đã bị phá hủy đến tám chín phần bởi sa đọa, còn tinh thần thì có lúc đã vào nhà thương điên. Nhưng lại là cái cảnh còn hoang tàn hơn cả hoang tàn, đó là một phế nhân. Còn tôi những tưởng Yozo tìm được chỗ lý tưởng cho mình trong trại tâm thần, là một cuồng nhân, ở đấy, anh ta có thể la, có thể hét, có thể làm mọi điều mà người không điên không làm được. Nhưng đau đớn là Yozo lại cố tỉnh, một ý thức phản kháng điên rồ của kẻ trót làm người luôn tự nhận mình không còn tư cách làm người.

“Tôi bây giờ không hạnh phúc cũng chẳng bất hạnh.

Tất cả rồi sẽ trôi qua.

Cho đến bây giờ, trong cái địa ngục A tỳ gọi là thế giới ‘con người’ mà tôi đã sống, thì đây là điều duy nhất tôi nghĩ có vẻ là chân lý.”

Không có gì làm tôi đau lòng bằng nhìn thấy cái chết mòn của con người, một sự hủy hoại về cả thể xác và tinh thần, với tất cả những ai còn chút tư cách làm người.

+ Cuốn sách nằm trong bộ Tủ sách Văn học Tinh hoa của NXB Hội Nhà Văn và Công ty Sách Phương Nam. Không chỉ có một tiểu thuyết này, cuốn sách còn có thêm ba truyện ngắn của cùng tác giả Dazai Osamu. Sách nhỏ gọn, cầm vừa tay, chữ thoáng dễ đọc, nhưng vẫn còn những lỗi biên tập cũng như mo-rát lẽ ra không đáng có.

+ Theo như thông tin, thì chính cuộc đời tác giả cũng được dựng thành phim, bản thân ông cũng tự mang cuộc đời mình vào trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, riêng với Thất lạc cõi người, tôi không muốn hòa tác giả vào nhân vật, bởi theo kết cấu tác phẩm, thì tác giả chỉ đưa ra những ghi chép ông nhặt được, nếu cứ nhất định gò tác giả vào nhân vật, chẳng phải ông đã thất bại trong xây dựng nhân vật rồi hay sao. Mà với tôi, ông đã rất thành công trong cuốn tiểu thuyết ngắn này, với nhân vật Yozo sống động và cực kỳ biểu cảm. Cho dù được xây dựng từ nguyên mẫu đi chăng nữa, thì nhân vật này hoàn toàn độc lập với tác giả trong bối cảnh của cuốn tiểu thuyết này.

+ Đọc sách trên chuyến tàu chạy giữa đêm, lạnh lẽo và cô tịch đến u hoài, nhưng không có cái cảm thức của Trúc Phương như Hoàng Long dẫn dụ “Soi bóng đời bằng gương vỡ nát/Nghe xót xa ngùi lên tròng mắt…” mà có cảm giác cô đơn đến quái lạ như trong thơ Hàn Mặc Tử “Và ai gánh máu đi trên tuyết…”, có lẽ bởi mang máng một sự điên loạn đồng điệu của hai tâm hồn dù cách biệt địa lý, thời gian và ngôn ngữ.

+ Cuốn tiểu thuyết sẽ lay động nhiều người đọc, như Hoàng Long đã viết phần cuối sách, “Hãy cứ cầm lên và đọc, lúc nào nó cũng như mới nguyên…” Với riêng tôi, là một mối đồng vọng xuyên qua văn hóa và lịch sử, tôi chưa từng đọc về Dazai Osamu trước khi cầm đến cuốn sách này, nhưng những dòng ông viết, những điều ông nghĩ tôi luôn từng nghĩ tới, như mối đồng cảm về cái cảm thức đứng bên lề cuộc sống – theo cách gọi của tôi, còn Dazai Osamu thì viết:

“Có một từ để gọi đó là ‘kẻ ngoài rìa xã hội’. Từ này vốn dùng để chỉ những kẻ thất bại thảm hại hay những kẻ không lương thiện trong thế giới này. Nhưng đối với tôi kể từ khi được sinh ra, tôi đã thấy mình là kẻ ngoài rìa.”

(Tiếc mình ra đời chậm mất trăm năm…)

ĐƯỜNG MỖI NGÀY MỖI ĐÔNG

Nhân đọc Những ngã tư và những cột đèn – Trần Dần, NXB Hội Nhà văn và Công ty VHTT Nhã Nam.

Cuốn sách được viết cách đây hơn bốn chục năm, bằng một thứ ngôn từ trẻ trung, mà đúng ra là mới mẻ, một sự mới mẻ tới tận bây giờ. Trần Dần tài hoa trong dụng ngôn, từ cách đặt câu xếp từ tới sáng tạo từ mới.

Trong cuốn sách là hai văn bản song hành, một là nhật ký của nhân vật chính – Dưỡng “tàu bò”, một là của tác giả – người chép lại câu chuyện trong nhật ký, và tất nhiên làm sáng tỏ những điều còn chưa rõ trong nhật ký bằng việc ghi chép, nhặt nhạnh, gặp gỡ những nhân vật trong cuốn nhật ký bìa zằn zi rất lạ kia.

Ngôn ngữ của Dưỡng ngổ ngáo, cá tính, cũng đầy sức sống và mơ mộng. Không chỉ có thế, thời gian trong nhật ký bị xáo trộn tung tóe, giống như suy nghĩ của Dưỡng, rất độc lập nhưng cũng rất lãng mạn. Người đọc bị hấp dẫn bởi những suy nghĩ rối rắm, những tình tiết đậm chất trinh thám, hấp dẫn bởi một thực tại cách đây đã mấy chục năm, tưởng xa lạ như trong cổ tích mà đầy sức sống.

“Chiến tranh và hòa bình, nằm kề nhau như đêm nằm sát ngày. Ban ngày khu phố vẫn yên bình. Nhưng buổi đêm, nhà cháy, đá ném vung vãi, khắp nơi, và khẩu hiệu viết tràn ngập các hố xí công cộng. Hòa bình và chiến tranh là như thế, nhưng cả hai đều mới chỉ bắt đầu. Tôi đợi, một cơn bão chưa lên.”

Ngôn ngữ của người kể chuyện thì đã rõ, trau chuốt, có lúc hơi điệu đàng, nhưng đẹp, cá tính.

Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật. Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng rụng lá, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng. Để chờ những cơn bão chưa tới. Tôi cũng chờ 7 ngày về thăm Hà Nội của Dưỡng, bởi vì cuốn nhật kí của anh bị mất ít nhất hai mươi trang. Tôi vẫn cho rằng, động tác ghi nhật kí thể hiện cách ứng xử của cá cá nhân, với thời gian. Người ghi nhật kí bộc lộ khá nhiều phản ứng, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực, với hiện tại, và dường như hiện tại là đối tượng duy nhất, của nhật kí.”

Ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của F.M. Doxtoievski, nhưng người đọc dường như không nhận thấy sự tác động nào đó, bởi lẽ Trần Dần đã tái tạo “cái đẹp cứu thế giới” với một ngôn từ tươi mới và cách sử dụng rất cá tính của mình. Cách dùng câu rất độc, rất ngắn gọn, nhưng ý nọ dắt dây ý kia không ngớt. Lại có rất nhiều “I như trong Thánh kinh”, “Thánh kinh nói”… Bên cạnh đó là sự trẻ trung, thức thời, nhưng cũng rất đắt.

“Ông anh bà chị diện thế. Nom rùn rợn lắm. Mãi mới nhận ra.”

Trước hết, đó là ngôn ngữ phù hợp nhân vật – một thanh niên hai mươi ba tuổi đời – đọc rất nhiều và khá “quấy”. Nhất định gọi vợ là Cốm, lúc nào cũng em Cốm thế này, em Cốm thế kia, cả lúc phản bội vợ.

“Tôi vẫn iêu em Cốm, có lẽ iêu nhất. Mà đã có nhất, thì phải có nhì. Do vậy, mà có Lily, để được tôi iêu thứ nhì. Lily căng thẳng. Em Cốm êm đềm. Cho nên, thành kinh nói: chua, ngọt, đắng, đều cần như nhau…”

Tiếp đó là sự nhịp nhàng của bối cảnh, tình huống với các nhân vật.

Đó là sự kiện cái đẹp cứu thế giới, ít nhất là hai lần đáng kể. Lần thứ nhất là Lily đánh rơi khăn tay xuống sân ga, điều này hoàn toàn phù hợp với tính cách Lily, vì nàng vẫn thường mở toang cửa sổ trong khi chỉ mặc có mỗi chiếc dây chuyền có hình chữ thập. Nàng chả bao giờ tỏ ra yếu đuối hay yêu thương gì cả, ngoài tiền. Nàng đỏng đảnh kinh người.

“Lily nói: ‘Có nghe không? Không Lily ngất cho mà xem.’ Tôi nói: ‘Ngại lắm’. Lily đếm 1, 2, đến số 3 thì Lily ngất thật, nằm sõng soài ngay lòng phố Hàng Đào. Giao thông vì thế mà ùn tắc. Người qua phố xúm lại xem Lily quần áo mỏng tang mùa nực, đang nằm ngủ. Tôi gọi xiclô. Tôi bế Lily nóng hổi lên xe. Tôi biết, ngất cũng là một trò iêu thích của Lily, trong nhiều trò iêu thích khác.”

Lần thứ hai là em Cốm – mà Dưỡng “chê” là thật thà không biết cả hôn cho ra hồn ấy. Dù chả đọc sách “trinh thám” tiếng Pháp như chồng, nhưng lại đưa ra cho Dưỡng một phát hiện lịch sử, ấy là “thằng nhọn cằm” có khi “chẳng phải người của công an” – điều Dưỡng chẳng bao giờ ngờ tới.

***

Đúng như Dưỡng nói, đời có nhiều ngã tư, rẽ sang ngả này là đến đích, rẽ sang ngả khác có thể là đường cùng. Mà đời thì thật khó quyết định khi cứ phải đứng trước quá nhiều ngã tư để mà đo đắn.

Dưỡng quay ngược trên con đường chạy trốn, đời Dưỡng đã sang ngã khác. Nếu đêm ấy Dưỡng theo dự định ban đầu, rất có thể đời Dưỡng sẽ khác… Ai mà biết được.

***

Bố đọc xong bảo, cuốn sách thế này mà sao không cho ra sớm hơn! Nếu cho ra sớm – đúng ra là đúng thời của nó thôi – hẳn số phận của tác giả đã khác. Hoặc là cũng vẫn thế thôi. Nhưng cái trái muộn đôi khi cũng được ấp iu nhiều, người ta cũng trông đợi nhiều hơn. Và biết đâu lại chả để lại dư vị ngon ngọt hơn cả lúc được gọi là “đúng thời” ấy. Đời có quá nhiều ngả rẽ.

Adiđàbụt… Nói theo kiểu của Dưỡng thì, i như trong Thánh Kinh, người ta cho sống mà sống được là mừng rồi.

+ Định làm việc dở hơi là đếm xem bao nhiêu từ “láo nháo” ở trong sách, nhưng nhiều quá, đếm không xuể, đời quả là rất nhiều láo nháo.

+ Thú vị nhất là cái từ “tòn tõn” kiểu “gái quê ra phố” được dùng hai lần để tả em Cốm.

+ May quá, có người giống mình, ấy là anh chàng Dưỡng, có cái mặt nghiêm túc để che đi một dự định không nghiêm túc. “Mặt mũi nghiêm túc, để không bị người đi phố bắt quả tang, giữa một í nghĩ hủi.” He he. Mình mà đi hội nghị, họp hành, là mặt mũi rất nghiêm trang nhé!

ẨM ƯỚT

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết này thể hiện mất mát của mình mới thật bạo liệt làm sao. Đến mức cô sẵn sàng tàn phá đời mình, bất chấp các lề thói của đời sống: đạo đức, vệ sinh, ứng xử xã hội. Đời sống của cô phơi bày trụi trần, không che giấu, không ngại ngần.

“Từ khi có ý thức suy nghĩ là tôi cũng biết mình bị bệnh trĩ. Chừng ấy năm trời tôi vẫn tin là không được lộ cho ai biế chuyện này cả. Vì chỉ có những ông già mới bị lòi dom thôi…”

Ngôn ngữ của cô thẳng thừng như thế đấy. Không chỉ có ngôn ngữ, cô sẵn sàng phỉ nhổ vào mọi quy tắc của đời sống: ma túy, quậy tưng bừng, buông thả,… Người đọc nhanh chóng nhận ra tâm lý bất thường của cô, không một cô gái mười tám tuổi nào hoang dã đến thế. Cô lao vào đời sống như một thử nghiệm, nhưng lại sống rất thật.

“Một cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu. Đích mà chúng tôi chọn là càng nuốt nhiều ma túy càng tốt, trước khi những viên đầu có công hiệu và trước khi Michael đến. Tất cả những gì chưa nuốt hết thì sẽ phải trả lại cho Michael. Chúng tôi bắt đầu lúc chín giờ sáng, mỗi lần hai viên, uống nhiều vang đỏ cho trôi xuống. Chúng tôi thấy mới sáng sớm đã hít amphetamine và cocaine là không hợp…”

Bất chấp những hiểm nguy rình rập: dính líu tới cảnh sát, nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí cả cái chết, cô lao như một mũi tên, sẵn sàng bắn về phía trước. Cũng như một khối thuốc nổ, chực nổ tung bất cứ lúc nào.

Vì ngôn ngữ gây sốc, và những phản ứng dường như đi ngược với quy ước xã hội, một thứ rất phản – xã hội theo cách đánh giá của người ta ở đây. Người ta còn có thể quy kết nhân vật là điển hình cho sự tha hóa về đạo đức, băng hoại về tinh thần. Và nhất định người ta sẽ ngăn cấm cuốn sách công khai ở đây. Người ta bằng lòng cho ra những thứ không có giá trị gì để không gây phương hại gì cho ai cả, và để chẳng phải chịu trách nhiệm gì hết.

Mỗi tác phẩm ra đời, như một con người mới được sinh ra, hoàn toàn độc lập với phụ mẫu của nó. Khi một tác phẩm có giá trị bị phong bế, tôi thấy rất tiếc nuối, như một con người có tài mà lại không tìm được chỗ đứng cho riêng mình.

Vì thế, cái mong ước đầy nhân bản, cái khởi phát đầy đau khổ và mang tầm xã hội của cô gái mười tám tuổi ấy sẽ không được nhiều người biết đến ở đây. Đề tài có vẻ như đã cũ mòn, về số phận những đứa trẻ chịu cảnh cha mẹ li dị, cái cảnh khá phổ biến hiện nay. Ở đây, người ta cũng không ngạc nhiên về tội phạm vị thành niên, về trẻ nghiện ngập, về những trò tự cắt tay để đau đớn của đám trẻ – thường là sống trong cảnh cha mẹ chia lìa. Nhưng người ta bằng lòng với cái cách cũ hơn, tức là lối viết phải đậm đau thương, những trò quậy phá tưng bừng, và kết thúc rùng rợn là cái chết hoặc trong tù kia, rồi sám hối trở về…

Người ta không hình dung được nỗi cô đơn khủng khiếp này, không còn trò nơi nào nương tựa, cô bé tự khám phá cơ thể mình, bày ra trò vui cho chính mình, dù bằng cách tàn phá cơ thể trẻ trung đó.

Điệp bảo, chưa bao giờ thấy ai bẩn như cái cô này (nhân vật chính), còn tôi thì chưa bao giờ thấy ai cô đơn như cô gái ấy. Cô đơn đến mức tự coi mình là một hòn đảo, tự mang cho mình những trò vui, tảng lờ các quy tắc vệ sinh, tảng lờ những cảnh báo nguy hiểm…

Như nhân vật đã nói, khát khao cháy bỏng của cô là hàn gắn được cha mẹ lại với nhau.  Suy nghĩ của cô thật rõ ràng. Họ đã từng yêu nhau kia mà, sao không tiếp tục yêu nhau được nữa. Họ đã từng tha thứ cho nhau, cớ gì lại không tha thứ cho nhau lần nữa. Họ đã sống cùng nhau cả một đoạn dài, sao không sống với nhau đoạn cuối?

Ai có thể trả lời cho cô đây nhỉ?

Không, không ai hết. Bao nhiêu nỗ lực của cô, đúng là đã phải trả bằng máu theo nghĩa đen, bao nhiêu đau đớn xé toang thể xác cô phải chịu, đã không đem lại một hy vọng tí teo nào hết. Hoàn toàn không. Tất cả đã ném vào hư vô, đã chỉ đem lại cho cô thêm một lần đau đớn nữa về tinh thần. Và nỗi tuyệt vọng biến thành tiếng hét cuối cùng.

“Tôi vung nắm tay đập lên nút điện, cánh cửa mở toang. Tôi ngửa mặt lên và hét một tiếng xé trời.”

 

* Tác phẩm đầu tay của Charlotte Roche, nguyên bản “Freuchtgebiete”, Dịch giả Lê Quang, có lẽ hiếm có cơ hội được xuất bản ở Việt Nam…

ĐÀO VONG

Mặc dù nhân dân đang mạnh mẽ chống Tàu, nặng thì xuống đường biểu tình, nhẹ thì cũng bài hàng Tàu. Nhưng mình can đảm (một lần này), trong lúc nước sôi lửa bỏng, vác một ông Tàu xịn ra để xem lại. Cuốn này đọc lâu rồi, nhưng vì có vụ lùm xùm kia nên moi ra, thử sử dụng kế “dĩ Khựa công Khựa” (lại Tàu!) Thực ra thì ông này đã bị tước quốc tịch Trung Hoa lâu rồi, giờ mang quốc tịch Pháp kia. Hình như sau khi nhận giải Nobel Văn chương thì nước Trung Quốc cũng vẫn chẳng hề nghênh đón ông chút nào hết, chứ không giống như ở ta, thấy có người được giải thưởng danh giá là phải đón tiếp tưng bừng ngay, cho dù người ta nói rõ là cái “danh giá đó thuộc về Pháp quốc”… Đấy là Kinh thánh của một người, nằm trong tập Cao Hành Kiện – Tuyển tập tác phẩm (TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và NXB CAND). Còn ông ta, tác giả cuốn sách này, có lẽ, trước sau vẫn chỉ muốn là người viết.

Đấy là một hành trình dài, cả cuộc đời của một người đàn ông, từ khi còn mặc quần “hở đáy” đến lúc trưởng thành. Nên những trang sách thật sống động: có ái tình thắm thiết, nhục dục trào dâng, có bắn giết, nghi ngờ, sợ hãi, phản trắc, hèn nhát, đau khổ, đào tẩu, lưu vong, hồi quy, danh vọng…

“Trước đấy anh chưa hề nghĩ đến chuyện chống Đảng, thậm chí chẳng muốn phản đối ai, anh chỉ mong người ta đừng chọc phá hay quấy rầy những mộng tưởng của mình… Trong bầu trời muôn ngàn rủi ro chính trị, muốn bảo vệ lời nói của mình, chỉ còn cách trà trộn với mọi điều dung tục, nói tiếng nói của quần chúng, mang bộ mặt của đa số, Đảng bảo gì làm nấy, hủy bỏ những hoài nghi, y như các khẩu hiệu thường hò hét…”

Thuở đó, người ta viết trên giấy, vì vậy mà đám văn sĩ trói gà không chặt, lũ mơ mộng cùng đường, phải tìm mọi cách mà giấu đi bút tích của mình. Khốn nạn hơn, đến cả nhật ký, sổ tay cũng phải tự tay hủy diệt.

“Anh khóa trái cửa, kéo rèm nhìn ra ngoài sân, đèn láng giềng đều tắt cả, đoạn cẩn thận nhóm lò đôt chồng bản thảo, sổ tay và các cuốn nhật ký, gom góp từ ngày vào đại học đến nay cũng tới mấy chục tập. Bụng lò nhỏ, phải xé từng tờ mà đốt, đợi cho ngả màu tro trắng mới xúc đổ vào thùng nước, quấy thành bùn, không để bay ra ngoài một chút tàn nào hết…”

Còn ngày nay, người ta xóa dữ liệu, cắt đường link, quá lắm thì “oánh” cho sập hẳn. Thủ đoạn của các nhà cầm quyền mới thú vị làm sao!

Đau khổ nhất có lẽ là những phần viết về văn chương chăng? Không phải chỉ là văn học thuần túy, lý luận hay bí kíp viết lách gì, mà còn là tâm trạng, cảm xúc, hơi thở của người cầm bút khi phải vạch ra những điều chân thực từ cuộc sống vô cùng khắc nghiệt.

“Anh không sáng tác theo trường phái ‘thuần văn học’, nhưng cũng chẳng là một đấu sĩ, không dám biến ngòi bút thành vũ khí đứng ra tuyên bố chính nghĩa, một loại chính nghĩa không biết đang ở tận nơi đâu, thì đừng nên đem cái chính nghĩa ấy ký thác cho ai cả. Anh chỉ biết anh tuyệt nhiên không phải là hóa thân của chính nghĩa, cho nên sẽ viết những gì mà bất quá cũng chỉ đóng khung trong phạm vi nói rõ, rằng có một cuộc sống như thế, còn bùn nhơ hơn cả bùn nhơ, còn chân thực hơn cả địa ngục trong trí tưởng tượng, còn khủng khiếp hơn cả lời phán xét ngày tàn…”

Anh ta dũng cảm, anh ta dám đứng ra nhận phần hèn nhát về mình, rằng viết với anh ta chỉ là một nhu cầu mang tính bản năng chứ không phải là thứ gì ghê gớm như mọi người lầm tưởng, như đòi chính nghĩa, công bằng hay lý tưởng… Có lẽ, những người người bút có tầm vóc đều bắt tay vào viết là vì thế – khởi thủy từ chính nhu cầu của họ chứ không nhằm dụng ý gì khác để thỏa mãn số đông quần chúng…

Anh ta còn nhận về mình sự tầm thường, lúc dối trá… Nhưng ẩn sâu trong đó là khát vọng cuồng điên viết lách, mong muốn “phóng xả” tất cả những điều căng nở trong tâm gan trên giấy trắng.

“Anh đem những cảm thụ, kinh nghiệm, mộng mơ, hồi ức, ảo tưởng, suy nghĩ, phỏng đoán, dự cảm, trực giác của mình nói cho ngôn ngữ, âm nhạc và tiết tấu, liên kết với trạng thái sinh tồn của con người, hòa tan hiện thực và lịch sử, không gian và thời gian, quan niệm và ý thức trong quá trình thực hiện ngôn ngữ, và chỉ để lại bao huyền ảo mê hoặc của ngôn ngữ mà thôi…”

Câu chuyện rất dài, rất nhiều khổ đau, rất nhiều oan trái. Thật ra, anh ta cũng đã từng dại dột đứng lên đấu tranh, nhưng rồi những cuộc tranh đấu thương đau đó đã cho anh ta những bài học nhớ đời – tức là kèm theo những vết thương không tài nào xóa nổi. Để rồi anh ta chỉ còn muốn “đứng bên ngoài cách mạng và phản cách mạng để kiếm miếng đất cắm dùi, bàng quan một cách xa vời…” Nhưng mong ước này mới khó thực hiện làm sao, thế sự đẩy người ta vào huống cảnh trớ trêu, rằng anh không được phép đứng ngoài cả bên trái lẫn bên phải, nghĩa là không có biện pháp nửa vời, thế là “đành đeo mặt nạ, trà trộn sống nhờ.”

Chẳng dễ gì tóm lại cả một đời người trong vài trăm trang giấy, bút mực nào kể hết được những thống khổ, hoài nghi, tuyệt vọng… mà hơn cả thế là của cả một lớp người với bao hệ lụy. Thế nên thật khó để mà kể lại lịch sử cũng như số phận con người qua một bài viết gói gọn trong một hai nghìn từ. Thì thôi, hãy cùng ghi nhớ một điều ngắn ngủi thôi, rằng đây chỉ là bản tường trình số phận của một con người, và quanh anh ta thì có gia đình, bạn bè, láng giềng, đồng nghiệp. Anh ta gọi ghi chép ấy là kinh thánh của anh ta, không cứu vớt cũng chẳng buộc tội cho ai cả, mà chỉ cho chính anh ta mà thôi.

“Đây là nhận xét, giám định của anh đối với anh ấy, nó có thể thay cho phần hồ sơ cá nhân đang lưu trữ ở Trung Quốc, nhưng đương sự thì mãi mãi không bao giờ đọc được.”

Nhân vật đã trốn thoát. Thoát được khỏi tổ quốc đang lâm nguy trong cảnh đấu đá hoang tàn, khẩu hiệu này chồng khẩu hiệu kia, “hôm nay sai, ngày mai đúng”; con người không biết tiến hay là thoái nữa, vào vòng cũng chết mà đứng ngoài cũng chẳng yên. Anh ta còn trốn được khỏi cuộc hôn nhân kinh khủng nhất trần đời, khỏi mụ vợ quái đản, không hiểu là ai, thuộc loại nào nữa. Nhưng có lẽ, hãy đổ cho số phận, và cho cuộc đời đã đẩy chị ta vào đường tranh đấu quá nhiều, đến mức không còn biết tin vào ai, vào cái gì nữa, thậm chí, còn không nhận ra được chính mình…

Cuộc đời vốn dĩ chất chứa trong nó sự đổi thay. Kẻ đào vong tưởng phải biệt xứ, nhưng nhờ sự thay đổi kia mà có cơ hội trở về. Nhưng đấy là chuyện của mấy chục năm sau, khi vô số cơ hội, cảm xúc, con người, hy vọng… đã chết, mà chẳng thể hồi sinh…

Người đọc mường tượng một cái kết trong câu chuyện về kẻ đào vong là cảnh diễn ra ở một phi trường hay cảng biển, người ra đi vui mừng khấp khởi vì cuối cùng cũng đến được với tự do. Quả có cảnh ấy thật, nhưng là phi trường ngập người là người, và người ta hốt hoảng đến mức chẳng còn nhìn kịp được “người con gái ta yêu” chứ đừng nói đến vui sướng hân hoan.

Mà cảnh kết là “một buổi hoàng hôn đi ngang qua Cổ Lâu” anh gặp lại cô em thuở trước “có vết sẹo trên vú trái” giờ đã là một đóa hướng dương tàn*… Và cái câu của cô trong lời kết đơn giản nhưng tha thiết và đau đớn làm sao, “buồn lắm anh ơi”… Quả là buồn…

 * Có bài ca ví xã viên hợp tác xã như hoa hướng dương (theo tác giả).

“Mỗi ngày là một ngày mới”

Nhân đọc, Mở rộng phạm vi đấu tranh, tác giả: Michel Houellebecq, người dịch: Thuận, NXB Hội Nhà văn – Công ty VHTT Nhã Nam.

Theo tuần tự, lẽ ra cuốn này phải ra trước cuốn Hạt cơ bản mới phải, nhưng ở Việt Nam thường vậy, cái gì nôi nổi mới được biết đến trước, sau đó là những thứ “ăn theo”, kể cả những thứ người ta viết từ thuở còn chanh cốm cũng được khai thác triệt để.

Nhưng thôi, có lẽ chẳng nên nói gì đến chuyện thứ tự hay luật lệ làm gì, nhất là với ngành xuất bản vốn yếu hèn ở đây, có thứ gì đó để đọc là tốt lắm rồi, mà thứ đó đáng đọc thì thật là vĩ đại.

Cuốn này đã nằm trên giá sách gần một năm rồi, trong một dãy vô số những cuốn nằm đợi người ta khai phá. Nhưng những cuốn này đâu phải cứ giở ra là đọc được, phải đợi cái lúc tập trung nào đó, nhất định không tranh thủ được. Giống như Hạt cơ bản – nghe tên sách tưởng là sách nghiên cứu về vật lý, thì cuốn này người ta lại tưởng là sách về con đường cách mạng nào đấy. Nghĩa là người ta sẽ tha hồ mà hình dung về sự quyết liệt, lòng dũng cảm hay là cái gì tương tự như thế trên con đường tranh đấu. Quả là có một cuộc chiến đấu, nhưng nó tẻ nhạt hơn thế nhiều, mà cũng đúng thôi, tranh đấu để sống trong cuộc đời vô vọng này đương nhiên là những vòng đồng tâm chán ngắt rồi. Nhắm mắt và mở mắt, văn hoa thì bảo là “đêm đã tàn, một ngày mới sẽ mở ra”, nhưng cái mở ra và khép lại ấy vẫn giống hệt như nhau mà thôi.

Ngay từ những trang đầu tiên đã là những lời khuyên chí tình: Anh không đi đâu mà không mang theo chứng minh thư!

Ghi nhớ điều này sẽ giúp anh tránh được vô số phiền toái, nhất là trong tình hình cấm “quần tam tụ ngũ” hiện nay, anh có thể bị câu lưu và thẩm vấn, có khi còn mất trọn 24h vàng ngọc, cuối cùng hóa ra nhẹ nhàng ra thì anh cũng phạm lỗi không mang theo chứng minh thư.

Tiếp nữa là chân lý: Ngoài ra làm việc lại phải mua sắm, phải rút tiền từ máy tự động (những nơi này thường xuyên phải đợi)! Cái này cũng đúng luôn.

Anh phải đứng chờ ở máy ATM để rút được tiền của mình ra, giờ người ta không còn trao nhau cái phong bì đầy ý vị vào mỗi tháng nữa rồi. Điều bực mình là những kẻ đứng sau cứ nhảy bổ vào chỗ anh đang bấm mấy con số, chẳng phải là sợ lộ cái bí mật khỉ gió gì đâu mà cảm giác có kẻ đứng sát cạnh mình khi đang làm cái việc kha khá là bần tiện là đếm tiền thì quả tình là rất khó chịu và thiếu an toàn!

Rồi lao bổ tới siêu thị, vơ quàng mấy món đồ, đôi khi chẳng đáng gì nhưng quầy thanh toán lúc nào cũng dài ngoẵng. Anh lại phải tiếp tục chờ đợi để được ném tiền của mình đi. Thật là một vòng tròn ngu xuẩn hoàn hảo!

Nhưng đấy là quy tắc! Một trong số các quy tắc khiến chúng ta sống được trong đời này. Nhưng rồi sẽ đến lúc chỉ tuân thủ các quy tắc thôi thì không đủ, anh buộc phải bước vào một phạm vi mới, đó là phạm vi đấu tranh.

Ấy là nhân vật chính trong truyện nói thế, còn bảo đấu tranh với ai, như thế nào, vì cái gì thì chịu, chỉ chắc chắn một điều rằng anh vừa là kẻ chủ mưu vừa phải ra tay hành động và cuối cùng, có thể chính anh sẽ là kẻ tử vì đạo trong cuộc tranh đấu đó!

Nếu so với Hạt cơ bản, thì có vẻ như Hạt cơ bản đã hoàn chỉnh hơn, sinh động hơn bởi một phạm vi rộng lớn hơn, với cả không gian và thời gian trong tác phẩm rộng, dài, sâu hơn. Còn Mở rộng phạm vi đấu tranh là một bức tranh phác thảo, các nhân vật là các nét chấm phá, nhưng không vì thế mà không rõ nét hay thiếu hoàn chỉnh. Thậm chí là ngược lại, các nét chấm phá gây ấn tượng và đủ cho người ta hình dung.

Về giọng điệu thì vẫn thế, vẫn ngôn ngữ đó, cay độc, sống sượng, tả loài vật, cảnh trí cũng như con người đều vô cảm như nhau, một kiểu miêu tả rất đặc biệt, trần trụi, vô cảm, chỉ đặc tả, như trẻ con tập làm văn. (Khiếp nhất là những đoạn tả gái, bọn béo lập tức biến thành những “khúc dồi”, toàn thân thể được phay ra từng món như thể mấy tay đồ tể ước lượng con mồi, “bộ ngực của nó hẳn là đầy đặn nhưng đã hơi chảy, cặp mông thì có vẻ nhũn…”)

Ai đó từng nói rằng, tiếng nói đáng nghe nhất của người viết là tiếng nói đầu tiên anh ta cất lên, trong xó vườn nhà mình. Bởi nó là tiếng nói anh ta tha thiết được chia sẻ với đồng loại, còn sau đó, khi anh ta đã được người đời biết đến, được tung hô, tiếng nói ấy không còn nguyên vẹn nữa, anh ta sẽ điều chỉnh nó cho hợp với người nọ kẻ kia – những kẻ anh ta chẳng phải biết tới khi vô danh tiểu tốt.

Như vậy, thì xét ra Mở rộng phạm vi đấu tranh là tiếng nói đáng nghe nhất. Nhưng xem ra, Michel Houellebecq không có ý định thay đổi tiếng nói ấy để chiều lòng cho dù có là thực khách của ông ta đi nữa. Mặc dù các nhân vật trung tâm đều là những kẻ có ngoại hình xấu xí, nhưng ông ta (có lẽ) cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của những độc giả xấu bởi vì các nhân vật đó đều hoài nghi, yếm thế, cực đoan đến vô vọng trước đời sống. Và đương nhiên các độc giả đẹp đẽ thì xa lạ với những thứ đó rồi, lòng tự tin và kiêu hãnh của họ sẽ bị đập bẹp – như một con gián – bằng sự đố kỵ, phũ phàng… Tất nhiên, đấy chỉ là giả thuyết…

Thực tế thì có lẽ người đọc đều sẽ tò mò, bởi cách hành xử của những nhân vật đi ngược lại đời sống, dường như họ phản thùng lại chính tư tưởng đấu tranh đã vạch ra ngay từ ngày đầu tiên bước vào đời sống. Họ tự sát, buông xuôi, tìm đến bạo lực và những cách giải quyết vấn đề một cách lệ thuộc nhất… Vừa lạnh lẽo vừa cô đơn. (Như để đối trọng với cách miêu tả các nữ nhân vật, thì các nam nhân vật thường xuyên có ý tưởng “tự cung”! Hình như, mình còn vừa phát hiện ra hai đối cực, với đàn ông châu Á đó là phần thể hiện sức mạnh, còn với các nhân vật nam ở châu Âu này dường như đó là phần thể hiện sự lệ thuộc vào bản năng mà họ muốn cắt phéng đi để an nhiên tự tại…)

Nhưng cái phần lệ thuộc đó, có lẽ nhân vật đã cay đắng quá thôi, đổ hết nó cho phần bản năng của con người, thực ra, khi vào nhà nghỉ theo gợi ý của bác sỹ – nơi có vườn hoa và những bữa ăn chung – anh ta chợt phát hiện ra như một sự khải thị rằng đây không phải là một nhà thương điên bởi chẳng có ai bị rối loạn thần kinh hết mà chỉ “đơn giản là thiếu tình yêu”. Đó là sự khao khát yêu thương chứ không chỉ là nhục dục như anh ta vẫn đổ tiệt cho nó. Nhưng anh ta sợ thừa nhận nó, bởi bản chất hoài nghi, yếm thế đã đeo đẳng suốt sau thất bại của ái tình rồi.

“Trong một hệ thống kinh tế hoàn toàn tự do, có những người tích lũy được những tài sản đáng kể, lại có những kẻ chết gí trong thất nghiệp và nghèo đói. Trong một hệ thống tình dục hoàn toàn tự do, có những người hưởng một cuộc sống tình ái phong phú và hưng phấn, lại có những kẻ buộc phải thủ dâm và đơn độc. Chủ nghĩa tự do kinh tế, là mở rộng phạm vi đấu tranh, sự mở rộng của nó đến tận mọi lứa tuổi của cuộc đời và mọi tầng lớp của xã hội. Tương tự, chủ nghĩa tự do tình dục, là mở rộng phạm vi đáu tranh, sự mở rộng của nó đến tận mọi lứa tuổi của cuộc đời và mọi tầng lớp của xã hội.”

Có lẽ, chủ nghĩa kinh tế tự do có những ưu điểm tuyệt vời trong phát triển kinh tế, nhưng trong đời sống xã hội, để giảm bớt những kẻ tự sát vì cô đơn và thất bại ái tình, có lẽ chúng ta nên áp dụng chủ nghĩa bao cấp ở đây, nghĩa là người ta xếp hàng trước cửa hàng ái tình để được phân phối đều đặn và công bằng (đặc biệt cấm những kẻ xếp hàng bằng gạch và chạy cửa sau). Vì thứ đó người ta không kiếm được, không mua cũng chẳng bán được, không xin cũng chẳng cho. Nhất là khi người ta quá ích kỷ để chia sẻ với ai điều gì đó…

Rốt cuộc, đến lúc người ta sẽ choàng dậy như nhân vật chính, bởi “Nước lúc ấy thì lạnh. Còn bây giờ thì anh xa bờ.” Thật ra thì nước lúc nào chả lạnh, chả xiết. Và khi tỉnh ra lúc nào anh chẳng xa bờ – đúng ra là chẳng có bến bờ triển vọng nào hết. Người ta sẽ bảo, sách dạy người ta tranh đấu đây sao, một sự buông trôi hoàn toàn, tuyệt đối. Nhưng người ta đấu tranh đấy chứ, đấu tranh đến mức thấy tự thân mình chia cắt với thế giới này, và thậm chí còn chia cắt với chính bản thân mình nữa. Và cuộc sống, sẽ bắt đầu sau đường chia cắt ấy.

  • À, cuốn này vẫn dịch là bệnh SIDA như trong Hạt cơ bản, cả thời điểm trong sách, viết sách cũng như dịch sách, hình như đều không dùng là SIDA nữa rồi thì phải… Chắc là cố tình…

Tản mạn về H.Murakami nhân một ngày đầu thu nắng đẹp

1. Phép ẩn dụ dưới hình dạng vật chất.

Trong các tác phẩm của H. Murakami không bao giờ thiếu phép ẩn dụ, cả trong tiểu thuyết cũng như truyện ngắn, các hình ảnh ẩn dụ rõ nét hoặc mờ nhạt, phong phú nhưng trong một chừng mực, hầu hết đều liên quan tới con người, hoạt động của con người, đúng ra là phép ẩn dụ soi chiếu con người đó và chỉ ra điều còn khuyết thiếu, và thay thế nó bằng phép ẩn dụ đó.

Trong Rừng Na-uy, là chứng khó tìm từ của Naoko; đến Phía Nam biên giới – Phía Tây mặt trời là “khuôn mặt lặng tờ như dưới đáy đại dương” của Izumi; ở Biên niên ký chim vặn dây cót thì phức tạp hơn, có rất nhiều phép ẩn dụ, là sự không đau đớn của Kano Creta, cơn nghiện tình dục của Kamiko, sự bất lực của Wataya Noboru,… Trong Người tình Sputnik, là mái tóc trắng phơ sau một đêm ngủ trong đu quay của Miu; còn Kafka bên bờ biển là sự rỗng tuếch của Nakata.

Song song với mỗi một phép ẩn dụ, là những nhân vật tương đối giống nhau, trong một kiểu nào đấy, về bản thể hay ý thức. Chính xác hơn là sự phát triển của nhân vật theo từng tầng lớp, cấp độ nào đó, dù các tác phẩm đứng riêng rẽ, không phải trong cùng một bộ. Đây là điểm nhấn đặc biệt của H.Murakami, dễ dàng nhận ra ông, với âm nhạc, giọng điệu và tuyến nhân vật đó. Có thể khi viết, người viết không định phát triển tiếp nhân vật của mình để thành một nhân vật mới trong tác phẩm khác, nhưng sự ngẫu nhiên cũng là tất yếu của bất cứ một tay viết kỳ cựu nào, đó là đóng đinh lên nhân vật, như thể một dấu nung của người chủ lên con vật của mình vậy.

Trong Rừng Nauy, chị Reiko với dòng thác tình dục khơi gợi bởi cô bé chưa đến 10 tuổi; trong Người tình Sputnik, Sumire bất ngờ được “khải thị” bởi Miu. Đó là sự biến chuyển của những hình thái tư duy hay xúc cảm không nắm bắt, nhìn ngắm mà chỉ cảm nhận được. Không chỉ có xúc cảm hay tư duy, phép ẩn dụ còn nương náu dưới những hình thái vật chất cụ thể, như Quế – chàng trai câm lặng trong Biên niên ký chim vặn dây cót, sạch sẽ, chỉn chu, lúc nào cũng áo sơ mi và cà vạt tuyệt đẹp; đến Oshima – chàng thủ thư nghiêm cẩn thường trực với những chiếc bút chì nhọn hoắt thực chất là một giống cái méo mó, chưa hoàn thiện; cũng gần như chứng câm của Quế, một sự thiếu hụt về vật chất của con người, nhưng trí tuệ lại mẫn tiệp, mẫn tiệp hơn bất cứ một con người hoàn thiện, đẹp đẽ nào khác. Một sự bù đắp tuyệt vời, tất yếu bởi như người phương Đông vẫn nói “Trời không lấy hết cũng chẳng cho không ai cái gì”.

Có thể nói, H.Murakami là một người đặc biệt quan tâm đến những người còn khiếm khuyết trong thế giới con người vốn đầy những kẻ khôn ngoan, tinh ranh, quỷ quái. Thì những Nakata mù chữ, Shimatomo thọt chân, Quế bị câm, Oshima phát triển chưa hoàn thiện và Kamikaze nói lắp. Kỳ lạ trong một sự khác biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới con người.

Phép ẩn dụ ấy là gì? Là một sự phát triển chưa hoàn thiện của con người, như chúng ta vẫn thường nói “Nhân vô thập toàn” nhưng mấy ai chỉ ra điều ấy rõ ràng, đơn giản? H. Murakami đã chỉ ra nó, vô cùng cụ thể, vô cùng tỉ mẩn và chi tiết. Chỉ rõ ra sự khiếm khuyết ấy để thấy rằng có thể với nhiều người nó là điều không thể chịu nổi nhưng với họ là một tất yếu mà thôi.

Phép ẩn dụ ấy còn đồng thời là một “độ vênh” giữa con người và đời sống; hay là sự không thể bắt kịp với đời sống, là cái chết của Kizuki, Naoko trước ngưỡng cửa trưởng thành vì không thể hòa mình vào đời sống; hay là gương mặt của Izumi vì không thể chấp nhận được thực tại bị phản bội ở tuổi thanh niên, là chứng câm của Quế khi chứng kiến một thực tế đen tối không thể thích ứng ngay được, hay là sự rỗng tuếch của Nakata sau cú đòn bí ẩn mà chính ra là một bước tiến của đời sống khiến cậu không theo kịp nó.

Chúng ta vẫn gọi đã là lỗ hổng hay là khoảng cách giữa thực tế và năng lực con người. Chúng ta tìm mọi cách lấp đầy bằng lao mình vào thực tại để bắt kịp nó, đến mức bỏ quên con người thực của mình. Không ai chịu chấp nhận rằng khoảng cách hay lỗ hổng đó là một tất yếu, và tìm cách chung sống cùng với nó. Chúng ta nỗ lực mọi cách để kháng cưỡng lại thực tế đó, lấp đầy khoảng cách hay dàn thẳng “độ vênh” đó bằng mọi giá. Có khi nào chúng ta nhìn xuống chân mình và nhận ra rằng cái bóng của mình chỉ còn một nửa?

2. Chiếc bóng hay là hình ảnh phản chiếu con người dưới ánh mặt trời

Trước H. Murakami đã có nhiều người đề cập về hình tượng chiếc bóng. Đó là sự phản chiếu của con người trong đời sống thật, hay chính xác là con người chúng ta được thực tế tiếp nhận như thế nào.

Điều này giải đáp cho mối băn khoăn, cái bóng có nói nên điều gì không? Một vật không có thực, không nắm bắt, chẳng gắn kết chút nào với chúng ta. Có nó ta không khỏe, mất nó ta không yếu. Vậy thì, có hay không có ích gì?

Khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành, chúng ta nghiễm nhiên coi mình là một chỉnh thể, một chỉnh thể độc lập, vẹn toàn. Nhưng thực tế, chúng ta sống trên đời có như vậy không? Hoặc cuộc sống tiếp nhận chỉnh thể ấy như thế nào?

Có phải chúng ta vẫn thường ngờ ngợ rằng hình như người đối thoại chỉ chăm chú vào vấn đề của họ mà bỏ qua vấn đề của ta? Hay vấn đề ta nói ra họ chỉ hiểu được vài chục phần trăm mà nhiều khi không hiểu chút gì hoặc là còn hiểu hoàn toàn ngược lại.

Cái bóng chính là sự phản chiếu của đời sống đối với bản thể chúng ta, cũng là sức thể hiện của con người ở đời sống thật. Méo mó, khiếm khuyết, thiếu hụt hoặc hoàn toàn trống rỗng.

Đó có thể là một ngày, khi nhìn xuống chân mình, ta nhận ra cái bóng chỉ còn một nửa? Ta tự hỏi, hay nó vẫn chỉ có một nửa từ thuở khai sinh? Thậm chí, có thể là chẳng còn cái bóng nào?

Trả lời cho câu hỏi về chiếc bóng, hay là hình ảnh chiếc bóng. Không có bóng thì chúng ta có làm sao không?

Bóng là phản chiếu hình ảnh chúng ta dưới ánh mặt trời, khi hình ảnh chỉ còn một nửa nghĩa là chúng ta không có khả năng phản ánh đầy đủ thực tại khách quan nữa rồi? Phải không? Hẳn thế.

3. Chứng nghiện tình dục hay là một cuộc cách mạng chăn gối mới

Nhân vật của H.Murakami đều có một kinh nghiệm tình dục phong phú nếu không cũng có một trí tưởng tượng tuyệt vời về nó. Bởi những ẩn ức tình dục nói như cách của Freud, mà đơn giản hơn, là những khao khát bị kìm nén bởi những nề nếp, quy tắc đạo đức của đời sống. Càng chôn vùi càng trỗi dậy, cho đến khi gặp được đúng đối tượng, đúng thời điểm lập tức phun trào.

Bản chất con người là thèm khát yêu thương, nên bằng cách này hay cách khác sẽ phải giải phóng nỗi khát khao đó. Những nhân vật của H. Murakami, may mắn – hay là họ tự tạo ra được cho mình cơ hội, được bùng nổ khao khát ấy, cho dù nhiều khi chỉ là trong giấc ngủ, hay chỉ là một trải nghiệm không phân rõ thực hư, hoặc trong tiềm thức nào đó đã rất xưa rồi.

Người đọc có thể đặt câu hỏi, rằng có cần thiết phải đưa quá nhiều trang lột tả tình dục, với những chi tiết tỉ mỉ, cặn kẽ như vậy vào trang sách không? Để hướng tới điều gì?

H.Murakami là bậc thầy trong miêu tả về tình dục (cả về chất lượng và số lượng, he he). Cuốn sách nào cũng đầy ắp những miêu tả sống động, từ Rừng Na-uy, cuốn tiểu thuyết người ta vẫn mặc nhiên gán nó cho tuổi trưởng thành, tới Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, người ta cũng ngang nhiên xếp nó vào giá sách dành cho những người tuổi ngoài băm.

Người đọc có thể nhận thấy, nhiều chi tiết không cần tường tận đến vậy, tuy nhiên, cũng đồng thời lờ mờ cảm thấy, nếu không cặn kẽ như vậy lại không thể nào đưa ra được đúng tâm trạng nhân vật, đẩy nhân vật đến hành động (tất yếu) sau này trong cả chuỗi hành động và mối quan hệ tương tác với xung quanh. Vì thế, tình dục được miêu tả trong sách H.Murakami rõ ràng nhưng không hề khiên cưỡng, mà hoàn toàn tự nhiên, đúng là một phần thống nhất của con người.

Bản thể con người bị (được) vạch trần, không có gì bí ẩn hay cao siêu cả. Tình dục, trong một chừng mực nào đấy, vượt qua mọi tầm suy nghĩ, lý luận. Là thứ duy nhất con người có thể nương náu để nhận rõ nhất bản thân mình…

Một điều dễ nhận thấy là khi con người đạt đến được thứ tình dục mơ ước ấy thì họ đều vỡ vụn về mặt nào đấy, nghĩa đen hoặc nghĩa bóng. Sumire mất tích sau đêm với Miu. Naoko vào nhà thương điên sau ân ái với Toru. Kumiko sau “dòng thác tình dục không lối thoát” cuộc đời chuyển sang một hướng khác hoàn toàn, thậm chí là tội ác… Shimatomo biến mất, hoàn toàn, vĩnh viễn, sau đêm nghe nhạc Nat King Cole lãng mạn, điên cuồng với Hajime…

Có lẽ vì thế, Nakata (Kafka bên bờ biển) cả đời không biết đến mùi vị của tình dục nên không thể nào tận hết được mọi nhẽ ở đời. Cũng như Wataya Noboru, mắc chứng liệt dương (như nhiều tay ham hố quyền lực khác…), không thể nào hiểu được thực chất của bản thân mình, vì đó không tài nào có được mối đồng cảm với những người khác trong thế giới này. (A, đoạn này bắt đầu nhảm…) 

+ Bạn bảo viết cái gì thật quấy. Muốn quấy mà không dám quấy, lại chỉ toàn thở ra những thứ nhờ nhợt, nhạt nhẽo thì quấy thế nào được.

+ Nhưng nếu quấy quá đến mức lại phải đi tìm ông thầy lang (chẳng biết giờ còn không?) xin lá bùa để dán vào màn cho ngoan thì hơi bị khó tìm.

+ Hôm nay bị cúm, người ta bảo khi bị cúm là ham muốn về không, nên viết phần xxx này không “máu” lắm thì phải! (Hờ hờ, đợi nhớ!)

“Đàn bà vì người thích mình mà trang điểm, kẻ sĩ vì bạn tri kỉ mà chết, còn văn học, xét đến cùng là gì?”

(Giả Bình Ao)

Những điều muốn viết thì không biết viết.

Những điều cần viết thì không dám viết.

Những điều đã viết thì không đáng viết.

Người cầm bút vì lý do gì mà viết?

Ngoài khát vọng thoả mãn giãi bày. Với bản chất nguyên thuỷ của mình, trong lúc kiếm ăn, mày mò, sáng tạo, những bài hát, câu thơ hay lời viết vang lên trước tiên là để rũ bỏ mệt nhọc, ưu phiền cũng như bày tỏ niềm vui sướng. Trong lao động không chỉ có mệt mỏi còn có cảm giác hân hoan, cũng như trong đời sống, ngoài những buồn lo còn có những phút giây hoan lạc; ngoài những lúc thoả mãn cái tôi cá nhân còn có lúc đứng lên bày tỏ lòng cảm khái, hy sinh cao thượng vì danh dự, giống nòi, dân tộc,…

Viết cũng là cách để lưu giữ thành quả lao động, sáng tạo. Là những kinh nghiệm cá nhân, sau đó là nhắn nhủ, dặn dò, rồi đến đúc kết; cao hơn là học thuật, triết lý,…

Người ta còn tìm đến trang viết để thoả mãn hư danh trên đời. Với sự phát triển của xã hội, trải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách đời sống, viết đã trở thành một cách thức để người ta tiến lên được bậc thang nào đó trong xã hội, được lưu danh sử sách, được tôn vinh, được ve vuốt lòng kiêu hãnh.

Nói như một số người, là được nổ tung như pháo hoa.

Nhưng đừng như con thiêu thân lao vào quầng lửa ấy mà cháy rụi. Sau khi thoả mãn tham vọng sáng loà trong giây lát thì phải biết giã từ hư vinh để quay về với trang giấy, thật chuyên tâm để viết ra những điều đẹp nhất, hay nhất, thực nhất,… Không còn vì một vầng pháo hoa nào nữa.

Trả lời cho câu hỏi người đọc tìm gì ở trang viết mà người viết lựa chọn cách thức, nội dung cho thứ mình định viết. Tất nhiên, không thể nhất nhất theo nguyên tắc “Bán cái người ta cần chứ không phải thứ ta có” cho các mặt hàng thông thường, nhưng cũng không vì tính độc tôn mà đẩy người đọc vào mê lộ của riêng mình, nhất quyết không thể nào hiểu được.

Không phải người viết nào cũng được tung hô cũng như không phải trang viết nào cũng được người đọc để mắt tới. Mỗi người viết hướng tới nhóm độc giả của riêng mình. Đừng ôm tham vọng thành trang viết cho tất thảy nhân loại nếu không định làm biên soạn cho những trang chỉ đường hay danh bạ điện thoại.

Điều làm cho trang viết trở nên nổi tiếng, có chỗ đứng lâu dài trong lòng người đọc, trải qua nhiều mốc lịch sử là hướng tới những điều mang tính phổ biến, đại chúng, hoặc là tính thời sự của tác phẩm.

Tác phẩm không chỉ mang tính áp đặt, cho một thời, một thế hệ, một dân tộc mà ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp xã hội, qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử trên khắp các quốc gia… Đồng thời, trang viết đó cũng phải mang tâm tư, nguyện vọng của người cầm bút, đồng cảm với đông đảo người đọc của nhiều thế hệ.

Với tâm nguyện đó, người viết hội tụ đủ trí lực, tài lực mà đặt bút viết thành tác phẩm. Trang viết sống động là đọc trang viết, người đọc có thể chửi thầm anh, đồ khốn kiếp, chính tôi mới là người viết thứ này chứ!

Rồi từ đó, cùng anh (qua những trang viết) mà thoả sức tưởng tượng, gắn cho tác phẩm bao ý tưởng đằng sau con chữ mà khi ném ra mặt giấy anh có thể chỉ biết đến có một nghĩa. Nay với mỗi người đọc lại mở ra một ý nghĩa khác nhau. Nghìn người đọc là thành nghìn cánh hoa tựu lại thành bông hoa nghìn cánh mở ra lớp lớp tầng tầng. “Dâng cho đời. Như một bông hồng chung”. (Vệ Tuệ)

Những mối tình nực cười

Tác giả: Milan Kundera

Dịch giả: Cao Việt Dũng

Nhà xuất bản văn học + Công ty Văn hoá Truyền thông Nhã Nam 

+ Hô hô hô. Ha ha ha. Cứ cười trước cái đã, để thoả lòng cho cái tên sách. Tất nhiên là thực tế chả cười tí nào. À, có cười nhưng mà cười cái khác, ứ cười các mối tình mấy!

 + Một hat-trick “hot” nhá, từ tác giả tới dịch giả tới cả công ty phát hành. Sách in đẹp, bìa đơn giản, giấy trắng toát, chữ sáng choang. Tóm lại là đọc loá hết cả mắt, trình bày cầu kỳ nữa chứ lại. Có lẽ để thoả mấy chữ số đằng sau bìa sách!

 + Còn trong ruột? Ô hô! Sẽ không ai cười, Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu, Người chết cũ phải nhường chỗ cho người chết mới… Đều thấy quen quen. Hoá ra là đều đã xuất hiện ở đâu đó. Rốt cuộc lại là một kiểu tinh… tuyển. Nhặt. Xếp. Đặt. Thế là xong. Nhưng nói thế có vẻ oan ức quá, vì thấy ngay trang bìa có ghi là dịch từ nguyên bản tiếng Pháp! Hèm! Không kết luận bừa bãi nhăng nhít vậy. Mặc dù, thành thực, thì rõ ràng là đã thấy rồi, đã đọc rồi! Như thế không biết là có phải là có tội với nhân dân không?

 + Tranh biện hoá ra là cái bình mới của rượu cũ của Cuộc hội thảo (nếu căn cứ theo thời gian được xuất bản tại Việt Nam). Còn biết đâu là ngược lại. Mà nghe Tranh biện thì vừa cổ lỗ vừa chậm tiến, tưởng từ thuở Đác-ta-nhăng (nhưng có lẽ thế phù hợp với cuộc tiến hoá từ Nhà chinh phục vĩ đại thành Nhà sưu tập vĩ đại, hậu duệ của Đông-Gioăng đã thành những kẻ sưu tầm hạng bét, tuyền ép bướm thành tiêu bản rồi vứt vào ngăn kéo!)

 + Điểm sách thế này có phần nào khả ố, nhưng rõ ràng còn khả ố hơn nữa nếu không tiết lộ cho nhân dân biết rằng chúng-bọn rượu cũ ấy đã xuất hiện ở đâu, nhất là khi có thể uống chúng với giá rẻ hơn trong thời buổi hậu khủng hoảng này. Nghe có vẻ hơi chua chát, nhưng thực tế là vẫn nằm trong tập Truyện dịch Đông-Tây vẫn được bày bán ở quầy giảm giá ở Nhà sách Đông Tây, với giá 10k một cuốn. Mà thực lòng, đọc những cuốn này nhé, thỉnh thoảng lại gặp H.Murakami, Ray Bradbury,… với những truyện ngắn rất thú vị. Còn ở đây nhé, có mỗi Milan Kundera, đầy triết lý vật vã, cảm giác không khác gì hôm nọ uống phải rượu vodka rởm ấy, kết quả là đau đầu bỏ mẹ!

Những hư hao mùa hè (*)

“Thuốc bổ tốt nhất cho đàn bà là lấy chồng.”

Đàn ông là thần dược mang cho đàn bà sự sống. Đã là đàn bà thì phải dùng thuốc này.”

“Dù nó là thuốc độc…”

(Yasunari Kawabata)

 

Tôi vốn vẫn yêu thích mùa hè, mọi thứ như trào ra, dâng đầy, nở bung, sáng chói. Bớt đi những khuất lấp che giấu đi bản ngã, có cảm giác như trong mùa này, con người thành thật hơn trước nhau, trước đời, và trước chính bản thân.

Mùa năm nay thật lạ, ngay đầu mùa đã có gió nóng và nắng chói chang, những mưa nắng bất thường mang đến cảm giác như đang bị hoang phế…

 

Otoko mỗi mùa hè lại sút cân, áo quần rộng bớt, như một sự nhắc nhở nàng về tuổi tác, và mối liên hệ máu mủ của nàng với mẹ, bởi hai mẹ con có nhiều điểm giống nhau về thể chất. Nhưng cái chết của mẹ đã chia lìa mối dây giữa hai người, cũng là phạt ngang mối liên hệ tới Oki, bởi mẹ là một phần rợ nối tới mối tình đầu bất hạnh đau đớn của nàng.

Y. Kawabata viết, “Nhưng thời gian có những dòng chảy khác nhau. Như dòng sông, dòng đời có chỗ nhanh chỗ chậm, có chỗ còn dừng lại như nước ao tù. Thời gian vũ trụ tất nhiên là một, nhưng thời gian trong thay đổi với từng người.”

 

Ứng vào mình, cũng đã có những tháng ngày hoang hoải, có những tháng ngày là mặt nước ao tù, chết lặng một chỗ. Tâm tưởng vướng bận, bản năng bướng bỉnh không nghe một thỉnh nguyện nào từ lý trí. Chắc giống Otoko những ngày điên loạn, nhưng không can đảm như nàng, dám tìm đến cái chết, và dám cả phát điên lên.

 

Otoko ngay cả khi ở trong nhà thương điên cũng không oán hận người tình, thậm chí tình yêu của nàng với Oki mấy chục năm sau đó còn nguyên vẹn. Tình yêu ấy đã cầm tù nàng, đã khiến nàng cô độc suốt phần đời còn lại.

Không biết lúc tự vẫn, Otoko có căm ghét bản thân mình không? Bởi bản năng không thắng được lý trí, không gạt được Oki ra ngoài tâm tưởng cho dù chính Oki đã làm hỏng cuộc đời thơ trẻ của nàng, bắt nàng làm mẹ ở tuổi mười bảy. Và vĩnh viễn không biết mặt con, đứa trẻ thiếu tháng tóc đen như trong lời kể của mẹ nàng.

Quên đi lỗi lầm của người khác dễ hơn bỏ qua sai sót của chính mình. Tôi không ôm oán hận bao giờ, nhưng rất khó tha thứ cho bản thân, có lẽ bởi bản tính cẩn trọng và sự nghiêm khắc được rèn tập từ nhỏ trong gia đình. Nên đã rất giận bản thân, vì đã yếu đuối, ươn hèn, thoả hiệp với bản năng một cách ngu muội. Khi nhận ra rằng mình đã vấp thêm lần nữa thì muộn. Đời sống thật nhọc nhằn, mỗi lần chiếc bẫy lại đặt dưới dạng khác nhau mà ở những nơi ít ai ngờ tới. Mà nghĩ lại, cũng chẳng phải do đường gồ ghề khúc khuỷu, mà vấp ngay trên đường bằng. Từ tự thân hay như một cố tật, giống như chuột rút trên đường bơi, đâu phải vì nước lạnh mà chính bởi kẻ bơi mà thôi.

 

Càng cao tuổi người ta lại càng dễ bị tàn phá, đôi khi bởi những điều vô lối. Sự trừng phạt cho những kẻ đa tình yếu đuối có lẽ là tuổi già. Khi sức lực không đủ chi cho một nụ hôn dài nghẹt thở hay chiều theo cơn điên bất chợt của người tình, đáng sợ hơn cái chết, đó là vệt roi vút đúng vào niềm kiêu hãnh.

Thất vọng ghê gớm khi gặp Oki của hai mươi năm sau, nhân vật phong tình mãnh liệt ngày nào đã thành một ông già. Trí tưởng tượng còn đấy nhưng thân xác không vùng vẫy theo kịp nó nữa.

Và hờn ghen với ông ta, bởi Otoko sau bao năm tháng vẫn còn yêu ông ta, không chút so bì.

Tôi nghĩ, Keiko là một phần thân thể Otoko, là phần của nàng mà tôi muốn, vẫn yêu Oki nhưng vẫn muốn trả thù, cho tuổi xuân chết trẻ, cho đứa con sinh non, cho những tháng ngày cô độc…

Cơn ghen của Keiko đã biến thành tai hoạ, kết quả là cái chết của Taichiro. Một Taichiro đơn giản, thành thật không đáng bị như thế.

Oki chắc chẳng thể sống yên ổn trong phần đời còn lại, cũng như Otoko, Oki sẽ phải nếm trải nỗi đau mất con, mà còn đau xót hơn bởi Taichiro đã hiện hữu trong đời bằng xương bằng thịt.

Còn Otoko, chắc nàng đau đớn hơn, bởi nàng đã đang muốn vùi chôn mọi sự, đang sống một cuộc sống khác, nay thì mọi thứ đã rối tung như đầu cuộn chỉ bị gỡ mà không kiểm soát được. Giữa Keiko và nàng liệu có thể như xưa? Chắc chắn là không rồi.

Tôi nghĩ Keiko sẽ vào viện tâm thần vĩnh viễn, Otoko sẽ chẳng vẽ được bức tranh nào nữa hết. Nàng sẽ chỉ là một kẻ chiêm nghiệm cho suốt phần đời còn lại.

“Dòng sông thời gian là một cho mọi người, nhưng mỗi người trôi đi trong dòng sông ấy khác nhau”.

Trôi đi bằng cách nào có quan trọng gì, nếu sau hết thảy đều để hoà tan ra biển?

 

+ ( *)Trong “Đẹp và Buồn” của Kawabata Yasunari (1899-1972), chương này ấn tượng nhất với tôi. Miêu tả nhiều tiểu tiết của đời sống, những quan sát tỉ mẩn đối với phụ nữ, những suy nghĩ vô cùng là phụ nữ.

+ Làm vướng bận nhất trong tâm trí người đọc đối với cuốn sách này, tôi nghĩ, là suy nghĩ đàn bà, đúng hơn là tâm hồn của những phụ nữ, sao quanh co, trắc trở, khó nắm bắt làm vậy?

Hai tạo vật đẹp đẽ của tạo hoá là Otoko và Keiko, phụ nữ hơn tất cả phụ nữ trong sách của K.Yasunari cộng lại, mà lưu ý rằng, trong sách của ông, phụ nữ phần nhiều là đàn bà trẻ con, những cô bé trưởng thành sớm (nhờ đàn ông) đều là những phụ nữ thuần chất nhất, đàn bà nhất trên đời, tưởng sin
h ra là để cho giành cưng nựng yêu thương, mà lại nắm giữ sức mạnh ghê người về cả yêu thương và thù hận.

Tôi vốn vẫn hay nghi ngờ sức mạnh tình yêu của cái đẹp, vẫn thường gán cho nhan sắc những hời hợt, nhạt nhẽo, nông cạn, phù phiếm. Không tin có một Keiko trong đời thật nồng nhiệt trong cả cảm xúc và yêu đương.

+ Không che đậy cũng không tạo tình huống giật gân cho người đọc, ngay từ đầu sự báo thù đã được phơi bày. Cả người bị trả thù lẫn người đi trả thù đều biết. Cả những nạn nhân liên đới cũng biết. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra, như một tiền định.

K. Yasunari đặc trưng nhất cho thứ văn chương “cực đoan, không lối thoát và bệnh hoạn” của Nhật Bản như nhiều người nói chăng?

Nhưng trong “Đẹp và Buồn”, người đọc có thể thấy có nhiều trang tả cảnh thiên nhiên, những tập tục cổ truyền, cũng là những trang đẹp nhất.

Song song với đó là nhiều dự cảm về cái chết, những ân ái bất thường.

Chất chứa mối tuyệt vọng của những tình yêu không lối thoát (của Otoko với Oki, của Keiko với Otoko, của Taichiro với Keiko).

+ Tôi được mặc khải về sức mạnh của gia đình, mạnh hơn cả nghệ thuật chứ đừng nói đến tình yêu. Tình yêu so với sự bền vững của gia đình chỉ là cánh chuồn bay chới với trong bão, trước sau cũng bị gió đánh cho tơi tả.

Và thấy tình cảm giữa Otoko và Keiko là hoàn toàn hợp lý cho dù có phản tự nhiên. Bởi sau từng đấy sóng gió, việc nàng còn rung động bởi một người đàn ông khác sau Oki mới là vô lý.

+ Sự tồn tại của những mưu toan, sắp đặt của/ hay chính con người mới thực sự là phi lý, điên rồ. Ngay cả trong cái chết tưởng theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên cũng ẩn chứa những điều vô lý. Chỉ còn hoài nghi.