SÁCH MÀ KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH, RỐT CUỘC VẪN LÀ SÁCH THÔI… 

Nhân dịp tranh luận với mấy người bạn về việc dịch bệnh đã khiến xã hội phơi bày những yếu kém của nó (và cả những ưu thế của nó nữa).

Về căn bản, xã hội vẫn vậy, không phải vì có dịch bệnh mà nó tốt nên hay xấu đi, dịch bệnh là cơ hội để thể hiện bản chất xã hội, giống như khi khó khăn/hoạn nạn, sẽ là lúc nhìn thấy con người rõ nhất.

Xã hội nào cũng có điểm mạnh-yếu của nó, vì sự hình thành và phát triển xã hội gắn liền với điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa, bản sắc dân tộc của xã hội đó.

Nhân dịp nhàn rỗi vì dịch bệnh, cơ hội tốt để các bạn đọc sách, tìm hiểu về nguồn gốc/nền tảng, sự hình thành và phát triển của các quốc gia, mạo muội tiến cử vài cuốn sách để các bạn đọc.

1. LỊCH SỬ DÂN TỘC MỸ, Howard Zinn

Về nước Mỹ, vẫn đang giữ vị trí cường quốc xưa nay, chắc các bạn đều đã đọc nhiều sách/thông tin về sự thành công, giàu có của nó rồi.

Nhưng nó đã hình thành và phát triển như thế nào, cuốn sách được đưa vào làm giáo trình tại các trường học ở Mỹ sẽ giúp các bạn hiểu thêm về nước Mỹ, từ những ngày đầu phôi thai của nó, cho đến sự phát triển sau này.

Howard Zinn đã nỗ lực hầu suốt cuộc đời mình để chống chiến tranh, ông tự tả bản thân mình là con người “có phần theo chủ nghĩa vô chính phủ, cũng có chút ủng hộ chủ nghĩa xã hội”.

Như ông từng “đòi” lại công bằng cho chủ nghĩa xã hội rằng, “… Chủ nghĩa xã hội từng có tiếng tốt tại Liên Xô… Nó đã khiến hàng triệu người đọc được báo chí trên khắp cả nước … Về cơ bản, chủ nghĩa xã hội nói rằng, này, hãy xây dựng một xã hội tử tế hơn, tốt đẹp hơn. Hãy chia sẻ mọi thứ. Hãy xây dựng một hệ thống kinh tế sản xuất ra những thứ không phải để làm lợi cho công ty nào đó mà là phục vụ nhu cầu của con người…”

92613003_699646494110722_1411929034945724416_o

Ngoài ra, có một cuốn phân tích chủ yếu về kinh tế Mỹ mà lại dễ đọc, đó chính là ECONOMIX  trong đó đã đưa nền kinh tế Mỹ ra làm ví dụ để phân tích sự phát triển của các nền kinh tế nói chung.

Mọi người sẽ thấy, nước Mỹ trong những giai đoạn đầu phát triển kinh tế có những lúc “man rợ” thế nào, ví như cho thịt chuột vào thịt bò đóng hộp chẳng hạn, hay là bán dầu rắn – một loại thuốc kiểu siro được cho là chữa bách bệnh,… mãi đến khi có đạo luật về thực phẩm và dược phẩm mới bớt dần.

Cho nên ta có thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng… thì cũng là đảm bảo quy trình phát triển mà thôi 

2. DENG XIAOPING AND THE TRANSFORMATION OF CHINA, Ezra Vogel

Cuốn này tuy nhắm vào Đặng Tiểu Bình nhưng để làm rõ những cải cách của ông đối với nền kinh tế Trung Quốc, tác giả đã đưa lại cả giai đoạn lịch sử trước đó, những cuộc nội chiến để hình thành nhà nước Trung Quốc hiện tại, cũng như các nhân vật lịch sử/chính trị trong thời của ông.

Ngoài ra, còn có mấy cuốn về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay (tức là giai đoạn sau đổi mới) của tác giả Shaun Rein, trong đó có cuốn THE WAR FOR CHINA’S WALLET, nói rõ hơn về chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc về kinh tế, Trung Quốc sử dụng sức mua lớn của người dân làm đòn trừng phạt hoặc tưởng thưởng cho các quốc gia trong mối quan hệ với nó.

Cả hai cuốn này đều có bản tiếng Việt rồi, nhưng chắc khó mà đến tay bạn đọc được, nên các bạn vui lòng tìm đọc bản tiếng Anh vậy.92042003_699646680777370_329608546347909120_o

3. HỒI SINH SỰ THẦN KỲ NHẬT BẢN, Ryoichi Mikitani & Hiroshi Mikitani

Châu Á còn một đại diện nữa là Nhật Bản, với giai đoạn phát triển “thần kỳ” làm cả thế giới ngỡ ngàng, rồi những thương hiệu đảm bảo chất lượng mà cả thế giới ngưỡng mộ.

Có một chi tiết thú vị trong cuốn The war for China’s wallet, nói rằng Nhật Bản hầu như không chịu ảnh hưởng gì mấy bởi chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, bởi người dân Trung Quốc hết sức tin tưởng chất lượng hàng hóa của Nhật Bản…

Nhưng giai đoạn thần kỳ ấy đã qua đi, mấy năm nay kinh tế Nhật Bản không còn giữ được vị thế của nó, thì trong cuốn sách này sẽ “phẫu tích” xã hội và kinh tế Nhật Bản một cách quyết liệt của hai cha con nhà Mikitani – một giáo sư kinh tế và một doanh chủ (người sáng lập Rakuten), sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội và kinh tế Nhật Bản hiện nay.

92677005_699646840777354_6014011338995531776_o

4. TỪ BEIRUT ĐẾN JERUSALEM, Thomas Friedman

Các bạn hẳn đều biết đến “làn sóng” ngưỡng mộ người Do Thái mấy năm trước đây, sự hình thành và phát triển nhà nước Israel hẳn các bạn đều đã đọc, nhưng có một cái nhìn tổng quan về cả khu vực, mối quan hệ của Israel với các quốc gia trong khu vực, thì cuốn sách của Thomas Friedman sẽ cung cấp một cái nhìn như thế.

Là người gốc Do Thái, Thomas Friedman cũng như nhiều người Do Thái khác đang sống trên khắp thế giới, đều mong muốn một nền hòa bình chung trong khu vực. Ông đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu trong suốt thời gian sống ở Beirust và Jerusalem, để đưa ra các giải pháp khả dĩ, nhưng tất nhiên, việc đưa lý thuyết vào thực tiễn còn rất xa.

Chúng ta đều mong điều tốt đẹp nói chung, nhưng khi đưa ra giải pháp, chúng ta lại bị chi phối bởi điều tốt đẹp của cá nhân mình (cộng đồng mình).

92695902_699646997444005_8158520958366253056_n

5. ĐỐI THOẠI CÙNG PUTIN (cùng đạo diễn Oliver Stone)

Đông Âu luôn là một phần tách biệt của châu Âu, nước Nga với vai trò đại diện cho khu vực này có thể giúp các bạn nhìn rõ hơn về khu vực này.

Bỏ qua những câu hỏi/những phần về cá nhân/con người Putin, thì có nhiều phần về kinh tế, xã hội của nước Nga, nhận thức về vị thế của mình và định hướng phát triển trong bối cảnh thế giới hiện tại.

Như nhận xét của nhà báo Mỹ, Robert Scheer thì Putin “vươn lên nắm quyền ở Nga từ đống tro tàn của Liên bang Xô viết”, “Ông lãnh đạo một xã hội vẫn còn sức mạnh quân sự khủng khiếp nhưng kém thành công hơn nhiều trong những thành tựu kinh tế thời bình”.

92594010_699647150777323_1331016541193371648_n

6. Về Ấn Độ

Trong một cuộc trao đổi ngắn ngủi với Tiến sĩ Kinh tế Trần Đình Thiên, tôi có hỏi ông về nền kinh tế nào sẽ nổi lên sau Trung Quốc, ông có đưa ra một cái tên là Ấn Độ, nhưng cuộc gặp hôm đó quá ngắn, nên tôi không được nghe thêm những phân tích của ông.

Ấn Độ được dự báo như vậy có lẽ bởi mẫu hình tương tự Trung Quốc: diện tích rộng, dân số đông, các điều kiện về môi trường, nhân quyền tương tự như Trung Quốc giai đoạn bắt đầu đổi mới; nghĩa là Ấn Độ sẽ có thể lại có quá trình phát triển tương tự: trở thành công xưởng của thế giới nhờ lợi thế nhân công rẻ,…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán, còn tương lai, chúng ta không thể biết được. Có thể, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với những cú twist như dịch bệnh hiện nay, con người sẽ có rất nhiều máy móc thay thế chẳng hạn, nên nhân công không phải là vấn đề nữa…

 

Ngoài ra, còn khu vực châu Phi, tiếc là tôi chưa đọc được gì về sự phát triển kinh tế ở khu vực này, nhưng để tìm hiểu về tình hình xã hội ở đây, GỖ MUN của nhà báo người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng là một cuốn sách đáng đọc.

Như cách nói của ông, thì chúng ta (châu Âu) vẫn hình dung về châu Phi là “nạn đói, những trẻ em da bọc xương, đất khô nứt nẻ, các khu nhà ổ chuột ở thành thị, những cuộc thảm sát, AIDS,…” Và vội vàng bổ tới cứu trợ.

Trong khi đó, theo ông, điều quan trọng nhất với châu Phi là “nó tồn tại cho chính mình, trong chính mình, một châu lục vĩnh cửu, khép kín, riêng biệt, xứ sở của những rừng chuối, những nương sắn, của rừng rậm, của sa mạc…”

92609464_699647267443978_4388950560645054464_o

Thêm nữa, về khu vực Tây Âu, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh như thế thế nào hẳn ai cũng rõ, và sự phát triển kéo theo sau đó, nhưng còn giờ đây? Các bạn có thể đọc về Brexit, như Brexit: Causes and Consquences của Rudolf Adam để hiểu thêm về tình hình hiện tại và (chút) tương lai.

Để hình thành nên Trái đất, đã có vô số vụ nổ lớn nhỏ, những chấn động địa chấn, đứt gãy đâu đó ở các tầng địa chất, dẫn tới sự hình thành (và có thể cả hủy diệt) nó sau này.

Xét về xã hội, hẳn dịch bệnh này cũng như một chấn động nho nhỏ, có thể gây nên nhưng đứt gãy đâu đó hay thay đổi sâu sa từ trong lòng xã hội, mà có thể phải rất lâu chúng ta mới nhận ra/chứng kiến kết quả của chấn động đó.

Vậy là phải chờ thôi, triệu năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử trái đất, với xã hội thì cần nghìn năm hay cả trăm năm. Thời gian đủ để các bạn đọc nhiều cuốn sách dày 

Bình luận về bài viết này