Thế giới, đối với tôi, chỉ là ẩm thực và tình dục.

Ẩm thực xin đừng hiểu theo nghĩa văn hoa, là việc ăn uống có kèm theo một hàm lượng nghệ thuật nào đấy, một triết lý sâu sa hay những nguyên tắc khoa học bí hiểm. Đơn giản là đồ ăn thức uống mà thôi.

Người ta sẽ bảo bao phát minh vĩ đại, bao cuộc chiến tranh, bao thành tựu kỳ tích của con người… để đâu.

Thực ra thì mấy cuộc chiến đều xoay quanh việc chia lại thị trường/thế giới này, cốt cũng chỉ là tranh cướp của nhau để được phần to hơn, có nhiều tài nguyên hơn, rốt cuộc cũng chỉ là để lo cho miếng ăn của mình, suy ra cũng chỉ vì đồ ăn thức uống mà thôi.

Nghe đâu, một trong những giả thuyết cho việc vì sao người Đức tàn sát người Do Thái là vì người Do Thái giàu, họ tích trữ được lắm tiền nhiều của, và khi phát hiện ra điều này, người Đức đã tìm mọi cách đã giành lấy số của cải ấy. Rốt cuộc, diệt chủng cũng chỉ vì miếng ăn mà thôi.

Còn cái gọi là ẩm thực, hay là nấu nướng ăn uống đi kèm với nghệ thuật hay/và khoa học đối với tôi thật quá phiền hà. Quá trình thực phẩm từ vườn/chuồng/sông ngòi biển cả ao hồ đi vào trong nhà bếp đã là kỳ tích rồi, xong lại đi từ bếp lên bàn/dọn mâm, trải chiếu chẳng cần khoa học nghệ thuật gì đã xứng đáng tuyên dương. Bao công sức trong các quá trình ấy, chẳng gói bao nhiêu nghệ thuật, khoa học rồi còn gì.

Nên với tôi, việc nấu nướng từ quá trình sơ chế đến lúc dọn mâm, dù là luộc rau hay pha bát nước mắm đều xứng đáng là ẩm thực.

Mà mấy cái quy tắc ăn uống ấy gói gọn lại như phương Tây bảo, rằng tôi chỉ ăn những gì mà bà tôi ăn; còn ở ta thì bảo cứ theo các cụ mà làm. Nên mọi thứ có biến ảo thế nào, vẽ rồng vẽ rắn rốt cuộc cũng chỉ là trên nền cũ mà thôi.

Còn nấu nướng chỉ đơn giản là qua lửa hay không qua lửa. Các món không qua lửa thì ít thôi, còn qua lửa thì cũng chỉ là qua lửa trực tiếp (rán, xào…) hay gián tiếp (luộc, hầm, hấp…); chỉ đơn giản thế mà thôi.

Có điều giờ người ta không chỉ ăn lúc đói, người ta ăn cả lúc no; ăn tùy theo tâm trạng, ăn theo cảnh quan, hoàn cảnh. Tính ra, so với thuở đói ăn, người ta càng ngày ăn càng nhiều hơn. Rồi sau đó người ta lại còn vẽ ra ăn kiêng, ăn lành mạnh…

Về bản chất, tôi là một kẻ đói ăn điển hình của vùng đồng bằng miền Bắc, của một vùng lúa nước mấy ngàn năm, nên với tôi có tinh bột là có sự sống, mọi thứ đều có thể nhịn trừ cơm. Nên ẩm thực với tôi đơn giản là có một nồi cơm ngon, mọi thứ khác chỉ là hỗ trợ cho nồi cơm ấy.

Định nói dông dài cả về những món ăn mà sợ các chiên gia ẩm thực sẽ phẫn nộ mất, bao công lao của họ tôi chỉ phủ nhận trong một dòng là đi tong ư, họ sẽ bày ra mâm cao cỗ đầy mà chỉ cho tôi thấy sức mạnh của nghệ thuật, bao tinh hoa dồn tụ cả vào đấy. Nhưng tôi chỉ cần điều ấy để chứng minh cho điểm ban đầu của tôi, Thế giới chung quy chỉ là ẩm thực và tình dục.

Vế sau này tôi chẳng phải chiên gia (hoặc là chiên gia), bởi cõi âm u ấy ai chẳng nhận mình là đỉnh cao, tinh hoa nhân loại, mỗi người đều là một bậc thầy của ai đó trong đời. Nên thôi, tôi sẽ chẳng phát ngôn.

Đúng một năm cho khối thất vọng của tôi mòn dần đi. Nhưng không như tôi dự đoán, nỗi thất vọng không tan nhanh như thế. Nhiều khi tôi tưởng như thể là nó còn nguyên đấy. Chỉ chính tôi đang mòn (mỏi) dần đi, vừa lười nhác, vừa chán chường, trì độn, lại còn tham lam và sợ tuổi già nữa.

Có lẽ đấy là bệnh già, tôi thấy tôi đã có tất cả những chứng tật của người già rồi, cái mới không lưu cái cũ không xóa nổi; chuyện cũ nói mãi, và người thì cũng mỗi ngày một cũ đi.

Hôm nay tự dưng tôi nhớ lại thuở tuổi trẻ, thuở điên rồ mà (chúng) tôi tưởng mình có thể cứu thế giới, nhưng rốt cuộc, tôi chỉ loay hoay để sống chật vật đời mình, mười năm trôi đi vô ích.

Rồi những chuyện buồn xưa cũ, những đổ vỡ mất mát bỗng ùa cả về, lại trăn trở câu hỏi cũ, rằng ta làm thế đúng hay sai? Nếu được làm lại liệu ta sẽ làm thế nào? Có tốt hơn không?

Nhưng ai cũng chỉ có một cuộc đời, thời gian một chiều nghiệt ngã, không thể nào làm lại, mọi sự đã an bài.

Hôm nay. Tôi già.