SÁCH MÀ KHÔNG PHẢI LÀ SÁCH, RỐT CUỘC VẪN LÀ SÁCH THÔI… 

Nhân dịp tranh luận với mấy người bạn về việc dịch bệnh đã khiến xã hội phơi bày những yếu kém của nó (và cả những ưu thế của nó nữa).

Về căn bản, xã hội vẫn vậy, không phải vì có dịch bệnh mà nó tốt nên hay xấu đi, dịch bệnh là cơ hội để thể hiện bản chất xã hội, giống như khi khó khăn/hoạn nạn, sẽ là lúc nhìn thấy con người rõ nhất.

Xã hội nào cũng có điểm mạnh-yếu của nó, vì sự hình thành và phát triển xã hội gắn liền với điều kiện địa lý, khí hậu, văn hóa, bản sắc dân tộc của xã hội đó.

Nhân dịp nhàn rỗi vì dịch bệnh, cơ hội tốt để các bạn đọc sách, tìm hiểu về nguồn gốc/nền tảng, sự hình thành và phát triển của các quốc gia, mạo muội tiến cử vài cuốn sách để các bạn đọc.

1. LỊCH SỬ DÂN TỘC MỸ, Howard Zinn

Về nước Mỹ, vẫn đang giữ vị trí cường quốc xưa nay, chắc các bạn đều đã đọc nhiều sách/thông tin về sự thành công, giàu có của nó rồi.

Nhưng nó đã hình thành và phát triển như thế nào, cuốn sách được đưa vào làm giáo trình tại các trường học ở Mỹ sẽ giúp các bạn hiểu thêm về nước Mỹ, từ những ngày đầu phôi thai của nó, cho đến sự phát triển sau này.

Howard Zinn đã nỗ lực hầu suốt cuộc đời mình để chống chiến tranh, ông tự tả bản thân mình là con người “có phần theo chủ nghĩa vô chính phủ, cũng có chút ủng hộ chủ nghĩa xã hội”.

Như ông từng “đòi” lại công bằng cho chủ nghĩa xã hội rằng, “… Chủ nghĩa xã hội từng có tiếng tốt tại Liên Xô… Nó đã khiến hàng triệu người đọc được báo chí trên khắp cả nước … Về cơ bản, chủ nghĩa xã hội nói rằng, này, hãy xây dựng một xã hội tử tế hơn, tốt đẹp hơn. Hãy chia sẻ mọi thứ. Hãy xây dựng một hệ thống kinh tế sản xuất ra những thứ không phải để làm lợi cho công ty nào đó mà là phục vụ nhu cầu của con người…”

92613003_699646494110722_1411929034945724416_o

Ngoài ra, có một cuốn phân tích chủ yếu về kinh tế Mỹ mà lại dễ đọc, đó chính là ECONOMIX  trong đó đã đưa nền kinh tế Mỹ ra làm ví dụ để phân tích sự phát triển của các nền kinh tế nói chung.

Mọi người sẽ thấy, nước Mỹ trong những giai đoạn đầu phát triển kinh tế có những lúc “man rợ” thế nào, ví như cho thịt chuột vào thịt bò đóng hộp chẳng hạn, hay là bán dầu rắn – một loại thuốc kiểu siro được cho là chữa bách bệnh,… mãi đến khi có đạo luật về thực phẩm và dược phẩm mới bớt dần.

Cho nên ta có thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng… thì cũng là đảm bảo quy trình phát triển mà thôi 

2. DENG XIAOPING AND THE TRANSFORMATION OF CHINA, Ezra Vogel

Cuốn này tuy nhắm vào Đặng Tiểu Bình nhưng để làm rõ những cải cách của ông đối với nền kinh tế Trung Quốc, tác giả đã đưa lại cả giai đoạn lịch sử trước đó, những cuộc nội chiến để hình thành nhà nước Trung Quốc hiện tại, cũng như các nhân vật lịch sử/chính trị trong thời của ông.

Ngoài ra, còn có mấy cuốn về sự phát triển của kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay (tức là giai đoạn sau đổi mới) của tác giả Shaun Rein, trong đó có cuốn THE WAR FOR CHINA’S WALLET, nói rõ hơn về chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc về kinh tế, Trung Quốc sử dụng sức mua lớn của người dân làm đòn trừng phạt hoặc tưởng thưởng cho các quốc gia trong mối quan hệ với nó.

Cả hai cuốn này đều có bản tiếng Việt rồi, nhưng chắc khó mà đến tay bạn đọc được, nên các bạn vui lòng tìm đọc bản tiếng Anh vậy.92042003_699646680777370_329608546347909120_o

3. HỒI SINH SỰ THẦN KỲ NHẬT BẢN, Ryoichi Mikitani & Hiroshi Mikitani

Châu Á còn một đại diện nữa là Nhật Bản, với giai đoạn phát triển “thần kỳ” làm cả thế giới ngỡ ngàng, rồi những thương hiệu đảm bảo chất lượng mà cả thế giới ngưỡng mộ.

Có một chi tiết thú vị trong cuốn The war for China’s wallet, nói rằng Nhật Bản hầu như không chịu ảnh hưởng gì mấy bởi chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, bởi người dân Trung Quốc hết sức tin tưởng chất lượng hàng hóa của Nhật Bản…

Nhưng giai đoạn thần kỳ ấy đã qua đi, mấy năm nay kinh tế Nhật Bản không còn giữ được vị thế của nó, thì trong cuốn sách này sẽ “phẫu tích” xã hội và kinh tế Nhật Bản một cách quyết liệt của hai cha con nhà Mikitani – một giáo sư kinh tế và một doanh chủ (người sáng lập Rakuten), sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về sự phát triển của xã hội và kinh tế Nhật Bản hiện nay.

92677005_699646840777354_6014011338995531776_o

4. TỪ BEIRUT ĐẾN JERUSALEM, Thomas Friedman

Các bạn hẳn đều biết đến “làn sóng” ngưỡng mộ người Do Thái mấy năm trước đây, sự hình thành và phát triển nhà nước Israel hẳn các bạn đều đã đọc, nhưng có một cái nhìn tổng quan về cả khu vực, mối quan hệ của Israel với các quốc gia trong khu vực, thì cuốn sách của Thomas Friedman sẽ cung cấp một cái nhìn như thế.

Là người gốc Do Thái, Thomas Friedman cũng như nhiều người Do Thái khác đang sống trên khắp thế giới, đều mong muốn một nền hòa bình chung trong khu vực. Ông đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu trong suốt thời gian sống ở Beirust và Jerusalem, để đưa ra các giải pháp khả dĩ, nhưng tất nhiên, việc đưa lý thuyết vào thực tiễn còn rất xa.

Chúng ta đều mong điều tốt đẹp nói chung, nhưng khi đưa ra giải pháp, chúng ta lại bị chi phối bởi điều tốt đẹp của cá nhân mình (cộng đồng mình).

92695902_699646997444005_8158520958366253056_n

5. ĐỐI THOẠI CÙNG PUTIN (cùng đạo diễn Oliver Stone)

Đông Âu luôn là một phần tách biệt của châu Âu, nước Nga với vai trò đại diện cho khu vực này có thể giúp các bạn nhìn rõ hơn về khu vực này.

Bỏ qua những câu hỏi/những phần về cá nhân/con người Putin, thì có nhiều phần về kinh tế, xã hội của nước Nga, nhận thức về vị thế của mình và định hướng phát triển trong bối cảnh thế giới hiện tại.

Như nhận xét của nhà báo Mỹ, Robert Scheer thì Putin “vươn lên nắm quyền ở Nga từ đống tro tàn của Liên bang Xô viết”, “Ông lãnh đạo một xã hội vẫn còn sức mạnh quân sự khủng khiếp nhưng kém thành công hơn nhiều trong những thành tựu kinh tế thời bình”.

92594010_699647150777323_1331016541193371648_n

6. Về Ấn Độ

Trong một cuộc trao đổi ngắn ngủi với Tiến sĩ Kinh tế Trần Đình Thiên, tôi có hỏi ông về nền kinh tế nào sẽ nổi lên sau Trung Quốc, ông có đưa ra một cái tên là Ấn Độ, nhưng cuộc gặp hôm đó quá ngắn, nên tôi không được nghe thêm những phân tích của ông.

Ấn Độ được dự báo như vậy có lẽ bởi mẫu hình tương tự Trung Quốc: diện tích rộng, dân số đông, các điều kiện về môi trường, nhân quyền tương tự như Trung Quốc giai đoạn bắt đầu đổi mới; nghĩa là Ấn Độ sẽ có thể lại có quá trình phát triển tương tự: trở thành công xưởng của thế giới nhờ lợi thế nhân công rẻ,…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán, còn tương lai, chúng ta không thể biết được. Có thể, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ cùng với những cú twist như dịch bệnh hiện nay, con người sẽ có rất nhiều máy móc thay thế chẳng hạn, nên nhân công không phải là vấn đề nữa…

 

Ngoài ra, còn khu vực châu Phi, tiếc là tôi chưa đọc được gì về sự phát triển kinh tế ở khu vực này, nhưng để tìm hiểu về tình hình xã hội ở đây, GỖ MUN của nhà báo người Ba Lan Ryszard Kapuscinski cũng là một cuốn sách đáng đọc.

Như cách nói của ông, thì chúng ta (châu Âu) vẫn hình dung về châu Phi là “nạn đói, những trẻ em da bọc xương, đất khô nứt nẻ, các khu nhà ổ chuột ở thành thị, những cuộc thảm sát, AIDS,…” Và vội vàng bổ tới cứu trợ.

Trong khi đó, theo ông, điều quan trọng nhất với châu Phi là “nó tồn tại cho chính mình, trong chính mình, một châu lục vĩnh cửu, khép kín, riêng biệt, xứ sở của những rừng chuối, những nương sắn, của rừng rậm, của sa mạc…”

92609464_699647267443978_4388950560645054464_o

Thêm nữa, về khu vực Tây Âu, cuộc cách mạng công nghiệp ở Anh như thế thế nào hẳn ai cũng rõ, và sự phát triển kéo theo sau đó, nhưng còn giờ đây? Các bạn có thể đọc về Brexit, như Brexit: Causes and Consquences của Rudolf Adam để hiểu thêm về tình hình hiện tại và (chút) tương lai.

Để hình thành nên Trái đất, đã có vô số vụ nổ lớn nhỏ, những chấn động địa chấn, đứt gãy đâu đó ở các tầng địa chất, dẫn tới sự hình thành (và có thể cả hủy diệt) nó sau này.

Xét về xã hội, hẳn dịch bệnh này cũng như một chấn động nho nhỏ, có thể gây nên nhưng đứt gãy đâu đó hay thay đổi sâu sa từ trong lòng xã hội, mà có thể phải rất lâu chúng ta mới nhận ra/chứng kiến kết quả của chấn động đó.

Vậy là phải chờ thôi, triệu năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử trái đất, với xã hội thì cần nghìn năm hay cả trăm năm. Thời gian đủ để các bạn đọc nhiều cuốn sách dày 

Hôm qua tôi đến văn phòng, theo lịch thì đợt giãn cách xã hội kéo dài đã hết hạn, văn phòng chưa có thông báo mới, nhưng vì có vài việc cần đến văn phòng mới làm được cho xong, trả cho bên sản xuất mấy tài liệu…

Sáng ra trời đã mưa nho nhỏ, nghe đâu trời trở gió; sau mấy hôm nắng tươi và oi nóng, trời sẽ lại chuyển sang gió bấc; tôi nghe nói vậy chứ cũng không xem bản tin thời tiết, xem lạnh vì sao; chắc không còn rét cô Bân nữa rồi, vì tính tháng âm thì cũng sắp sang tháng Tư, hôm qua là ngày cuối tháng…

Đường phố đã đông dần lên, đi ngoài đường chính thì cảm giác như thể những ngày xưa đã quay trở lại, chỉ vắng xe taxi, Hà Nội dường như không bao giờ chịu ngừng lại, dòng người-xe chỉ giảm đi đôi chút những ngày dịch bệnh, nên chỉ số không khí vẫn tệ hại như vậy, tệ nhất trong cả nước, và có lẽ, tệ nhất trong khu vực, còn xếp hàng thế giới thì nghe đâu cũng có vinh dự đứng nhất dăm ba lần…

Đi vào trong các đường ngõ nhỏ thì vắng vẻ hơn so với phố chính, còn so với ngày thường trước đây thì rất vắng.

Lá sấu rụng đầy, báo hiệu một đầu mùa hè thật đẹp, lá sấu không bị nát nhừ xấu xí như lá lộc vừng, lá sấu rụng rồi mà vẫn vàng óng, những mặt ngõ trải đầy lá sấu, rồi cả hoa sấu nữa, rụng đều như một tấm thảm trắng xanh…

Trong tôi lại cái ý nghĩ ấy vang lên, rằng thiên nhiên tươi đẹp quá, mà chúng ta lại yếu ớt thế này…

Quãng 5 giờ chiều, tôi rời văn phòng, thời tiết dễ chịu, mát mẻ, tôi đã chứng kiến một buổi chiều buông thật chậm mà lâu lắm tôi mới thấy…

Chỉ khi đi lên núi, giữa những nơi ít người, không có ánh đèn, ta mới được thấy buổi hoàng hôn rõ nét như thế, ánh mặt trời tắt đã lâu, bóng tối bắt đầu buông xuống những ngọn cây, vòm trời vẫn sáng, chưa đến mức phải bật đèn, nhưng có thấy cái bóng tối từ từ đổ xuống…

Con ngõ nhỏ vắng người qua lại, đúng không khí buổi hoàng hôn, mùi ngọc lan buổi chiều bao giờ cũng đậm hơn, rồi đám hoa sấu bị người qua lại giẫm bẹp tỏa mùi chua đặc trưng, tôi cảm thấy như thể cái buổi chiều này đang từ từ đổ xuống thật chậm từ trên trời cao, kéo những mùi hương, những bóng tối xuống thật chậm, thật đẹp…

Những hàng quán lác đác mở ra lúc ban sáng giờ đã dọn dẹp để đóng cửa, có khi cả dãy chỉ có một siêu thị nho nhỏ mở cửa, những ánh đèn sáng rực của các cửa hàng trước kia khiến tôi chẳng thấy ánh chiều đổ xuống, giờ không thắp nữa, khiến phố thị thật đìu hiu.

Có lẽ sự phồn hoa của đô thị tạo thành bởi ánh đèn ấy, nó thật lung linh huyền ảo lúc đêm về, đuổi hết bóng tối đe dọa ra xa. Con người bị thu hút bởi ánh sáng có lẽ bởi hàng nghìn (hay hàng triệu nhỉ?) năm sống trong những khu rừng rú xa xôi, những hang hốc tối tăm; khi phát hiện ra thứ ánh sáng có thể đuổi thú dữ, còn khiến người ta cũng không sợ những thứ không tên vốn vẫn được khắc họa bằng bóng tối, bởi chẳng thấy gì nên trí tưởng tượng con người mới vẽ ra đủ thứ.

Kể từ đó, họ chẳng muốn tắt đi ánh đèn, những nơi đô thị được họ gắn cho cái tên thành phố không ngủ, v.v… Còn được gây tiếng ồn bởi dòng người bất tận trong ăn uống, chơi đùa, biến nó thành chốn sống ồn ào mà người ta lầm tưởng là vui thú, ngày này qua ngày khác.

Nhìn những cửa hàng dọn sớm, những người bán hàng lặng lẽ như trong một thước phim câm, rồi đám thanh niên đá cầu trên vỉa hè, cảm thấy trở lại thị trấn nào đấy, người ta đóng cửa hàng sớm, người ta quay quần ăn uống trong gia đình trong tối, và người ta đi ngủ quãng 9 giờ…

Có lẽ Hà Nội, cũng như bất cứ đô thị nào trên thế giới, cần quay trở lại nếp sống đơn giản ấy, mà người ta vẫn bảo của một thôn quê nào đấy, bớt đi những ăn uống ồn ào, bớt đi những tụ tập bù khú, môi trường cũng tốt hơn mà con người cũng tốt hơn.

Khi cứ mãi trong cuộc nhậu cuộc vui, người ta cảm thấy như thể phát điên khi không được tụ tập, nhưng rồi cũng phải rèn thói quen mới, khi những quán bia không được mở cửa, điều này sẽ thúc giục những ông chồng về nhà chăm con, thay vì lang thang chờ một cơ hội đầy vô vọng, mà rồi rốt cuộc có thể cũng chỉ dẫn tới việc chăm những đứa con khác…

Những suy nghĩ trong buổi hoàng hôn thật chậm, có lẽ còn kéo lùi lịch sử, người ta đang khiến thế giới này phẳng dẹt cả ra, tất cả đều có chung một nếp sinh hoạt nhanh điên cuồng, họ luôn sợ, trời ơi, đằng kia người ta đã đi từ lâu rồi/đi đến tận chỗ nào rồi, mình cũng phải gấp lên thôi.

Giờ thì, những nhanh nhẹn ấy cũng chả còn mấy tác động, người ta đã biết sợ, biết dừng lại trong chừng mực nào đấy, nhưng vẫn còn những kẻ tham lam vô tận, nhân thể này mà lao vào một guồng mới điên cuồng, không nghỉ…

***

Sáng nay trời mưa to, cơn mưa đen kịt cả bầu trời, rồi mưa luôn gần một giờ đồng hồ, khởi đầu một tháng Tư mới lịch âm, mà năm nay, nhuận tháng Tư, có lẽ sẽ là một mùa hè dài và nóng nực…

Và loài người, như tôi dự đoán (và đoán trúng), tức là loài người ở đây (có lẽ cũng như đa phần loài người ở nhiều nơi khác), bắt đầu hoan hỉ đi lại, tập trung, vui cười, hớn hở, họ coi lệnh dừng giãn cách xã hội (đúng ra là vẫn còn, cho phép việc kinh doanh trở lại, trên một chừng mực phòng bệnh đầy khó khăn) là một thông báo “hết dịch bệnh”.

Không, chẳng nên quá lạc quan, cũng đừng hớn hở trước các cơ hội từ kiếm tiền đến giải trí, Singapore đang gánh đòn đau từ đợt nhiễm trở lại, Nhật Bản nữa, WHO vẫn đang khuyến cáo nguy cơ, đặc biệt với các nước nghèo, có lẽ họ trù liệu, những quốc gia nghèo đói với nguồn ngân sách hạn hẹp, với cơ sở y tế yếu kém và ý thức cũng tương tự, sẽ gánh đòn đau khi vội vã mở cửa với kinh tế, vì các  nguồn tiền đã cạn.

Đành chỉ biết thở dài…

Hôm nay, đã sang đợt giãn cách xã hội thứ hai, kéo dài từ ngày 15 đến ngày 22 tháng Tư, sau đó thì còn phải đợi xem tình hình dịch bệnh có tiến triển tốt không, hoặc xã hội phải đối mặt với quyết định khó khăn, nhưng có lẽ sẽ phải làm, đó là chấp nhận dịch bệnh đó như bất cứ căn bệnh truyền nhiễm nào, dù chưa có vaccine, nhưng vẫn phải sống để chờ đến ngày đó.

Năm nay rét nàng Bân kéo dài, đột nhiên lạnh sau mấy ngày nắng ấm, rồi sau đó trời cứ khật khừ… Người ta hy vọng tháng Tư nắng ấm lên, dịch bệnh sẽ bớt, mà tháng Tư còn lạnh sâu, rồi mưa suốt, một kiểu thời tiết rất hợp với những mầm cây.

Tôi sẽ tìm một mảnh đất thật, để trồng khu vườn và xây ngôi nhà trong đầu lên đó.

***

Ý tưởng về mảnh đất thật khiến bạn bè thân thiết của tôi lo ngại, họ sợ thói cô độc của tôi, ngay giữa đô thị san sát người này, ngay cả khi họ có thể chạy đến chỗ tôi trong dăm mười phút chạy xe, hoặc họ chỉ cần hai nhát bấm là có thể nghe thấy giọng tôi, thì họ cũng thật khó mà “chạm” tới tôi được.

Nếu tôi về một vùng núi nào đó, thì có thể, họ sẽ chẳng bao giờ gặp tôi được nữa, đấy là họ cứ lo lắng thế, chứ gặp tôi thì họ cũng không biết nói năng gì, cũng chẳng biết phải đáp lại thế nào, với đủ “thói” tai quái của tôi.

Họ bàn với tôi, như thể tôi đã mua được mảnh đất thật là hãy cho họ chung phần, vì họ cũng muốn trồng cây, hoặc thực tế hơn, họ muốn mua cùng tôi một mảnh đất, rồi chúng tôi chia nhau mà trồng cấy trên đó (tôi thích cách này, có thêm hàng xóm cũng vui, nhất lại là bạn bè, mà quan trọng là tiền mua đất cũng theo đó mà giảm xuống).

Họ dọa tôi, cuộc sống không dễ dàng đâu nhé, việc nhà nông sẽ vất vả vô cùng, việc sống một mình ở nơi khỉ ho cò gáy lại càng đáng sợ… Thực ra thì họ nói đúng, việc nhà nông rất vất vả, và tôi không định cố gắng làm tất cả, tôi làm trong khả năng mà thôi, tôi biết mình có thể làm đến đâu, còn lại, tiền sẽ giúp rất nhiều trong công việc ấy. Không có sức thì đành thuê chứ cáng làm sao hết được.

Họ bảo, tốt nhất hãy kiếm một người đàn ông mà gánh cùng (chà, tôi thích cách này nhất), nhưng họ lại không tiến cử được cho tôi ai, họ bảo, họ sẽ cố tìm (như họ vẫn cố gắng tìm bao lâu nay)… Họ cũng giục tôi tự thân vận động, giảm bớt các tiêu chí này nọ…

Thật ra, tôi chả có tiêu chí nào, tôi chả có hình bóng cuộc đời nào để mà tìm một cái hình thật nào như thế. Tôi lại nghĩ tới người đàn ông vẫn đeo đuổi bao năm, kiểu như một “người bạn tâm giao”, rằng anh ta cũng có những nỗi đau khổ nào đó (giống tôi?); và anh ta có thể cùng tôi hợp nỗi đau ấy lại cùng chung ngắm.

Không, tôi không thích kiểu ấy, tôi thích kiểu “tôi cũng có đau khổ nào đó (có thể giống cô?), nào ta cũng vứt nó đi và tận hưởng cuộc sống”, thi thoảng anh ta có thể lảm nhảm với tôi về cái nỗi đau khổ giời đánh nào đấy, và tôi có thể hưởng ứng hoặc kệ mẹ nỗi đau của anh ta, để mà tận hưởng cuộc sống của mình, và ngược lại. Nói chung, đời sống là để tận hưởng, chứ không phải là để đau khổ này nọ.

Nhưng dường như anh ta không hiểu cái nguyện vọng ấy của tôi, lúc nào cũng sợ không đau khổ đủ để tôi đồng cảm, nên cứ đau khổ vật vã mãi, còn tôi thì chỉ muốn cuộc sống trần tục, rằng tôi được làm cái công việc của tôi, để mưu sinh và cũng vì thích thú, rồi thì tôi có cái mảnh vườn, tôi sẽ trồng lên đấy đủ cả nhãn lồng, vải thiều, cả dừa cả bưởi, cả chuối cả măng, rồi thì rau chừng dăm loại, có giàn đỗ leo với cây ớt cây canh, à cả hoa hoét này nọ.

Thế thì tôi cần ở anh ta cái gì nhỉ, bạn bè tôi bảo tôi cũng phải yêu cầu phẩm chất chứ, tôi chả có yêu cầu gì, thật, ngoài việc là anh ta chí ít cũng khỏe mạnh (đủ để sống mà đau khổ vật vã chứ hở), có lẽ phẩm chất duy nhất là dũng cảm, lòng can đảm lúc nào tôi cũng thấy ngưỡng mộ ở con người.

Ấy, người ta đã lè lưỡi cả. Chưa gì họ đã bảo tôi đòi hỏi cao quá, lại đòi anh hùng này nọ, phải dũng cảm xông pha, chiến đấu với đời, thế thì không có đâu…

Chà, tôi thì nghĩ đơn giản hơn, chiến đấu với ai trên cái mảnh đất vườn trong tưởng tượng kia chứ, quá lắm thì mấy con sâu với lại bọn ong mật à? Dưng tôi cần người can đảm, ít nhất cũng đủ dũng khí mà ăn những món tôi nấu chứ…

Việc ở nhà khiến tôi thoải mái, ngôi nhà chính là cái áo hợp với tôi, dù với người khác nó có thể lỗi thời và có nhiều bất tiện, nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi “mặc” nó.

Cây mai hoàng yến tôi trồng đã bốn năm nay, dây leo tốt um tùm phủ trên mái nhà và lan sang nhà hàng xóm, nhưng chẳng hề trổ hoa, hoặc tôi cũng chẳng biết được, vì không trèo được lên mái nhà mà nhìn, nay thì ngay chỗ ban công tôi nhìn ra, có chùm nụ bé xíu. Tôi coi đấy như một tín hiệu về thế giới, rồi nó sẽ tốt đẹp như thế.

Thiên nhiên năm nay đẹp như thể chưa từng bao giờ đẹp thế, những hàng lộc vừng, bằng lăng, bàng trổ hàng loạt lộc mới, rồi có hôm tôi bước ra đường, thấy trên đầu một màu xanh mát, không có con người, chúng mới đẹp làm sao.

Mất ngủ đã trở thành căn bệnh mạn tính chăng, tôi chẳng còn ngủ được giấc nào thật sâu, thật ngon chừng 4 tiếng, chỉ chợp mắt trong những mộng mị nặng nề, những cơn đau thắt ngực… Hoặc tôi đã già hoặc chỉ báo xấu về một căn bệnh nào đó, nhưng những ngày này tôi cũng chẳng muốn đi khám nữa, mà nó cũng hệt như năm ngoái thôi.

Trong những đêm mất ngủ, tôi đã xây xong ngôi nhà ven núi, một khoảnh đất nghìn mét vuông tôi đã phạt hết cả cây dại cành khô, để trồng những cây lâu năm và cả đám hoa màu phục vụ cho cuộc sống, mất mấy đêm để dựng một ngôi nhà như ý, cả trong tưởng tượng, tôi cũng dỡ đi xây lại mấy lần…

Rồi tôi sống yên ổn ở đó, giữa đám chó mèo, giữa những cái cây cần nước, cần bắt sâu, cần bón phân, cả lũ gà vịt cần được cho ăn nữa.

Và lại thôi thúc cháy bỏng biết nó thành sự thật…

Xem một bộ phim của Nhật, về cô gái sinh trưởng ở quê, ra thành phố thấy không thể nào hòa nhập, lại quay về nhà, một vùng ven khu rừng nhỏ, tự tay cô làm tất cả, từ cấy lúa đến trồng khoai, khoai lang, khoai tây, hành hoa, hành tây, cà rốt, vào rừng tìm hạt dẻ, hái hồng để phơi, rồi thử nghiệm làm đủ món ăn với các hương vị có quanh nhà… Thật thán phục cô gái ấy, ở tuổi hai mươi đã biết thử nghiệm với cuộc đời mình, đi, rồi trở về, rồi lại đi, để sống cuộc sống hợp với mình nhất.

Cô ấy đã hiểu, cuộc sống ở nông thôn, hay chính xác là cuộc sống của người nông dân, là sẽ năm nào cũng làm những việc như vậy, cứ mùa xuân là trồng khoai tây, rồi cấy lúa, mùa hạ là chăm bón, rồi mùa thu gặt hái, để tích trữ cho mùa đông. Như cô bảo, vừa hết mùa đông là đã lập tức tích trữ cho mùa đông sang năm. Mẹ cô, đã ví cuộc sống ấy là vòng tròn, khiến bà cảm thấy như mình giậm chân tại chỗ, nhưng sau đó, đã nói rằng, dù sao cũng có sự tiến lên, nên đó không phải là vòng tròn mà là vòng xoáy ốc, dẫu sao cũng cảm thấy ta có nhích lên được một chút. Nhưng rồi rốt cuộc bà cũng phải bỏ cuộc sống ấy để tìm một cuộc sống khác.

Có lẽ, con người vốn dĩ là vậy, với những kẻ có ước mơ, không kẻ nào chịu sự tẻ nhạt, luôn muốn điều gì đó khác, khác với cái mình có sẵn, khác với quy luật, khác với sự nhàm tẻ xung quanh.

Nhưng sau khi chạy đuổi một hồi, họ chợt nhận ra, những người dám sống cuộc đời tẻ nhạt ấy ngay từ lúc ban đầu, tự thấy mình có thể đảm đương cho đủ bốn mùa của một năm lúc nào cũng giống hệt nhau mới thật dũng cảm, họ biết sự tẻ nhạt ấy, cuộc sống như “quy luật” ấy, nhưng bằng lòng với nó, sẵn sàng đón nhận đó, và cố gắng, lúc nào cũng vậy, làm tốt nhất có thể. Ta trồng hành vào mùa xuân rồi đến cuối hạ đầu thu sẽ thu hoạch, sẽ phơi cho khô rồi treo lên hiên nhà tích trữ, ta trồng khoai tây cũng vào mùa xuân để đến mùa thu có khoai tây ăn và tích trữ cho mùa đông… Ta dọn tuyết, ta thăm lúa, ta gieo đậu đỏ, ta vào rừng hái rau rừng, hạt dẻ,… Cứ thế, cứ thế, năm nào cũng có bốn mùa, năm nào cũng làm những việc như thế. Mùa thu sẽ có những cơn giông, mùa đông có những cơn bão tuyết, đầu xuân thì trời hửng lên, mùa hè thì nóng bức và lắm côn trùng.

Tôi nghĩ giờ tôi có thể hài lòng với cái vòng tròn ấy, không cần là vòng xoáy ốc, bởi lâu nay, cuộc sống của tôi cũng chỉ là một vòng tròn tẻ nhạt, còn vô tích sự hơn cả họ nhiều. Cảm giác cuộc sống của họ từ chính đôi tay, gieo mầm, bổ củi, chỉ cần họ dừng lại, cuộc sống sẽ dừng lại, không có củi để đốt lò sưởi, sẽ không thể nào qua nổi mùa đông, không gieo những mầm khoai, thì sẽ chết đói…

Kể từ sau ngày 25 tháng Ba, tôi bắt đầu chính thức chuỗi làm việc ở nhà. Một tuần trước đó, đã luân phiên đến văn phòng, để tránh tụ tập quá đông, cũng bởi việc bán hàng trực tiếp tại cửa hàng giảm hẳn, bán online cũng kém, người ta tập trung vào mua nhu yếu phẩm, sách bị xếp xuống những ưu tiên gần cuối cùng, chúng tôi phải chấp nhận từ việc nợ lương đến việc giảm lương, nên thời gian đến văn phòng có thể bớt đi.

Sau đó, ngày 1 tháng Tư, lệnh giãn cách xã hội hay dân chúng vẫn gọi là lệnh cách ly xã hội bắt đầu, với thời hạn 15 ngày, các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, ngày 1 tháng Tư tôi đến văn phòng lấy ít tài liệu, rẽ qua siêu thị mua ít đồ ăn, đường vắng ngắt, các cửa hàng đóng hết khiến đường phố rộng hẳn ra, siêu thị cũng vắng, vì người ta đã mua sắm dồn dập mấy ngày nay rồi, khi tin giãn cách xã hội được hiểu là phong thành, và nguy cơ không có gì mà mua sắm.

Nhưng không phải thế, các siêu thị và cửa hàng nhu yếu phẩm vẫn mở bình thường, khi những ngày này diễn ra, người ta còn dễ dàng mua đồ ăn hơn, vì những người bán hàng online vẫn có đội ngũ chở hàng đến tận nơi.

Ba tuần làm việc ở nhà lại khiến tôi làm việc hiệu quả hơn, vẫn duy trì thời gian biểu như khi đi làm ở văn phòng, còn ngồi được vào bàn làm việc sớm hơn, vì không mất thời gian đi lại, cũng bớt phải giao đãi, nghe hóng đồng nghiệp, nên lại tập trung hơn.

Tin tức cũng trở nên đáng sợ, những ngày trước tôi còn ghi nhật ký phòng dịch, chẳng có gì ngoài con số, tăng lên rất nhanh những ngày đầu, và tin tức về những chuyến bay của người Việt ở nước ngoài trở về. Thế là mấy ngày sau tôi chỉ chụp màn hình số liệu mỗi ngày, thường hay được cập nhật vào buổi chiều, quãng 6h tối. Trong điện thoại của tôi đầy những tấm ảnh đấy.

Đáng sợ có lẽ là tình hình ở Ý, ở Mỹ, rồi Tây Ban Nha, những con số tăng lên chóng mặt, cả người nhiễm lẫn người tử vong. Như thể bị một lời nguyền nào đó, dù họ đã cố hết sức mà vẫn không thể nào ngăn số người nhiễm bệnh và tử vong.

Bởi nhìn con số người nhiễm bệnh là thấy, họ đã phải xét nghiệm một số lượng khổng lồ, chỉ một phần mười của con số đó, cũng khiến hệ thống y tế của Việt Nam sụp đổ.

Điều duy nhất an ủi, là việc cả thế giới hạn chế việc đi lại, các đường bay có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử cùng giảm đến mức gần như về 0 như vậy, và có lẽ cái bộ máy hoạt động điên cuồng bao nhiêu năm nay, như loài người vẫn bảo, lần đầu tiên được quay chậm lại, và có những khi gần như dừng hẳn, một dịp để nó được thở, được nghỉ ngơi.

Có lẽ nhờ thế mà các bầu trời đều xanh trở lại, bớt ô nhiễm đi, các vùng biển, các vùng núi, có lẽ cũng lần đầu tiên được tự do, không bị con người lấn át và bóc lột…