Lên tuổi

Mấy tuần nay bị cái chết ám ảnh, có lẽ vì những người xung quanh ốm đau nhiều quá, lắm bệnh tật (và cả chết chóc) nữa, ý nghĩ về cái chết cứ luẩn quẩn không chịu rời đi.

Nói với T như thế, T bảo, anh cũng thế, anh hay nghĩ hay anh có bệnh gì, hoặc khi bơi giữa dòng sông, anh cũng nghĩ đến nó. Và lúc ấy anh nghĩ tới em…

Sáng nay ngồi nhặt vô số tóc rụng, chợt thấy thương T vô hạn kể, không hiểu nỗi thương ấy vì đâu, vì thân thể ốm o kiệt quệ của T hay là vì tâm tư của T, cuộc sống của T… chỉ thấy thương xót vô cùng. Cũng thấy xót cho chính mình. Quá nhiều lỡ dở, quá nhiều đa đoan.

Về cơ bản vẫn là hèn nhát, nhiều điều mình đang nghĩ về sự sống này, cái chết này, những thân thuộc rồi sẽ phải rời xa, mà không dám nói hết ra những ý nghĩ ấy. Những ám chỉ quẩn quanh, những lời lẽ vu vơ. Vô vọng.

Thôi, cứ sống tiếp đi.

“Phế đô” là “phế đô”

“Phế đô” là tiểu thuyết của tác giả Giả Bình Ao, một nhà văn đương đại của Trung Quốc, sinh ngày 21/2/1953, ông từng là trưởng khoa Nhân văn học – Đại học Kiến trúc và Công nghệ Tây An, từ năm 2016, ông là phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.

Được xuất bản lần đầu tiên năm 1993, vì “yếu tố tình dục” mà cuốn tiểu thuyết đã bị cấm ngay sau đó. Những thông tin về việc cấm xuất bản cuốn sách, các bạn có thể tìm đọc trên mạng, có nhiều chi tiết thú vị, điều thú vị nhất với tôi có lẽ là cuốn sách này đã trôi nổi trên thị trường chợ đen suốt cho tới tận giờ. Dù năm 2003, có tin đồn là cuốn sách được xuất bản chính thức, nhưng sau đó giới chức của ngành xuất bản Trung Quốc đã khẳng định rằng lệnh cấm với tiểu thuyết này vẫn chưa được dỡ bỏ, các thông tin về tái bản đều không xác thực, đó chỉ là do các nhà làm sách tung ra mà thôi. Và kỳ diệu thay, bằng cách nào đó, cuốn sách lại được dịch và xuất bản ở Việt Nam, một sự may mắn bất ngờ…

Như vậy, những thông tin ngoài lề này có thể để cho bạn đọc một hình dung về cuốn sách – có các yếu tố tình dục đến mức bị cấm.

Cuốn tiểu thuyết cũng được gọi là một “Kim Bình Mai” của thời hiện đại. Cuốn tiểu thuyết còn nổi tiếng bởi ở những đoạn cao trào của các cuộc làm tình, tác giả vẽ sáu khung vuông bỏ trống và chú vào đó dòng chữ: “Tác giả cắt bỏ xxx chữ”. Người ta đã nhận xét (có lẽ) nhầm lẫn rằng, cách đó là để cuốn tiểu thuyết thoát khỏi kiểm duyệt, tôi lại cho rằng đó là thủ pháp đặc biệt thú vị của Giả Bình Ao, những ô trống cắt bỏ vì kiểm duyệt đó “kích thích” độc giả hơn nhiều. Bởi con chữ vốn đã kích thích con người tưởng tượng, mà nay lại nói cắt bỏ, khiến người ta còn tưởng tượng nhiều hơn nữa.

Từ đây, tôi xin phép được bỏ qua những chi tiết ngoài lề hay cụ thể như vậy của tác phẩm, để đi vào nội dung của nó.

Cuốn tiểu thuyết dài đến 35 vạn chữ, thật khó để tóm tắt nội dung chỉ trong vài trăm chữ, xin được mạn phép đưa ra vài điểm chính, hy vọng không ảnh hưởng đến những người chưa đọc sách.

Có thể nói đó là những trang ghi chép về cuộc sống ở thành Tây Kinh, xoay quanh đời sống của bốn danh nhân văn hóa lớn gồm: Trang Chi Điệp – nhà văn, Cung Tịnh Nguyên – nhà thư pháp, Nguyễn Tri Phi – nhà soạn kịch, Uông Hy Miên – họa sĩ. Tất cả đều đang ở độ tuổi ngoài bốn mươi, khi vị thế đã tương đối vững vàng, tiền bạc cũng không phải là chuyện phải lo nghĩ.

Trong bốn danh nhân này thì Trang Chi Điệp nổi tiếng nhất, được công chúng biết đến nhiều nhất, và được giới trẻ sùng bái nhất, “nhân vật mũi nhọn số một số hai trên văn đàn thành Tây Kinh…”, cũng nổi tiếng là con người mực thước, chỉn chu, gia đình yên ấm.

Cuộc sống của Trang Chi Điệp đang diễn ra có vẻ êm ả, tốt đẹp như thế, đột nhiên có một bài viết về anh – giống như kiểu những huyền thoại mà chúng ta vẫn hay nghe/đọc về các nhà văn nổi tiếng – nhưng bài viết này lại động chạm đến chuyện tình cảm của Trang Chi Điệp với Cảnh Tuyết Ấm từ khi hai người cùng công tác ở một tạp chí văn nghệ.

Thực tế chuyện chẳng có gì, trong bài viết thì thêm mắm dặm muối, như Trang Chi Điệp sau đó có nói đại ý, giá đừng nêu những thông tin để người ta xác định được cô gái đó là ai thì viết thế nào cũng được, đằng này bài viết lại khiến người ta đoán ra được  nhân vật nữ là ai, sẽ rất phiền hà… Vì Cảnh Tuyết Ấm hiện đã trở thành trưởng phòng trong Sở văn hóa, cũng vốn là con nhà quan chức, thêm nữa cả đôi bên đều đã có gia đình riêng của mình rồi…

Nhưng sự nhạy cảm của Trang Chi Điệp đã muộn, bài viết đã đăng lên, rất thu hút độc giả, chuyện yêu đương của nhà văn nổi tiếng ai chẳng tò mò, nhất là công chúng trẻ và đại chúng. Tất nhiên là bài viết đến tay Cảnh Tuyết Ấm, chị ta nhất định đòi đối chất, đòi được xin lỗi công khai, thậm chí còn dọa ra tòa.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh một vụ kiện manh nha như vậy, một kiểu “chờ Godot” điển hình, người đọc bị cuốn theo các hoạt động của đủ các nhân vật, việc phấp phỏng đợi phiên toàn diễn ra, kết quả thế nào, có thể khiến cho người ta mệt mỏi, mà vẫn cứ phải bỏ thời gian để dõi theo nó.

Ngưu Nguyệt Thanh – vợ của Trang Chi Điệp, một người được nhận xét là hiền thục nết na, lo lắng cho danh tiếng của chồng mà chạy vạy khắp nơi, việc nên làm cũng làm, việc không nên làm cũng làm, nên không biết là tạo phúc hay gây họa nữa. Nhưng người phụ nữ điển hình ấy một mực tin tưởng chồng, bị coi là “văn hóa non” cũng có nỗi khổ, đó là mong muốn có đứa con mà rốt cuộc vì nghe lời lang băm, thầy dùi đủ loại, tốn kém vô số tiền bạc và công sức mà cũng chẳng có kết quả gì.

Chu Mẫn, tác giả bài viết gây họa kia, một thanh niên quê gốc Đồng Quan, cùng quê với Trang Chi Điệp, cũng chạy vạy đủ nơi hòng làm giảm nhẹ bài viết, nhưng tất nhiên lợi ích của anh ta vẫn là trên hết, nên nếu cần phải đổ tiếng xấu xa gì cho Chi Điệp hòng thoát tội cho mình thì cũng sẽ làm.

Rồi Triệu Kinh Ngũ, Hồng Giang vốn mở một hiệu sách với vợ của Trang Chi Điệp, những kẻ trục lợi điển hình, tìm mọi cách lợi dụng danh tiếng của anh để kiếm tiền, hai vợ chồng Chi Điệp mang tiếng có hiệu sách mà chẳng kiếm được mấy đồng, những kẻ ranh ma kia báo lỗ triền miên.

Cuộc sống xã hội diễn ra đại khái là như vậy, sống động, tầm thường như nó vốn thế. Dù là cuộc đời của giới văn nghệ sĩ, thì cũng không thoát khỏi vòng danh lợi, tiền tài, tình ái… Có thể nói không khách khí rằng trong gần một nghìn trang sách, trang nào cũng có cảnh làm tình hoặc ám chỉ chuyện gái trai, nhưng cũng trong những trang sách ấy là những suy nghĩ của những người làm công việc sáng tạo trong quá trình lao động nghệ thuật của mình.

Tôi ấn tượng với những đối thoại giữa Trang Chi Điệp với bạn bè văn nghệ của anh, ví dụ như với Mạnh Vân Phòng – một người bạn thân với anh từ khi còn chưa có tiếng tăm, cũng trong hội văn học nghệ thuật, khi nói rằng người nghệ sĩ cần có gì đó để khác đi, có đủ hết rồi nhưng vẫn cần phải “thiếu” gì đó mới có thể sáng tạo được, mà Chi Điệp gọi là “phá thiếu”.

Rồi kể cả trong việc trao đổi với Nguyễn Tri Phi – thực ra là làm báo cáo cho Tri Phi – về Tần xoang, sự tò mò, háo hức của Trang Chi Điệp với loại hình văn nghệ cổ truyền này.

Con người làm nghệ thuật có lẽ phải luôn giữ được trí tò mò ấy, sự ham hiểu biết ấy, thấy mọi thứ xung quanh đều có chất gì đó có thể chờ ta khám phá, ví dụ như đi qua một ngõ cũ thì nhặt một viên gạch còn nguyên lành “từ đời Hán” mang về để ngắm nghía…

Những chi tiết, những đối thoại ấy là cơ bản trong cuốn sách này, tôi có lẽ không cần nhắc lại. Nhưng tâm điểm của vụ lùm xùm dẫn tới một vụ kiện tụng ầm ĩ kia, Trang Chi Điệp đã làm gì?

Lần đầu tiên trong đời anh có một mối quan hệ ngoài vợ, với vợ của Chu Mẫn – Đường Uyển Nhi, một phụ nữ quê ở Đồng Quan, vô cùng xinh đẹp, tình cảm, vì  phải lòng Chu Mẫn mà bỏ chồng bỏ con tới sống ở Tây Kinh.

Có thể nói, trong canh bạc danh lợi, Trang Chi Điệp đang bị thua thảm hại – danh tiếng ảnh hưởng, tiền bạc tiêu tán – thì trên tình trường, Chi Điệp vào vận đỏ.

Không chỉ lấy được tình cảm của Đường Uyển Nhi, anh còn nhận được bao nhiêu tình cảm của những người phụ nữ khác, trong đó có cả những người mà anh hết sức ngưỡng mộ bấy lâu và không bao giờ dám nghĩ họ có tình cảm với mình (như vợ của Uông Hy Miên)… Hoặc có lẽ, lâu nay họ vẫn quan tâm để ý mà anh không nhận thấy, lúc ấy anh chỉ tập trung vào sáng tác…

Cuộc sống của anh cũng như của Uông Hy Miên, Nguyễn Tri Phi, Cung Tịnh Nguyên, nếu nhìn bằng con mắt thông thường thì có thể nói là cuộc sống sa đọa, kẻ mê cờ bạc, người mê gái, gia đình bỏ bê, con cái hư hỏng.

Người đời có thể bảo, rằng tưởng nghệ sĩ các anh sống thế nào, hóa ra hư hỏng thế, tồi tàn thế… Nhưng cuộc vật lộn ấy ai chẳng phải đối mặt, bằng cách này hay cách khác.

Họ có tài năng, lao động điên cuồng vì thế mà thành tựu lớn lao, đến nửa đời người khi mà danh tiếng và tiền bạc đều đã có, sức sáng tạo cũng bớt dần đi, thậm chí có chút bế tắc, vậy là những cánh cửa khác mới mở ra, xấu có tốt có, mà rốt cuộc, người nghệ sĩ không thể chống chịu được dòng thác lũ của đời sống, bị lôi kéo đi, thổi tung, xé nát, xóa nhòa…

Cung Tịnh Nguyên có câu chua xót rằng, chung quy thì vì mọi thứ dễ dàng quá, anh vẩy tay là ra tiền, nên cậu con trai thấy việc kiếm tiền dễ quá, sinh ra nghiện ngập, phá gia chi tử. Bản thân anh lại ham mê cờ bạc, tam tứ phen bị bắt, mà vào trại thì thấy là Cung Tịnh Nguyên lại nể tình cho ra, đến lần cuối, khi ra ngoài sau khi mất một mớ tiền to, cậu con đã đem bán sạch cả những bức thư pháp mà anh quý nhất để lấy tiền “chuộc” bố. Cung Tịnh Nguyên đau đớn nhận ra, mình tài năng lẫy lừng mà tiếng tăm gắn với cờ bạc, con thì dốt nát, bất tài vô dụng, chợt thấy cuộc sống chẳng còn gì ý nghĩa…

Cái chết của Cung Tịnh Nguyên là mở đầu cho một chuỗi đổ vỡ sau này. Như lời Trang Chi Điệp khi nhận xét về cuộc sống của mình, rằng anh đã tạo ra những con người mới từ những người tình của mình, để họ có lòng dũng cảm tự tin vào cuộc sống mới, nhưng cuối cùng hóa ra là hủy diệt họ, và trong quá trình đó, anh cũng tự hủy diệt chính mình, cả hình tượng, cả danh dự, cả gia đình.

Nói vài dòng ngắn ngủi để lý giải “Phế đô” là gì, e rằng không nói nổi, nhưng xin chép lại tâm tư của chính tác giả khi viết về tác phẩm của mình có lẽ bạn đọc sẽ hiểu hơn, như ông nói, “‘Phế đô’ là ‘Phế đô’”: “Cuộc sống ngày càng là một chiếc búa sắt nặng, tôi không biết sau khi nó đập vỡ kính có rèn tạo thành kiếm sắc hay không? Tôi từng bảo, ‘Phế đô’ là một quyển sách yên ổn linh hồn tôi, cũng từng bảo, ‘Phế đô’ là tác phẩm chặn đứng nỗi hoảng sợ của tôi. Những người sáng tác nói là thể nghiệm cuộc sống đối với tôi, ‘Phế đô’ không chỉ là thể nghiệm cuộc sống, mà gần như là một hình thức khác của cuộc sống…”

Những băn khoăn về cuộc sống là vô tận vô cùng, con người đứng trước cuộc sống với quá nhiều đổi thay, không thể tránh khỏi những rạn nứt, đổ vỡ. Tôi nhớ đến câu nói của Trang Chi Điệp khi bạn bè nói càng ngày càng không hiểu anh, anh cũng có nói đại ý, chính anh cũng không hiểu bản thân mình, “Mình cũng đã từng ngạc nhiên chính mình, không hiểu là thuận theo xã hội hay là đang trụy lạc.”

Thuận theo xã hội có lẽ chính là đang trụy lạc…

* Mọi trích dẫn trong bài theo bản in tiểu thuyết “Phế đô” của tác giả Giả Bình Ao, dịch giả Vũ Công Hoan, NXB Văn học, 2005.

* Trong danh sách muốn tái bản của tôi chính là cuốn tiểu thuyết này, giá có thể tái bản, và “nhặt” bớt đi các lỗi còn sót lại, hẳn sẽ là một bộ tiểu thuyết rất đáng để người ta lưu lại.

* Trong nhật ký của Giả Bình Ao, ông có tâm sự rằng, “Đêm nay ai lại đọc sách của tôi nhỉ? Đọc trong phòng văn, ở đầu giường, trong toa tầu, hay trong bếp? Được gật gù công nhận hay lắc đầu chê bai, khen hay chửi? Nhưng tôi nghĩ chúng ta đều là bầu bạn có duyên. Tôi phải thành tâm cảm ơn các bạn. Mồ chôn của cả, xây trong bụng người, tấm lòng của tôi vĩnh viễn ở trong sự khắt khe phỉ báng và hào hiệp ca ngợi của các bạn.”

Tự dưng cảm thấy thật hồ nghi, với một cuốn tiểu thuyết bị kết luận là suy đồi, cấm xuất bản, mà ông vẫn giành giải Mao thuẫn năm 2008, rồi làm phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Như ở đây, người ta sẽ đánh giá con người, thật khó mà giành giải thưởng hay lên chức nổi với một tác phẩm bị dán nhãn như vậy. Nhưng bên kia, có phải họ đã thoát được khỏi cái tư duy lý lịch, tác phẩm là tác phẩm, con người là con người?

Thế giới, đối với tôi, chỉ là ẩm thực và tình dục.

Ẩm thực xin đừng hiểu theo nghĩa văn hoa, là việc ăn uống có kèm theo một hàm lượng nghệ thuật nào đấy, một triết lý sâu sa hay những nguyên tắc khoa học bí hiểm. Đơn giản là đồ ăn thức uống mà thôi.

Người ta sẽ bảo bao phát minh vĩ đại, bao cuộc chiến tranh, bao thành tựu kỳ tích của con người… để đâu.

Thực ra thì mấy cuộc chiến đều xoay quanh việc chia lại thị trường/thế giới này, cốt cũng chỉ là tranh cướp của nhau để được phần to hơn, có nhiều tài nguyên hơn, rốt cuộc cũng chỉ là để lo cho miếng ăn của mình, suy ra cũng chỉ vì đồ ăn thức uống mà thôi.

Nghe đâu, một trong những giả thuyết cho việc vì sao người Đức tàn sát người Do Thái là vì người Do Thái giàu, họ tích trữ được lắm tiền nhiều của, và khi phát hiện ra điều này, người Đức đã tìm mọi cách đã giành lấy số của cải ấy. Rốt cuộc, diệt chủng cũng chỉ vì miếng ăn mà thôi.

Còn cái gọi là ẩm thực, hay là nấu nướng ăn uống đi kèm với nghệ thuật hay/và khoa học đối với tôi thật quá phiền hà. Quá trình thực phẩm từ vườn/chuồng/sông ngòi biển cả ao hồ đi vào trong nhà bếp đã là kỳ tích rồi, xong lại đi từ bếp lên bàn/dọn mâm, trải chiếu chẳng cần khoa học nghệ thuật gì đã xứng đáng tuyên dương. Bao công sức trong các quá trình ấy, chẳng gói bao nhiêu nghệ thuật, khoa học rồi còn gì.

Nên với tôi, việc nấu nướng từ quá trình sơ chế đến lúc dọn mâm, dù là luộc rau hay pha bát nước mắm đều xứng đáng là ẩm thực.

Mà mấy cái quy tắc ăn uống ấy gói gọn lại như phương Tây bảo, rằng tôi chỉ ăn những gì mà bà tôi ăn; còn ở ta thì bảo cứ theo các cụ mà làm. Nên mọi thứ có biến ảo thế nào, vẽ rồng vẽ rắn rốt cuộc cũng chỉ là trên nền cũ mà thôi.

Còn nấu nướng chỉ đơn giản là qua lửa hay không qua lửa. Các món không qua lửa thì ít thôi, còn qua lửa thì cũng chỉ là qua lửa trực tiếp (rán, xào…) hay gián tiếp (luộc, hầm, hấp…); chỉ đơn giản thế mà thôi.

Có điều giờ người ta không chỉ ăn lúc đói, người ta ăn cả lúc no; ăn tùy theo tâm trạng, ăn theo cảnh quan, hoàn cảnh. Tính ra, so với thuở đói ăn, người ta càng ngày ăn càng nhiều hơn. Rồi sau đó người ta lại còn vẽ ra ăn kiêng, ăn lành mạnh…

Về bản chất, tôi là một kẻ đói ăn điển hình của vùng đồng bằng miền Bắc, của một vùng lúa nước mấy ngàn năm, nên với tôi có tinh bột là có sự sống, mọi thứ đều có thể nhịn trừ cơm. Nên ẩm thực với tôi đơn giản là có một nồi cơm ngon, mọi thứ khác chỉ là hỗ trợ cho nồi cơm ấy.

Định nói dông dài cả về những món ăn mà sợ các chiên gia ẩm thực sẽ phẫn nộ mất, bao công lao của họ tôi chỉ phủ nhận trong một dòng là đi tong ư, họ sẽ bày ra mâm cao cỗ đầy mà chỉ cho tôi thấy sức mạnh của nghệ thuật, bao tinh hoa dồn tụ cả vào đấy. Nhưng tôi chỉ cần điều ấy để chứng minh cho điểm ban đầu của tôi, Thế giới chung quy chỉ là ẩm thực và tình dục.

Vế sau này tôi chẳng phải chiên gia (hoặc là chiên gia), bởi cõi âm u ấy ai chẳng nhận mình là đỉnh cao, tinh hoa nhân loại, mỗi người đều là một bậc thầy của ai đó trong đời. Nên thôi, tôi sẽ chẳng phát ngôn.

Đúng một năm cho khối thất vọng của tôi mòn dần đi. Nhưng không như tôi dự đoán, nỗi thất vọng không tan nhanh như thế. Nhiều khi tôi tưởng như thể là nó còn nguyên đấy. Chỉ chính tôi đang mòn (mỏi) dần đi, vừa lười nhác, vừa chán chường, trì độn, lại còn tham lam và sợ tuổi già nữa.

Có lẽ đấy là bệnh già, tôi thấy tôi đã có tất cả những chứng tật của người già rồi, cái mới không lưu cái cũ không xóa nổi; chuyện cũ nói mãi, và người thì cũng mỗi ngày một cũ đi.

Hôm nay tự dưng tôi nhớ lại thuở tuổi trẻ, thuở điên rồ mà (chúng) tôi tưởng mình có thể cứu thế giới, nhưng rốt cuộc, tôi chỉ loay hoay để sống chật vật đời mình, mười năm trôi đi vô ích.

Rồi những chuyện buồn xưa cũ, những đổ vỡ mất mát bỗng ùa cả về, lại trăn trở câu hỏi cũ, rằng ta làm thế đúng hay sai? Nếu được làm lại liệu ta sẽ làm thế nào? Có tốt hơn không?

Nhưng ai cũng chỉ có một cuộc đời, thời gian một chiều nghiệt ngã, không thể nào làm lại, mọi sự đã an bài.

Hôm nay. Tôi già.

Chiều nay cứ có cảm giác bứt rứt, bồn chồn, chẳng hiểu vì đâu, những nỗi lo vô cớ.

Đến tối, nghe tiếng sáo của Linh thấy buồn kinh khủng. Bình thường Linh thổi vẫn buồn (hay tại vì gương mặt rất tội nghiệp của Linh mà thấy thế nhỉ), mà hôm nay thì thấy buồn hơn, muốn trào nước mắt, cảm thấy thương Linh vô kể.

Lâu rồi mới nghe những khúc ca cũ, những khúc ca gắn với tuổi trẻ u sầu mà dữ dội, nhưng thôi, ta chẳng còn tuổi trẻ nào nữa…

Mọi hẹn hò từ nay khép lại…

Ngày xưa tôi mò mẫm học tiếng Trung với hy vọng hiểu được các chữ viết ở những đền đình miếu mạo cũ, mà khó quá.

Sau mấy người bạn giỏi tiếng Trung bảo ở đấy viết sai/mất lỗi chính tả đầy ra, các sách viết bằng chữ Hán của người Việt ngày xưa cũng nhiều lỗi chính tả, dễ gì mà hiểu được.

Tôi bèn thôi, không ham đọc mấy văn bia, Hán tự viết bừa bãi đầy nơi khắp chốn nữa.

Giờ lọ mọ đi học lại, với hy vọng chỉ để hiểu bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn. Thật là hài. Ở tuổi này còn đọc thơ (tình) làm gì, thầy bảo thế, tôi thì nghĩ hẳn bài thơ chẳng phải chỉ là thơ tình hoặc là mọi bài thơ đều là thơ tình; còn thì ở tuổi nào người ta đọc thơ chẳng được, 70, 80, 90, 100, miễn là người ta còn sống và còn nhớ mặt chữ mà đọc.

Việc cảm hiểu đến đâu lại là chuyện khác. Mà xưa nay, văn chương thi phú vẫn cứ bị/được hiểu sai, hiểu lầm là thường. Làm gì có ai hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh, vị thế của người viết tường tận bằng chính họ mà hiểu được nguồn cơn khiến họ viết; thậm chí cả người trong cuộc tưởng rằng người viết viết về điều này mà hóa ra họ lại viết về điều khác…

Quay trở lại với bài Cẩm sắt kia, người ta cũng bảo là bài thơ khó hiểu, ý nghĩa mênh mông, tôi nghĩ người ta thường chỉ dịch được nghĩa của từ, tức là vẻ ngoài của ngôn ngữ, còn tâm tư sâu thẳm của người viết lúc đưa ra những lời ấy nào ai biết được.

Nhưng có một bài viết của Trương Ái Linh có dẫn hai câu thơ cuối của bài thơ này, và có giải nghĩa rằng tình đã thành dĩ vãng rồi, trong lòng chỉ còn nỗi vấn vương mà thôi, hai chữ vấn vương ấy vừa mơ hồ vừa khoáng đạt, không biết là buồn hay vui, cũng không biết nông sâu cỡ nào; tôi phải lòng hai chữ “vấn vương” ấy.

Dù nhiều người bảo rằng còn lại chỉ là thương đau mới đúng, rồi thì tuyệt vọng, rồi thì hão huyền, phôi pha, nhạt nhòa… Tóm lại là tình đã mất đi rồi, thì rồi mọi thứ cũng phai nhòa đi thôi. Nhưng tôi đã mê chữ vấn vương, một thứ bâng khuâng, nửa chừng, không rõ rệt ấy, cũng như tôi thấy nhiều lần, chẳng có gì còn lại, mọi thứ thật là hư vô.

Lâu lắm rồi mới uống nhiều như vậy, một cữ rượu dài, kéo dài từ mười giờ sáng tới tận ba giờ chiều, mà không thấy say, chỉ thấy buồn, mà đúng hơn là trống không. Một cái rỗng không yên tịnh, không vật vã gì, chỉ thế, im như đêm.

Nhớ đến một bộ phim nào đấy, về một người phụ nữ kiên cường từng bị xâm hại, nhưng đã lựa chọn im lặng để đi tiếp, và rất lâu sau mới đủ can đảm nói ra, không phải để buộc tội hay gì, mà chỉ đơn giản là cần nói, và cổ vũ cho những nạn nhân khác lên tiếng. Lên tiếng không chỉ là để đối mặt với nỗi đau, để vượt qua nó, để cảnh báo những người có thể là nạn nhân, trong chừng mực nào đấy, khi lên tiếng ta trưởng thành.

Khi được một người cũng là nạn nhân hỏi rằng liệu người ta có trở lại bình thường được không, cô ấy đã bảo rằng không, không bao giờ có được cái sự bình thường hay trạng thái như trước đây được nữa, ta chuyển sang một trạng thái mới.

Cũng giống như sau biến cố phi thường nào đấy, liệu người ta có quay trở lại bình thường được không? Câu trả lời trung thực là không. Nếu ta mong quay trở lại trạng thái như trước đây – trước khi biến cố diễn ra; ta sẽ chuyển sang một trạng thái bình thường mới, đôi khi ta thấy nó giống hệt như trước kia, nhưng không bao giờ là thế. Những đau khổ, những mất mát, những sợ hãi, những buồn lo ta đã trải qua chẳng bao giờ mất đi cả. Ta đã trải qua rồi, và giờ chuyển sang một trạng thái mới. Vẫn là ta nếu nhìn từ ngoài, nhưng không ai biết, ta đã phải trải qua những gì, chịu đựng những gì…

Hôm nay buồn quá tôi say/Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung…

Muốn tắm mát lên ngọn con sông đào/Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh… (Lời hát xẩm)

Tôi từng nghĩ, sau biến cố này hẳn mình sẽ chẳng bao giờ khóc nữa, cũng chẳng có gì để thất vọng vô cùng, như cách đây mươi năm. Nhưng không, thế mà vẫn giận run người, vẫn rưng rưng nước mắt, không phải chỉ vì rất buồn, mà còn vì vô cùng thất vọng.

Cái con người từng làm tôi tin có vài điều tốt đẹp ở đời lại khiến tôi rơi vào cái cảm giác mà rất lâu mới gặp phải – cảm giác bị phản bội, bị lừa, rằng hóa ra người ta không phải thế. Có lẽ tôi đã quá ảo tưởng hay là lý tưởng hóa cuộc đời, nên không nhận ra con người thật, mãi ôm ấp ảo tưởng về phần tốt đẹp của con người, vào cái gọi là tình yêu, sự can đảm. Vâng, sau cùng vẫn là sự thất vọng, kỳ vọng về lòng can đảm của con người đã bị cuộc đời đánh bại.

Nhưng đến tuổi này, may mắn cho tôi, nỗi thất vọng không làm tôi gục ngã, cũng không vì thế mà không thấy được niềm vui, dù nỗi buồn sẽ ở lại rất lâu, và có thể chẳng bao giờ mất đi. Như vết cứa đã liền sẹo, mỗi lần nhìn lại như một nhắc nhở, rằng ta đã từng thế nào. Mà nghĩ lại, có những nỗi buồn khổng lồ, những nỗi lo khủng khiếp, thế mà tôi cũng đã vượt qua, và còn quên đi, chỉ vì tình cờ mà nhắc nhớ.

Như thời điểm cách đây gần chục năm, khi ấy công việc làm ăn bết bát, tôi phải chuyển đến một văn phòng nhỏ hơn cho tiết kiệm chi phí (rốt cuộc, cái việc cắt giảm chi phí, xốc lại tình hình kinh doanh ấy cũng không cứu vãn nổi một doanh nghiệp nhỏ bé, bấy bớt, cuối cùng nó đã đổ sụp sau ba năm cầm cự: năm đầu hăng hái, năm hai lo lắng, năm ba muộn phiền, và tôi kéo cày trả nợ cho cái cú làm ăn ấy thêm mấy năm nữa).

Việc dọn đến chỗ mới đã xong, hôm sau tôi quay lại văn phòng cũ để trả nhà cho chủ nhà, cốt là để lấy lại tiền đặt cọc. Chập ấy gần Tết ta, tiền công nợ không thu nổi, nợ thì đầm đìa, tiền tiêu không có, hầu như thu được đồng nào thì trả nợ đồng ấy, chạy xe từ chỗ mới qua chỗ cũ sao mà quá dài, muốn rã tay luôn, mà gần Tết, người đông như kiến.

Văn phòng đã dọn đi trống trơn, tôi ngồi đợi chủ nhà đến kiểm tra nhà cửa, trả họ chìa khóa, nắng mùa đông hanh hanh, giữa căn phòng trống trải, lạnh băng ấy một nỗi buồn bã vô tận ập tới, lo lắng nữa, sợ hãi, hoài nghi, không biết rồi mọi việc sẽ thế nào, tình hình có khả quan hơn không… Rồi chủ nhà gọi điện thoại bảo không đến được, sẽ nhờ người khác đến nhận lại chìa khóa còn tiền thì chuyển khoản sau…

Trong cái lúc ngồi đợi và bao nỗi lo ập đến khiến tôi sợ hãi, đành chạy xuống dưới lầu mua một cốc trà nóng một điếu vina, mang lên ngồi giữa phòng đốt cho đỡ sợ. Giữa cái lúc đang ngồi châm thuốc giữa phòng thì có một người đàn ông đến, bảo là bạn chủ nhà và nhận lại phòng. Tôi cũng không nhớ mặt ông ta, cũng không nhớ có nói gì không, nói chung là sau đó là không nhớ gì nữa. Chỉ nhớ là trả chìa khóa cho ông ta và lủi thủi đi về, giữa trời đông lạnh khô và buồn lo kinh khủng.

Rồi bẵng đi đến dăm bảy năm, cho đến hai năm trước, một hôm cô bạn thân chìa ảnh một người hỏi tôi có nhận ra ai không, tất nhiên là không. Ai? Sếp tao, cô bạn bảo thế. Thế làm sao tôi biết được, tôi đâu có liên quan gì đến ngành của nó. Cô bạn bảo, nhưng ông ấy bảo có biết mày, khi xem ảnh tao và mày chụp. Lần mãi cũng ra, tôi đoán (chỉ đoán thôi) rằng đó chính là cái người đàn ông lấy hộ chìa khóa cho chủ nhà mà tôi từng thuê cách đấy dăm bảy năm. Hẳn ông ta đã “ấn tượng” lắm với cái người đàn bà cô đơn là tôi lúc bấy giờ.

Sự kiện tình cờ cô bạn mang lại ấy nhắc lại cho tôi về cái thời điểm ấy, tôi đã quên mất rằng mình từng buồn bã thế, cô đơn thế, sợ hãi thế. Và khoảnh khắc nhắc lại ấy chợt ập về trong tôi tất cả những cảm xúc lúc bấy giờ mà tôi đã quên đi vì bao nhiêu sự kiện xảy ra sau đó, bao thất bại, bao nhọc nhằn, bao toan tính, nỗi lo lắng và cuộc sống đã kéo tôi trôi qua tất cả những cảm xúc đáng sợ ấy.

Khi đối diện với cảm xúc hiện thời, cái thời khắc cô đơn sợ hãi buồn lo ấy chợt hiện về, giờ thì không nhiều nỗi lo như vậy ngoài nỗi thất vọng bao trùm – nhưng có lẽ một mình nó cũng đủ giết luôn cả một con người (?), tôi nghĩ, rồi sẽ cũng vậy thôi, như cái thời khắc đen tối buồn thảm ấy, tôi cũng sẽ vượt qua, và có thể còn quên đi lúc này, cả thất vọng, nỗi buồn, cả cay đắng, xót xa nữa, cũng sẽ lùi xa.

Trong lòng chợt trào lên cảm giác thương thân. Con người cương cường là tôi rốt cuộc cũng phải hiểu lý lẽ cuộc đời, rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng rõ ràng đen trắng, không phải lúc nào cũng quyết liệt giữa có và không, được tất cả hoặc không gì cả.

Tôi vốn ghét nhất sự thỏa hiệp mà giờ đây cũng đành phải nhượng bộ, từ bỏ hết cả tự trọng và kiêu hãnh để thỏa hiệp, mong giành được một phần ít ỏi nào đấy, hai, ba trong mười phần chứ không được đến năm, sáu.

Thế mà đến cả sự thỏa hiệp, đầu hàng bản thân ấy cũng thất bại, người ta muốn được hết cả mà chẳng chừa cho tôi một mảy may nào.

Sự thất bại ấy giáng cho tôi một đòn đau điếng, không phải là vì bị tổn thương lòng tự trọng hay kiêu hãnh, khi lựa chọn từ bỏ là tôi đã tự làm bản thân rẻ rúng đi rồi, không còn xứng đáng nói đến những thứ đó nữa. Mà cảm thấy rất rõ sự ngây ngô của bản thân mình, người ta không nghĩ gì đến người khác (tôi) ngoài cái tôi to tướng của họ, người ta chỉ cố tìm cách để sao cho họ được nhiều nhất mà không chịu tổn hại chút nào.

Một cuộc thỏa thuận thật bất công bằng và thiếu đi tầm nhìn chung giữa cả đôi bên, sao có thể tựu thành cái gì được chứ? Chẳng có gì thất vọng bằng nỗi thất vọng về con người, tôi vẫn bảo thế, và giờ đây vẫn thế. Nỗi thất vọng ấy sẽ giết cảm xúc của tôi nhanh nhất. Mọi thứ chợt lạnh băng đi. Con người thật hiện ra thật trần trụi, thật thô thiển, thật tham lam và hèn nhát.

Con người tôi xét lại rốt cuộc vẫn là một khối ảo tưởng khổng lồ, con người si mê lý tưởng từ thuở đôi mươi tới giờ vẫn nguyên vẹn, luôn muốn con người đứng lên đấu tranh, nếu không phải vì cộng đồng và xã hội thì chí ít cũng phải vì chính bản thân mình. Tôi không thể chịu nổi sự hèn nhát này. Mà có thể tôi đã sai rồi, người ta hài lòng với thực tại, và chẳng hề muốn đổi thay, cái họ muốn là sự mới mẻ để mua vui, giải trí trong những phút giây trống trải chứ không phải là một sự thay đổi lâu dài, họ không muốn đấu tranh hay làm cách mạng, họ chỉ muốn nhàn thân và thu lợi nhiều nhất về mình, thế thôi.

Trời mấy hôm nay u ám quá, trưa qua còn mưa lây phây như mưa xuân, chắc là sắp lạnh và trời sẽ chuyển hẳn sang đông. Còn tôi thì đã đang ở giữa mùa đông đời người…

HÓA VÀNG KỶ NIỆM

Năm nay lạnh sớm, trời đánh cắp mất mùa thu.

Được dăm ngày nắng đẹp, gió heo may rồi triền miên mưa cả tuần. Ở cái xứ này mưa nhiều quá, bất kể mùa, kể cả mùa khô cũng có mưa. Nên tôi thấy thật tò mò về những vùng có khi cả mùa – sáu tháng trời – không có giọt mưa nào, làm sao người ta có thể chịu đựng thời tiết như thế nhỉ? Không có cảm giác được gột rửa, cây cối sau mưa sạch sẽ, thậm chí cả bầu trời, cả thế gian đều quang quẻ, tươi mới. Tôi sẽ không thể nào chịu nổi nếu cả mùa hè không có trận mưa nào; cũng không chịu nổi nếu thiếu đi những trận mưa chuyển mùa, báo cái lạnh sắp sang hoặc báo mùa xuân sắp tới.

Dù giờ đây trời lành lạnh, cái rét sớm về cùng mưa bão, cảm giác ở trong nhà nghe mưa lách tách ngoài kia, vừa buồn bã vừa hạnh phúc, hạnh phúc là được ở trong nhà, được nằm trong chăn ấm, nghe rét mướt vần vũ bên ngoài. Cái hạnh phúc trì độn mà tôi vẫn ưa tận hưởng.

Cũng nhân mưa gió, trời bớt hanh hao mà tôi đem những thư từ, ghi chép cũ ra hóa bớt. Như một sự thu dọn dần dần, đằng nào thì cũng chẳng còn có giá trị gì với ai, thậm chí với cả chính người ghi chép chúng, đọc lại những cuốn sổ đầy các ghi chép, cũng hơi ngạc nhiên khi người đó lại là tôi, bây giờ.

Công cuộc hóa vàng kỷ niệm chắc cũng phải tốn nhiều ngày, việc đọc lại đôi khi lại quá cuốn hút. Và những thư từ bè bạn gửi cho, chúng tôi từng như thế đó, mà ngoảnh lại có đến gần hai mươi năm không gặp lại nhau kể từ ngày ghi trên thư, cuộc sống của nhau vẫn biết mà chẳng bao giờ dừng lại hỏi nhau thêm nữa. Như thể một nhân vật trên sân khấu, hết vai của mình rồi là đi luôn vào cánh gà cuộc đời.

Những lá thư đầy say mê, lá thư thì đau đớn, một tuổi trẻ sục sôi, lãng mạn, và thật là nghèo.

Có những lá thư mới mẻ, như một nhật ký hành trình về con người và vùng đất, những nơi bạn qua, bạn ghi cả lại và gửi cho tôi, những khung trời xa xôi, từ châu Âu, châu Đại dương, cuộc sống muôn màu, và mỗi chúng tôi hưởng vài sắc màu trong đó, rồi chia sẻ cho nhau. Điều ấy đã thật đẹp, chưa cần đến việc chúng tôi có thể biết thêm những màu sắc cuộc sống khác từ bạn bè.

Rồi dần dần, chúng tôi không còn san sẻ với nhau những điều ấy, chúng tôi cảm thấy nó không đáng nói hay là không còn muốn nói, hay người muốn chia sẻ đã không còn nghe nữa?

Tôi luôn bảo, không phải là cảnh đẹp, mà là cái cảm giác được san sẻ cùng ai đó cái đẹp đó, khoảnh khắc nhìn ngắm nó, và sự đồng cảm với nhau mới thật là đáng kể. Nhưng không phải lúc nào cũng có cái người ấy ở cạnh bên, hoặc là không bao giờ có nữa, nên việc chia sẻ, nói lên những điều chất chứa thật khó khăn.

Người ta bảo, sự bi ai không phải là không có được thứ gì đó, mà là có được rồi lại làm mất nó. Mà tôi thì đã mất quá nhiều.

Hôm nay lại một phen hóa vàng kỷ niệm, không chỉ đưa chúng ra khỏi những ngăn kéo của tủ sách, mà còn phải xóa sạch chúng trong ngăn kéo trái tim.