“Phế đô” là “phế đô”

“Phế đô” là tiểu thuyết của tác giả Giả Bình Ao, một nhà văn đương đại của Trung Quốc, sinh ngày 21/2/1953, ông từng là trưởng khoa Nhân văn học – Đại học Kiến trúc và Công nghệ Tây An, từ năm 2016, ông là phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc.

Được xuất bản lần đầu tiên năm 1993, vì “yếu tố tình dục” mà cuốn tiểu thuyết đã bị cấm ngay sau đó. Những thông tin về việc cấm xuất bản cuốn sách, các bạn có thể tìm đọc trên mạng, có nhiều chi tiết thú vị, điều thú vị nhất với tôi có lẽ là cuốn sách này đã trôi nổi trên thị trường chợ đen suốt cho tới tận giờ. Dù năm 2003, có tin đồn là cuốn sách được xuất bản chính thức, nhưng sau đó giới chức của ngành xuất bản Trung Quốc đã khẳng định rằng lệnh cấm với tiểu thuyết này vẫn chưa được dỡ bỏ, các thông tin về tái bản đều không xác thực, đó chỉ là do các nhà làm sách tung ra mà thôi. Và kỳ diệu thay, bằng cách nào đó, cuốn sách lại được dịch và xuất bản ở Việt Nam, một sự may mắn bất ngờ…

Như vậy, những thông tin ngoài lề này có thể để cho bạn đọc một hình dung về cuốn sách – có các yếu tố tình dục đến mức bị cấm.

Cuốn tiểu thuyết cũng được gọi là một “Kim Bình Mai” của thời hiện đại. Cuốn tiểu thuyết còn nổi tiếng bởi ở những đoạn cao trào của các cuộc làm tình, tác giả vẽ sáu khung vuông bỏ trống và chú vào đó dòng chữ: “Tác giả cắt bỏ xxx chữ”. Người ta đã nhận xét (có lẽ) nhầm lẫn rằng, cách đó là để cuốn tiểu thuyết thoát khỏi kiểm duyệt, tôi lại cho rằng đó là thủ pháp đặc biệt thú vị của Giả Bình Ao, những ô trống cắt bỏ vì kiểm duyệt đó “kích thích” độc giả hơn nhiều. Bởi con chữ vốn đã kích thích con người tưởng tượng, mà nay lại nói cắt bỏ, khiến người ta còn tưởng tượng nhiều hơn nữa.

Từ đây, tôi xin phép được bỏ qua những chi tiết ngoài lề hay cụ thể như vậy của tác phẩm, để đi vào nội dung của nó.

Cuốn tiểu thuyết dài đến 35 vạn chữ, thật khó để tóm tắt nội dung chỉ trong vài trăm chữ, xin được mạn phép đưa ra vài điểm chính, hy vọng không ảnh hưởng đến những người chưa đọc sách.

Có thể nói đó là những trang ghi chép về cuộc sống ở thành Tây Kinh, xoay quanh đời sống của bốn danh nhân văn hóa lớn gồm: Trang Chi Điệp – nhà văn, Cung Tịnh Nguyên – nhà thư pháp, Nguyễn Tri Phi – nhà soạn kịch, Uông Hy Miên – họa sĩ. Tất cả đều đang ở độ tuổi ngoài bốn mươi, khi vị thế đã tương đối vững vàng, tiền bạc cũng không phải là chuyện phải lo nghĩ.

Trong bốn danh nhân này thì Trang Chi Điệp nổi tiếng nhất, được công chúng biết đến nhiều nhất, và được giới trẻ sùng bái nhất, “nhân vật mũi nhọn số một số hai trên văn đàn thành Tây Kinh…”, cũng nổi tiếng là con người mực thước, chỉn chu, gia đình yên ấm.

Cuộc sống của Trang Chi Điệp đang diễn ra có vẻ êm ả, tốt đẹp như thế, đột nhiên có một bài viết về anh – giống như kiểu những huyền thoại mà chúng ta vẫn hay nghe/đọc về các nhà văn nổi tiếng – nhưng bài viết này lại động chạm đến chuyện tình cảm của Trang Chi Điệp với Cảnh Tuyết Ấm từ khi hai người cùng công tác ở một tạp chí văn nghệ.

Thực tế chuyện chẳng có gì, trong bài viết thì thêm mắm dặm muối, như Trang Chi Điệp sau đó có nói đại ý, giá đừng nêu những thông tin để người ta xác định được cô gái đó là ai thì viết thế nào cũng được, đằng này bài viết lại khiến người ta đoán ra được  nhân vật nữ là ai, sẽ rất phiền hà… Vì Cảnh Tuyết Ấm hiện đã trở thành trưởng phòng trong Sở văn hóa, cũng vốn là con nhà quan chức, thêm nữa cả đôi bên đều đã có gia đình riêng của mình rồi…

Nhưng sự nhạy cảm của Trang Chi Điệp đã muộn, bài viết đã đăng lên, rất thu hút độc giả, chuyện yêu đương của nhà văn nổi tiếng ai chẳng tò mò, nhất là công chúng trẻ và đại chúng. Tất nhiên là bài viết đến tay Cảnh Tuyết Ấm, chị ta nhất định đòi đối chất, đòi được xin lỗi công khai, thậm chí còn dọa ra tòa.

Cuốn tiểu thuyết xoay quanh một vụ kiện manh nha như vậy, một kiểu “chờ Godot” điển hình, người đọc bị cuốn theo các hoạt động của đủ các nhân vật, việc phấp phỏng đợi phiên toàn diễn ra, kết quả thế nào, có thể khiến cho người ta mệt mỏi, mà vẫn cứ phải bỏ thời gian để dõi theo nó.

Ngưu Nguyệt Thanh – vợ của Trang Chi Điệp, một người được nhận xét là hiền thục nết na, lo lắng cho danh tiếng của chồng mà chạy vạy khắp nơi, việc nên làm cũng làm, việc không nên làm cũng làm, nên không biết là tạo phúc hay gây họa nữa. Nhưng người phụ nữ điển hình ấy một mực tin tưởng chồng, bị coi là “văn hóa non” cũng có nỗi khổ, đó là mong muốn có đứa con mà rốt cuộc vì nghe lời lang băm, thầy dùi đủ loại, tốn kém vô số tiền bạc và công sức mà cũng chẳng có kết quả gì.

Chu Mẫn, tác giả bài viết gây họa kia, một thanh niên quê gốc Đồng Quan, cùng quê với Trang Chi Điệp, cũng chạy vạy đủ nơi hòng làm giảm nhẹ bài viết, nhưng tất nhiên lợi ích của anh ta vẫn là trên hết, nên nếu cần phải đổ tiếng xấu xa gì cho Chi Điệp hòng thoát tội cho mình thì cũng sẽ làm.

Rồi Triệu Kinh Ngũ, Hồng Giang vốn mở một hiệu sách với vợ của Trang Chi Điệp, những kẻ trục lợi điển hình, tìm mọi cách lợi dụng danh tiếng của anh để kiếm tiền, hai vợ chồng Chi Điệp mang tiếng có hiệu sách mà chẳng kiếm được mấy đồng, những kẻ ranh ma kia báo lỗ triền miên.

Cuộc sống xã hội diễn ra đại khái là như vậy, sống động, tầm thường như nó vốn thế. Dù là cuộc đời của giới văn nghệ sĩ, thì cũng không thoát khỏi vòng danh lợi, tiền tài, tình ái… Có thể nói không khách khí rằng trong gần một nghìn trang sách, trang nào cũng có cảnh làm tình hoặc ám chỉ chuyện gái trai, nhưng cũng trong những trang sách ấy là những suy nghĩ của những người làm công việc sáng tạo trong quá trình lao động nghệ thuật của mình.

Tôi ấn tượng với những đối thoại giữa Trang Chi Điệp với bạn bè văn nghệ của anh, ví dụ như với Mạnh Vân Phòng – một người bạn thân với anh từ khi còn chưa có tiếng tăm, cũng trong hội văn học nghệ thuật, khi nói rằng người nghệ sĩ cần có gì đó để khác đi, có đủ hết rồi nhưng vẫn cần phải “thiếu” gì đó mới có thể sáng tạo được, mà Chi Điệp gọi là “phá thiếu”.

Rồi kể cả trong việc trao đổi với Nguyễn Tri Phi – thực ra là làm báo cáo cho Tri Phi – về Tần xoang, sự tò mò, háo hức của Trang Chi Điệp với loại hình văn nghệ cổ truyền này.

Con người làm nghệ thuật có lẽ phải luôn giữ được trí tò mò ấy, sự ham hiểu biết ấy, thấy mọi thứ xung quanh đều có chất gì đó có thể chờ ta khám phá, ví dụ như đi qua một ngõ cũ thì nhặt một viên gạch còn nguyên lành “từ đời Hán” mang về để ngắm nghía…

Những chi tiết, những đối thoại ấy là cơ bản trong cuốn sách này, tôi có lẽ không cần nhắc lại. Nhưng tâm điểm của vụ lùm xùm dẫn tới một vụ kiện tụng ầm ĩ kia, Trang Chi Điệp đã làm gì?

Lần đầu tiên trong đời anh có một mối quan hệ ngoài vợ, với vợ của Chu Mẫn – Đường Uyển Nhi, một phụ nữ quê ở Đồng Quan, vô cùng xinh đẹp, tình cảm, vì  phải lòng Chu Mẫn mà bỏ chồng bỏ con tới sống ở Tây Kinh.

Có thể nói, trong canh bạc danh lợi, Trang Chi Điệp đang bị thua thảm hại – danh tiếng ảnh hưởng, tiền bạc tiêu tán – thì trên tình trường, Chi Điệp vào vận đỏ.

Không chỉ lấy được tình cảm của Đường Uyển Nhi, anh còn nhận được bao nhiêu tình cảm của những người phụ nữ khác, trong đó có cả những người mà anh hết sức ngưỡng mộ bấy lâu và không bao giờ dám nghĩ họ có tình cảm với mình (như vợ của Uông Hy Miên)… Hoặc có lẽ, lâu nay họ vẫn quan tâm để ý mà anh không nhận thấy, lúc ấy anh chỉ tập trung vào sáng tác…

Cuộc sống của anh cũng như của Uông Hy Miên, Nguyễn Tri Phi, Cung Tịnh Nguyên, nếu nhìn bằng con mắt thông thường thì có thể nói là cuộc sống sa đọa, kẻ mê cờ bạc, người mê gái, gia đình bỏ bê, con cái hư hỏng.

Người đời có thể bảo, rằng tưởng nghệ sĩ các anh sống thế nào, hóa ra hư hỏng thế, tồi tàn thế… Nhưng cuộc vật lộn ấy ai chẳng phải đối mặt, bằng cách này hay cách khác.

Họ có tài năng, lao động điên cuồng vì thế mà thành tựu lớn lao, đến nửa đời người khi mà danh tiếng và tiền bạc đều đã có, sức sáng tạo cũng bớt dần đi, thậm chí có chút bế tắc, vậy là những cánh cửa khác mới mở ra, xấu có tốt có, mà rốt cuộc, người nghệ sĩ không thể chống chịu được dòng thác lũ của đời sống, bị lôi kéo đi, thổi tung, xé nát, xóa nhòa…

Cung Tịnh Nguyên có câu chua xót rằng, chung quy thì vì mọi thứ dễ dàng quá, anh vẩy tay là ra tiền, nên cậu con trai thấy việc kiếm tiền dễ quá, sinh ra nghiện ngập, phá gia chi tử. Bản thân anh lại ham mê cờ bạc, tam tứ phen bị bắt, mà vào trại thì thấy là Cung Tịnh Nguyên lại nể tình cho ra, đến lần cuối, khi ra ngoài sau khi mất một mớ tiền to, cậu con đã đem bán sạch cả những bức thư pháp mà anh quý nhất để lấy tiền “chuộc” bố. Cung Tịnh Nguyên đau đớn nhận ra, mình tài năng lẫy lừng mà tiếng tăm gắn với cờ bạc, con thì dốt nát, bất tài vô dụng, chợt thấy cuộc sống chẳng còn gì ý nghĩa…

Cái chết của Cung Tịnh Nguyên là mở đầu cho một chuỗi đổ vỡ sau này. Như lời Trang Chi Điệp khi nhận xét về cuộc sống của mình, rằng anh đã tạo ra những con người mới từ những người tình của mình, để họ có lòng dũng cảm tự tin vào cuộc sống mới, nhưng cuối cùng hóa ra là hủy diệt họ, và trong quá trình đó, anh cũng tự hủy diệt chính mình, cả hình tượng, cả danh dự, cả gia đình.

Nói vài dòng ngắn ngủi để lý giải “Phế đô” là gì, e rằng không nói nổi, nhưng xin chép lại tâm tư của chính tác giả khi viết về tác phẩm của mình có lẽ bạn đọc sẽ hiểu hơn, như ông nói, “‘Phế đô’ là ‘Phế đô’”: “Cuộc sống ngày càng là một chiếc búa sắt nặng, tôi không biết sau khi nó đập vỡ kính có rèn tạo thành kiếm sắc hay không? Tôi từng bảo, ‘Phế đô’ là một quyển sách yên ổn linh hồn tôi, cũng từng bảo, ‘Phế đô’ là tác phẩm chặn đứng nỗi hoảng sợ của tôi. Những người sáng tác nói là thể nghiệm cuộc sống đối với tôi, ‘Phế đô’ không chỉ là thể nghiệm cuộc sống, mà gần như là một hình thức khác của cuộc sống…”

Những băn khoăn về cuộc sống là vô tận vô cùng, con người đứng trước cuộc sống với quá nhiều đổi thay, không thể tránh khỏi những rạn nứt, đổ vỡ. Tôi nhớ đến câu nói của Trang Chi Điệp khi bạn bè nói càng ngày càng không hiểu anh, anh cũng có nói đại ý, chính anh cũng không hiểu bản thân mình, “Mình cũng đã từng ngạc nhiên chính mình, không hiểu là thuận theo xã hội hay là đang trụy lạc.”

Thuận theo xã hội có lẽ chính là đang trụy lạc…

* Mọi trích dẫn trong bài theo bản in tiểu thuyết “Phế đô” của tác giả Giả Bình Ao, dịch giả Vũ Công Hoan, NXB Văn học, 2005.

* Trong danh sách muốn tái bản của tôi chính là cuốn tiểu thuyết này, giá có thể tái bản, và “nhặt” bớt đi các lỗi còn sót lại, hẳn sẽ là một bộ tiểu thuyết rất đáng để người ta lưu lại.

* Trong nhật ký của Giả Bình Ao, ông có tâm sự rằng, “Đêm nay ai lại đọc sách của tôi nhỉ? Đọc trong phòng văn, ở đầu giường, trong toa tầu, hay trong bếp? Được gật gù công nhận hay lắc đầu chê bai, khen hay chửi? Nhưng tôi nghĩ chúng ta đều là bầu bạn có duyên. Tôi phải thành tâm cảm ơn các bạn. Mồ chôn của cả, xây trong bụng người, tấm lòng của tôi vĩnh viễn ở trong sự khắt khe phỉ báng và hào hiệp ca ngợi của các bạn.”

Tự dưng cảm thấy thật hồ nghi, với một cuốn tiểu thuyết bị kết luận là suy đồi, cấm xuất bản, mà ông vẫn giành giải Mao thuẫn năm 2008, rồi làm phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Như ở đây, người ta sẽ đánh giá con người, thật khó mà giành giải thưởng hay lên chức nổi với một tác phẩm bị dán nhãn như vậy. Nhưng bên kia, có phải họ đã thoát được khỏi cái tư duy lý lịch, tác phẩm là tác phẩm, con người là con người?

Bình luận về bài viết này