Ngày xưa tôi mò mẫm học tiếng Trung với hy vọng hiểu được các chữ viết ở những đền đình miếu mạo cũ, mà khó quá.

Sau mấy người bạn giỏi tiếng Trung bảo ở đấy viết sai/mất lỗi chính tả đầy ra, các sách viết bằng chữ Hán của người Việt ngày xưa cũng nhiều lỗi chính tả, dễ gì mà hiểu được.

Tôi bèn thôi, không ham đọc mấy văn bia, Hán tự viết bừa bãi đầy nơi khắp chốn nữa.

Giờ lọ mọ đi học lại, với hy vọng chỉ để hiểu bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn. Thật là hài. Ở tuổi này còn đọc thơ (tình) làm gì, thầy bảo thế, tôi thì nghĩ hẳn bài thơ chẳng phải chỉ là thơ tình hoặc là mọi bài thơ đều là thơ tình; còn thì ở tuổi nào người ta đọc thơ chẳng được, 70, 80, 90, 100, miễn là người ta còn sống và còn nhớ mặt chữ mà đọc.

Việc cảm hiểu đến đâu lại là chuyện khác. Mà xưa nay, văn chương thi phú vẫn cứ bị/được hiểu sai, hiểu lầm là thường. Làm gì có ai hiểu rõ tâm tư, hoàn cảnh, vị thế của người viết tường tận bằng chính họ mà hiểu được nguồn cơn khiến họ viết; thậm chí cả người trong cuộc tưởng rằng người viết viết về điều này mà hóa ra họ lại viết về điều khác…

Quay trở lại với bài Cẩm sắt kia, người ta cũng bảo là bài thơ khó hiểu, ý nghĩa mênh mông, tôi nghĩ người ta thường chỉ dịch được nghĩa của từ, tức là vẻ ngoài của ngôn ngữ, còn tâm tư sâu thẳm của người viết lúc đưa ra những lời ấy nào ai biết được.

Nhưng có một bài viết của Trương Ái Linh có dẫn hai câu thơ cuối của bài thơ này, và có giải nghĩa rằng tình đã thành dĩ vãng rồi, trong lòng chỉ còn nỗi vấn vương mà thôi, hai chữ vấn vương ấy vừa mơ hồ vừa khoáng đạt, không biết là buồn hay vui, cũng không biết nông sâu cỡ nào; tôi phải lòng hai chữ “vấn vương” ấy.

Dù nhiều người bảo rằng còn lại chỉ là thương đau mới đúng, rồi thì tuyệt vọng, rồi thì hão huyền, phôi pha, nhạt nhòa… Tóm lại là tình đã mất đi rồi, thì rồi mọi thứ cũng phai nhòa đi thôi. Nhưng tôi đã mê chữ vấn vương, một thứ bâng khuâng, nửa chừng, không rõ rệt ấy, cũng như tôi thấy nhiều lần, chẳng có gì còn lại, mọi thứ thật là hư vô.

Bình luận về bài viết này