Những hư hao mùa hè (*)

“Thuốc bổ tốt nhất cho đàn bà là lấy chồng.”

Đàn ông là thần dược mang cho đàn bà sự sống. Đã là đàn bà thì phải dùng thuốc này.”

“Dù nó là thuốc độc…”

(Yasunari Kawabata)

 

Tôi vốn vẫn yêu thích mùa hè, mọi thứ như trào ra, dâng đầy, nở bung, sáng chói. Bớt đi những khuất lấp che giấu đi bản ngã, có cảm giác như trong mùa này, con người thành thật hơn trước nhau, trước đời, và trước chính bản thân.

Mùa năm nay thật lạ, ngay đầu mùa đã có gió nóng và nắng chói chang, những mưa nắng bất thường mang đến cảm giác như đang bị hoang phế…

 

Otoko mỗi mùa hè lại sút cân, áo quần rộng bớt, như một sự nhắc nhở nàng về tuổi tác, và mối liên hệ máu mủ của nàng với mẹ, bởi hai mẹ con có nhiều điểm giống nhau về thể chất. Nhưng cái chết của mẹ đã chia lìa mối dây giữa hai người, cũng là phạt ngang mối liên hệ tới Oki, bởi mẹ là một phần rợ nối tới mối tình đầu bất hạnh đau đớn của nàng.

Y. Kawabata viết, “Nhưng thời gian có những dòng chảy khác nhau. Như dòng sông, dòng đời có chỗ nhanh chỗ chậm, có chỗ còn dừng lại như nước ao tù. Thời gian vũ trụ tất nhiên là một, nhưng thời gian trong thay đổi với từng người.”

 

Ứng vào mình, cũng đã có những tháng ngày hoang hoải, có những tháng ngày là mặt nước ao tù, chết lặng một chỗ. Tâm tưởng vướng bận, bản năng bướng bỉnh không nghe một thỉnh nguyện nào từ lý trí. Chắc giống Otoko những ngày điên loạn, nhưng không can đảm như nàng, dám tìm đến cái chết, và dám cả phát điên lên.

 

Otoko ngay cả khi ở trong nhà thương điên cũng không oán hận người tình, thậm chí tình yêu của nàng với Oki mấy chục năm sau đó còn nguyên vẹn. Tình yêu ấy đã cầm tù nàng, đã khiến nàng cô độc suốt phần đời còn lại.

Không biết lúc tự vẫn, Otoko có căm ghét bản thân mình không? Bởi bản năng không thắng được lý trí, không gạt được Oki ra ngoài tâm tưởng cho dù chính Oki đã làm hỏng cuộc đời thơ trẻ của nàng, bắt nàng làm mẹ ở tuổi mười bảy. Và vĩnh viễn không biết mặt con, đứa trẻ thiếu tháng tóc đen như trong lời kể của mẹ nàng.

Quên đi lỗi lầm của người khác dễ hơn bỏ qua sai sót của chính mình. Tôi không ôm oán hận bao giờ, nhưng rất khó tha thứ cho bản thân, có lẽ bởi bản tính cẩn trọng và sự nghiêm khắc được rèn tập từ nhỏ trong gia đình. Nên đã rất giận bản thân, vì đã yếu đuối, ươn hèn, thoả hiệp với bản năng một cách ngu muội. Khi nhận ra rằng mình đã vấp thêm lần nữa thì muộn. Đời sống thật nhọc nhằn, mỗi lần chiếc bẫy lại đặt dưới dạng khác nhau mà ở những nơi ít ai ngờ tới. Mà nghĩ lại, cũng chẳng phải do đường gồ ghề khúc khuỷu, mà vấp ngay trên đường bằng. Từ tự thân hay như một cố tật, giống như chuột rút trên đường bơi, đâu phải vì nước lạnh mà chính bởi kẻ bơi mà thôi.

 

Càng cao tuổi người ta lại càng dễ bị tàn phá, đôi khi bởi những điều vô lối. Sự trừng phạt cho những kẻ đa tình yếu đuối có lẽ là tuổi già. Khi sức lực không đủ chi cho một nụ hôn dài nghẹt thở hay chiều theo cơn điên bất chợt của người tình, đáng sợ hơn cái chết, đó là vệt roi vút đúng vào niềm kiêu hãnh.

Thất vọng ghê gớm khi gặp Oki của hai mươi năm sau, nhân vật phong tình mãnh liệt ngày nào đã thành một ông già. Trí tưởng tượng còn đấy nhưng thân xác không vùng vẫy theo kịp nó nữa.

Và hờn ghen với ông ta, bởi Otoko sau bao năm tháng vẫn còn yêu ông ta, không chút so bì.

Tôi nghĩ, Keiko là một phần thân thể Otoko, là phần của nàng mà tôi muốn, vẫn yêu Oki nhưng vẫn muốn trả thù, cho tuổi xuân chết trẻ, cho đứa con sinh non, cho những tháng ngày cô độc…

Cơn ghen của Keiko đã biến thành tai hoạ, kết quả là cái chết của Taichiro. Một Taichiro đơn giản, thành thật không đáng bị như thế.

Oki chắc chẳng thể sống yên ổn trong phần đời còn lại, cũng như Otoko, Oki sẽ phải nếm trải nỗi đau mất con, mà còn đau xót hơn bởi Taichiro đã hiện hữu trong đời bằng xương bằng thịt.

Còn Otoko, chắc nàng đau đớn hơn, bởi nàng đã đang muốn vùi chôn mọi sự, đang sống một cuộc sống khác, nay thì mọi thứ đã rối tung như đầu cuộn chỉ bị gỡ mà không kiểm soát được. Giữa Keiko và nàng liệu có thể như xưa? Chắc chắn là không rồi.

Tôi nghĩ Keiko sẽ vào viện tâm thần vĩnh viễn, Otoko sẽ chẳng vẽ được bức tranh nào nữa hết. Nàng sẽ chỉ là một kẻ chiêm nghiệm cho suốt phần đời còn lại.

“Dòng sông thời gian là một cho mọi người, nhưng mỗi người trôi đi trong dòng sông ấy khác nhau”.

Trôi đi bằng cách nào có quan trọng gì, nếu sau hết thảy đều để hoà tan ra biển?

 

+ ( *)Trong “Đẹp và Buồn” của Kawabata Yasunari (1899-1972), chương này ấn tượng nhất với tôi. Miêu tả nhiều tiểu tiết của đời sống, những quan sát tỉ mẩn đối với phụ nữ, những suy nghĩ vô cùng là phụ nữ.

+ Làm vướng bận nhất trong tâm trí người đọc đối với cuốn sách này, tôi nghĩ, là suy nghĩ đàn bà, đúng hơn là tâm hồn của những phụ nữ, sao quanh co, trắc trở, khó nắm bắt làm vậy?

Hai tạo vật đẹp đẽ của tạo hoá là Otoko và Keiko, phụ nữ hơn tất cả phụ nữ trong sách của K.Yasunari cộng lại, mà lưu ý rằng, trong sách của ông, phụ nữ phần nhiều là đàn bà trẻ con, những cô bé trưởng thành sớm (nhờ đàn ông) đều là những phụ nữ thuần chất nhất, đàn bà nhất trên đời, tưởng sin
h ra là để cho giành cưng nựng yêu thương, mà lại nắm giữ sức mạnh ghê người về cả yêu thương và thù hận.

Tôi vốn vẫn hay nghi ngờ sức mạnh tình yêu của cái đẹp, vẫn thường gán cho nhan sắc những hời hợt, nhạt nhẽo, nông cạn, phù phiếm. Không tin có một Keiko trong đời thật nồng nhiệt trong cả cảm xúc và yêu đương.

+ Không che đậy cũng không tạo tình huống giật gân cho người đọc, ngay từ đầu sự báo thù đã được phơi bày. Cả người bị trả thù lẫn người đi trả thù đều biết. Cả những nạn nhân liên đới cũng biết. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra, như một tiền định.

K. Yasunari đặc trưng nhất cho thứ văn chương “cực đoan, không lối thoát và bệnh hoạn” của Nhật Bản như nhiều người nói chăng?

Nhưng trong “Đẹp và Buồn”, người đọc có thể thấy có nhiều trang tả cảnh thiên nhiên, những tập tục cổ truyền, cũng là những trang đẹp nhất.

Song song với đó là nhiều dự cảm về cái chết, những ân ái bất thường.

Chất chứa mối tuyệt vọng của những tình yêu không lối thoát (của Otoko với Oki, của Keiko với Otoko, của Taichiro với Keiko).

+ Tôi được mặc khải về sức mạnh của gia đình, mạnh hơn cả nghệ thuật chứ đừng nói đến tình yêu. Tình yêu so với sự bền vững của gia đình chỉ là cánh chuồn bay chới với trong bão, trước sau cũng bị gió đánh cho tơi tả.

Và thấy tình cảm giữa Otoko và Keiko là hoàn toàn hợp lý cho dù có phản tự nhiên. Bởi sau từng đấy sóng gió, việc nàng còn rung động bởi một người đàn ông khác sau Oki mới là vô lý.

+ Sự tồn tại của những mưu toan, sắp đặt của/ hay chính con người mới thực sự là phi lý, điên rồ. Ngay cả trong cái chết tưởng theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên cũng ẩn chứa những điều vô lý. Chỉ còn hoài nghi.

Bình luận về bài viết này