TÌNH YÊU VÀ CÁI CHẾT

Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật. Trong y học, chết được coi là giai đoạn cuối cùng của sự sống.

Còn trong đời sống, chúng ta nhiều khi chẳng phải đợi đến lúc cuối cùng.

Ernest Heminway (1899-1961), tảng băng chìm của nền văn học Mỹ, giải thưởng Nobel văn chương năm 1954, kết liễu đời mình bằng viên đạn vào đầu, không một thông điệp để lại.

Không chỉ mình Heminway tìm đến cái chết trước khi nó tự tới, nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã làm như ông. Và hầu hết cũng không để lại dấu tích gì, ngoại trừ những tác phẩm.

Cái chết lúc này được coi là bí ẩn bởi tính phi tự nhiên của nó.

Được lý giải như một lối thoát cuối cùng cho tất cả những lo toan đời sống: nỗi cô đơn, sự sợ hãi, niềm thất vọng, cái đói, nghèo, ô nhục, …

Không ai chỉ ra được lý do cụ thể, đích xác nguyên nhân của việc tìm đến cái chết. Cũng giống như khi yêu. Người ta không thể biết yêu vì cái gì cụ thể.

Tình yêu, trong khi đó được định nghĩa hết sức mơ hồ, là một trạng thái của cảm xúc, một mối đam mê, hứng thú với cái gì đó/ai đó…đến mức có thể chết vì nó.

Có một mối dây liên hệ đặc biệt giữa tình yêu và cái chết.

Người ta có thể chết vì tình yêu.

Cũng như người ta có thể yêu đến chết đi được.

Tiến đến cái chết, chúng ta mong một sự hồi sinh như thuyết luân hồi của nhà Phật. Còn khi ký thác tình yêu vào đâu đó/ai đó, người ta mong một sự đền đáp tương ứng như vậy, một sự trao đổi qua lại đặc biệt gắn bó.

Trong những câu truyện của E.Heminway, các nhân vật luôn đấu tranh không mệt mỏi trong cuộc sống, dẫu nhiều khi đó chỉ là một cuộc vẫy vùng không đem lại kết quả. Thậm chí, như một nghịch lý, những cuộc đấu tranh càng mệt mỏi, càng căng thẳng lại hầu như không đem lại một kết quả cụ thể nào. Nói thẳng ra là kẻ đấu tranh sau đó là tay trắng.

Có thể với những người cần một con số hiện hữu, một thứ có thể cân đong được thì những cuộc vẫy vùng đó là vô ích.

Nhưng Heminway đã chỉ cho chúng ta thấy được điều thú vị nhất trong cuộc sống này, đó chính là bản thân quá trình đấu tranh. Hình dung nó như một con đường đi, chính con đường đó và cái lúc chúng ta đi, vật lộn với những gai góc, trầy trượt của con đường là lúc đáng kể nhất. Chẳng cần quan tâm đến cái đích chúng ta hướng tới là gì.

Có thể chẳng có cái đích nào đợi ta cả, hoặc có thể là một cái đích tầm thường, khi thương tích đầy người tiến đến nó chúng ta thậm chí chẳng thèm chạm vào nó dù cách có một gang tay.

Cũng giống như tình yêu, đẹp đẽ nhất là khi chúng ta còn đang săn đuổi nhau, còn lúc “tóm” được nhau rồi thì chẳng còn gì đáng kể.

Trước tình yêu, chúng ta lo âu.

Trước cái chết, chúng ta sợ hãi.

Cùng một cảm giác nghẹt thở khi tiến đến gần.

Chúng ta không bao giờ biết khi nào tình yêu đến.

Như cái chết, vẫn giáng vào đầu ta những lúc không ngờ.

Tình yêu bắt chúng ta xả thân vì nó.

Cái chết cũng vậy.

Trước tình yêu và cái chết, chúng ta chọn tình yêu. Nhưng cái chết mới là cái theo đuổi ta đến phút cuối cùng.

Những đêm dài khắc khoải cô đơn, ôm mối hoài nghi về sự tồn tại tình yêu ở cõi đời, đem tình yêu đặt cạnh cái chết soi chiếu để gây dựng niềm tin. Học cách tin vào tình yêu như tin vào cái chết, rồi nó sẽ tới.

Bình luận về bài viết này