Chỉ còn vương vấn*

Một người bạn của tôi bảo, cô ấy ghét bản thân lúc yêu, vì lúc nào cô ấy cũng ở trong tâm trạng đợi chờ, mong ngóng, cảm giác rất bất an. Giống như Joan Jett hát trong bài “I hate myself for loving you” ấy.

Tôi cũng cảm thấy ghét bản thân lúc yêu vì cảm giác bị lệ thuộc. Lệ thuộc về cảm xúc, về tâm trạng, nhiều khi cứ phải thay đổi mình để chạy đuổi theo cảm xúc của người khác. Khắc khoải đến mệt mỏi.

Chung quy lại là vì phụ nữ khi yêu là đắm đuối, quên cả bản thân mình. Không phải là hy sinh bản thân cho người ta mà là bỏ qua bản thân mình để nghĩ cho họ trước, vì họ trước. Buồn hơn cái buồn của họ, đau hơn nỗi đau của họ, lo lắng hơn sự lo lắng của họ. Đàn bà dễ huấn luyện nhất khi yêu, không phải vì không tỉnh táo, mà là muốn chinh phục trọn vẹn lòng người mình yêu.

Một cô bạn khác thì bảo, biết là có những mối quan hệ chẳng đi đến đâu, nhưng người ta gọi thì chân đã xoắn hết cả lại, thế là chẳng cần biết thế nào, cứ lao đi thôi.

Tôi phục nhất những người phụ nữ giữ được bình tĩnh trước tình yêu mà không xao động, bối rối, lúng túng. Những người luôn biết điều chỉnh bản thân, giữ được nhịp cảm xúc đều đặn cả khi đứng trước người mình yêu.

***

Khi vong thân vào một cuộc tình, tôi thường có cảm giác chạy đuổi, không phải là kiễng chân hay gồng mình để cho phù hợp với đối phương, mà là cứ thấy bối rối, không biết mình đã hiểu đúng về người ta hay chưa. Đời sống ngày càng vội vã, người ta trao đổi những câu từ tóm lược, thể hiện những hành động nhanh gọn, khiến tôi chật vật lặn sâu dưới những ngôn từ và cử chỉ ấy để cố gắng hiểu họ. Tôi cứ luôn ấp ủ, cảm giác yêu đương là cùng chia sẻ cuộc sống này, nên phải hiểu nhau đến tận nhất.

Nhưng chính vì mong mỏi đó khiến tôi mệt mỏi, bởi cảm giác chạy đuổi, lo âu, sợ không hiểu đúng về đối phương, mà cái sự phấp phỏng của bản thân lại gây ra vô số hành động khó hiểu, khiến xảy ra cái nỗi lo thứ  hai mạnh mẽ không kém, là người ta hiểu sai về mình. Rốt cuộc thành không hiểu được nhau, cứ chạy dạt về hai phía, mỗi người mê mải với con đường của mình. Chính nỗi phập phồng của tôi làm người ta bỏ chạy, người ta sợ vì thấy tôi xả thân, tận tụy, người ta sợ bị hớ, bị lừa.

Hình như những phụ nữ quanh tôi lúc nào cũng vậy, yêu người nhiều hơn yêu mình. Thậm chí đã ly hôn nhưng vẫn nghĩ, đến lúc già sẽ đón chồng về chăm sóc, nếu ông ta còn chưa thuộc về ai. Một sự tận tụy mà người ngoài nhìn vào không hiểu nổi, mà chính người trong cuộc cũng không lý giải được vì cái gì, nếu không phải là tình yêu?!

Khi quyết định buông tay để cùng thanh thản, tôi chợt hiểu rằng, thanh thản là không còn yêu nữa. Chữ yêu tôi không chắc lắm, nhưng đúng là không còn cảm xúc về nhau nữa. Không khắc khoải, không mong ngóng, không đợi chờ. Cảm xúc tan biến như thể chưa từng tồn tại. Nhẹ lòng và hoài nghi, không biết những ngày đã qua từng có không.

***

Ký ức của chúng ta tồn tại trong trí nhớ người khác thường thật hơn trong trí nhớ chính chúng ta. Nhưng không còn cơ hội gặp để cùng nhìn lại, kiểm chứng hành động và cảm xúc của bản thân. Đến ngày nào đó sẽ chẳng còn chút gì hoài nhớ nữa, dù cảm xúc đó đã đến trong đời.

Như những câu thơ trong bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn tôi vẫn hay ngẫm nghĩ những khi lòng trống trải, chẳng còn ưu tư, phiền muộn về ai, “Thử tình khả đãi thành truy ức/Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên” (Dịch nghĩa: Tình này đã sớm trở thành nỗi nhớ nhung về dĩ vãng/Đến giờ chỉ còn nỗi vấn vương mà thôi).

* Lấy ý trong bài thơ Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn.

Bất chấp tử thần gọi tên

(Nhân bị nghe thơ của Văn Thùy tiên sinh trong một vụ cưỡng nghe thơ tập thể)

 

Người ta đặt thơ Văn Thùy cạnh thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, và cả thơ Đồng Đức Bốn, vì thể loại của thơ ông. Nhưng với tôi, ngay từ lúc ngồi trên vỉa hè chiêm ngắm lão nhà thơ tuổi ngoại bảy mươi, tóc sợi trắng đến chín phần buộc sau gáy, giọng khàn khàn mà vẫn nghe lanh lảnh, dẫu chỉ còn sót lại mấy chiếc răng cửa bơ vơ:

Cho tôi sờ áo một lần

Đêm nay bất chấp tử thần gọi tên

Một lần thôi chẳng vòi thêm

Chạm tay vạt áo khát thèm đã tan…

Thì liên tưởng ngay đến Du Tử Lê, những vần thơ ứa máu, đặt tình yêu cạnh cái chết, ngang bằng sự chết. Cả hai đều đã bất chấp sợ hãi cái chết thường trực trong con người thông thường chúng ta, để vong thân vào tình yêu.

Hãy cho anh được thở

Bằng ngực em rũ buồn

Hãy cho anh được ôm

Em, ngang bằng sự chết

Tình yêu như ngọn dao

Anh đâm mình, lút cán

(Khúc Thụy Du – Du Tử Lê)

Vẫn biết lão nhà thơ cực đoan về hình thức biểu hiện, nhất định phải là lục bát, nhất định phải là hồn dân tộc, nhưng mặc kệ lão. Cái chính là đằng sau cái hình thức biểu hiện ấy lão định nói gì, và người đồng cảm với lão chắc gì đã cùng chung thể loại đó.

Văn Thùy bạo liệt thế này:

Vướng vào đôi mắt lá răm

Đi bộ cũng tội quanh năm đắm đò

(Bao giờ tôi biết cách mò mắt em?)

Thì Du Tử Lê cũng  đau đáu với con ngươi trong mắt người:

Núi đôi lúc gọi tôi về, nín lặng

Những ngọn gai đâu nhớ nổi da người

Tình yêu khắc lên xương nghìn dấu hỏi:

Ai đi rồi còn giữ lại con ngươi?

(Ai đi rồi còn gửi lại con ngươi – Du Tử Lê)

Giữa thời nay, mấy người còn tin vào thơ nữa, nhất là tin vào sự thanh sạch của tâm hồn với thứ tình yêu đẹp thế này, mà lão Văn Thùy vẫn khăng khăng, quả quyết:

Hãy tin những tín đồ thơ

Yêu chay nên chỉ dám sờ áo thôi

Ngón tay ngọng mấy đốt rồi

Kể là chín ngón hỏng mười cũng xong

Và Du Tử Lê cũng nhắc đến chín ngón tay đầy ngậm ngùi, trong một tình yêu tha thiết. Dẫu căn nguyên mối ràng buộc có khác nhau nhưng về cảm thức, tôi vẫn thấy một sự đồng điệu thật rõ ràng.

Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời

Bàn tay dư mấy ngón chia phôi

(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)

Và những tàn phai đầy tuổi tôi

(Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi – Du Tử Lê)

Tất nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhiều người đặt lão nhà thơ cạnh Bùi Giáng vì trong cốt cách có hình hài ấy, cũng bụi bặm, liêu trai, bảy phần ma – ba phần người. Với Du Tử Lê, thơ là cách thức để bày tỏ tình yêu bất tuyệt của ông với đời, với người, với tình yêu-tuyệt vọng. Còn với Văn Thùy, thơ ngoài việc thể hiện tình yêu người còn là tình yêu với chính thơ nữa. Bởi đến tuổi “cổ lai hy” lão thấu nỗi cô độc của người gắng gìn giữ vốn cổ, của tâm hồn thi sĩ bên cái chạy ruổi không ngừng của cuộc đời, mỗi ngày lại mai một đi nếp cũ.

Một mai hóa cát bụi rồi

Biết ai hú vía cho tôi thơ tình.

Một tuyên ngôn thơ cực đoan, như định xua đuổi độc giả nhưng lại hút họ vào nhiều hơn, hình như lão tiền bối có kinh nghiệm, cái gì cứ treo biển cấm là thể nào cũng được làm nhao nhao.

Mai sau về cõi hư vô

Đốt câu lục bát gió mưa gọi hồn.

Chót ăn bả giọng điệu xưa

Thích nghe gai góc xin chừa tôi ra

Nhìn lão ôm đàn hồn nhiên hát Thu quyến rũ (Đoàn Chuẩn), than phiền là bị “gái” lấy mất giọng, và cái giọng trào lộng khi kể “sáng ra thấy mấy ông bà tập dưỡng sinh, tớ cũng bò ra ngoáy cổ, mấy người hỏi ‘cụ làm sao thế này?’, tớ bảo, ‘tôi đang tập dưỡng sinh cổ’ thế  mới lấy được giọng để hát đấy..”, cứ nghĩ lão lướt trên đời như một đám mây, cứ tửng tưng vui vẻ thế, chả biết đến đời thực. Nhưng sau cái vỏ trào lộng kia là lắm nỗi gian truân, đường trần lắm nỗi ai kể hết trong một lời, mà sá chi… phải không Văn Thùy tiên sinh?

Em nguyền khổ hạnh ăn chay

Tôi thề uống cạn đắng cay cõi trần

Cuối cùng thì dù bạo liệt, dù cực đoan hay là say mê đến quên sự đời thì người làm thơ lang bạt vẫn là kẻ “si tình khờ dại” mà thôi. Dù ôm bị rách thay túi thơ, và tóc đã phai màu hết cả, nhưng vẫn ôm đàn hát tình ca và đọc thơ, cho dù nhân loại chẳng biết có nghe gì hay không.

Xin làm một tiếng chuông chiều

Cho em thỉnh một lần yêu lỡ làng

Gửi em mấy sợi rơm vàng

Để em buộc lỏng mơ màng gió mây.

BÙA YÊU

Tuổi trẻ xa như nắng đã lên ngàn…

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

 

Đã bắt đầu chuyển sang tiết xuân dù vẫn lạnh. Đã lác đác hoa xoan nở ngùi ngùi, thoang thoảng mùi hăng hắc khó chịu.

Trời hết gió bấc lại xoay sang gió đông, mà nhiều ơi là gió. Tuần vừa rồi gió mạnh, có sáng tưởng gió thổi bật người khỏi đường. Muốn quay về vùi lại trong chăn hay không phải đi hết cả chặng đường dài nữa, mà chui vào một quán cà phê nào đấy ven đường, ngồi đó, nhìn người qua lại, nhìn cây, nhìn gió thổi mênh mông trên sóng nước hồ Tây.

Mỗi chiều muộn trở về, trời đã đen đặc, đèn đường có chỗ chưa kịp bật lên, thấy bóng tối đè nặng trên đầu trộn lẫn cả nỗi cô đơn. Thèm được ủ bàn tay trong hơi ấm của người, và tiếng cười nói chờ đợi chốn dừng chân.

Ngoài ba mươi tuổi, người ta hạn chế của tôi cả trí tưởng tượng, mài mòn của tôi cả lòng kiêu hãnh. Câu hay tự hỏi mình sau mỗi gặp gỡ là khi về già người ta không được kiêu hãnh nữa hay sao? Lẽ nào tuổi tác không chỉ phá hủy thân xác mà còn xóa đi của chúng ta cả trí tưởng, cả niềm yêu?

Người đàn ông mà hai mươi tuổi đã không yêu thì ba mươi tuổi cũng sẽ vẫn không yêu, bốn mươi tuổi cũng không, năm mươi tuổi cũng vẫn không. Không bao giờ yêu hết.

Còn khao khát từ thuở đôi mươi chưa thỏa, thì ba mươi tuổi sẽ còn, bốn mươi tuổi cũng còn, năm mươi tuổi cũng vẫn còn. Còn đến ngày nào còn sống.

***

Bạn bè cũ gặp lại nhau, giật mình nhận ra rằng bạn mình đã trưởng thành, đã nếm trải cả ngọt ngào cay đắng ở đời. Mặt bạn đã nhiều nếp nhăn và tóc trên đầu mình đã nhiều sợi bạc. Cái bóng của cuộc đời đã đổ xuống vai nhau.

Những điều trước đây nói bạn không tin, giờ bạn nói lại cho mình, nhận ra không ai dạy được ai điều gì hết, mỗi người tự rút ra bài học của riêng mình. Cuộc đời đã dạy bảo tất cả chúng ta, bằng cách của riêng nó, theo tiến trình của nó, muốn nhanh cũng không được, muốn chậm cũng không xong, lúc nào ngộ ra thì sẽ tỏ mọi điều.

Sau gặp gỡ tiệc tùng là giọt đắng cô đơn. Tại hơi men hay tại trời trở gió, tại kỷ niệm của những ngày tuổi trẻ vừa được khới lên trong nỗi ngậm ngùi, mà đường về sao lạnh ngắt. Giữa những hàng cây trụi lá đứng im lìm, nghe tiếng hát ai oán văng vẳng, “Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ/
Nhìn theo phía chân mây, đợi chuyến xe xưa về chưa…”
sao thấy đắng lòng.

Không phải là tiếc nuối, giận hờn, hay đau khổ. Chỉ thấy nỗi cô đơn như bóng đen của đêm mười bốn không trăng dần đổ xuống, ập lên vai như một tiếng thở dài. Mà xung quanh thì lạnh vắng, hơi men dội lại vào lòng người vị đắng, thèm tiếng người đồng vọng đêm đêm.

***

Quay trở lại với tâm thế người ngoài ba mươi tuổi, người ta nhất loạt bảo không còn, nhất loạt bảo phải phế bỏ đi những ảo vọng đó. Còn hơn cả xa xỉ, đến tuổi này tình yêu thành ảo vọng, ở một phương trời khác, một thế giới khác không bao giờ tới được.

Trong lúc ý thức phiêu bạt, tâm trạng rã rời, tự nhủ, nếu đúng không còn tình yêu nữa thì có lẽ tôi phải luyện bùa yêu, để đánh ngải cho nửa nhân gian này. Để đời sống không chỉ phải là những chuỗi ngày vô vị.

Nhớ đến phương thuốc tình yêu đọc ở đâu đó kê rằng, mười gam yêu thương, mười gam độ lượng, mười gam vị tha, mười gam nhẫn nại, trộn đều sắc trên lửa âm ỉ.

Bùa yêu đó chăng?

Someone like you

Hôm qua bác Thảo định đi massage rốt cuộc lại ngã vào hàng vải, quơ được đâu về dăm bảy mảnh vải may váy, quần, áo gì gì đấy. Rồi phấn khích tơ tưởng đến lúc may đo xong ướm vào người, cứ gọi như là Tấm thử giày vớt dưới ao lên, tâm hồn bay bổng, thế là nhạc nhẽo nghe bét nhè, cứ đòi phải dịch lời bài Someone like you của cái cô Adele nào đấy. Gớm, giọng gì mà như đàn ông hoặc nếu không thì cũng nghiện rượu hay thuốc lào nặng, vừa khê vừa nồng.
Bảo bác ấy là lời bài hát thường chả có cái cóc khô gì ngoài anh yêu em, em yêu anh, đau khổ, giận hờn, nuối tiếc, rồi chúc nhau hạnh phúc, vui sướng, và rằng mình luôn nhớ về nhau. Đại để thế, nghe thì cứ nghe nhạc thôi chứ diễn luận ra thì có cái gì đâu. Sến chảy nước mũi.
Nhưng bác ấy không chịu, cứ nhất nhất là phải diễn nghĩa ra cơ. Thế là mình đành diễn nghĩa ra thế này (mình định copy cả cái đoạn chat chít giữa hai đứa, nhưng thế thì động chạm riêng tư quá, mà lúc ấy không có lời tiếng Anh, vì bác Thảo cứ nghe, mình cứ gõ lốp đốp tiếng Việt bên này).
Cô ấy hát bằng cái giọng khê nồng thế này:
I heard that you’re settled down/That you found a girl and you’re married now
I heard that your dreams came true/Guess she gave you things that I didn’t give you.
Mình diễn giải cho bác Thảo:
Em nghe đồn rằng đời anh đã êm giầm/ Rằng anh đã tìm được con khác và cưới nó luôn rồi
Em cũng nghe rằng những mơ ước của anh thành sự thật hết rồi/Hẳn rằng con đó đã cho anh những thứ em không cho anh được.
Bác Thảo cười hô hố, mình bảo là “settled down” mình diễn ra là “êm giầm” hơi bị chuẩn của nó, bác Thảo nói bác ấy cóc cần biết.
Old friend why are you so shy?
It ain’t like you hold back or hide from the lie.
Mình diễn tiếp:
Bạn cũ ơi, việc éo gì phải xấu hổ nào?
Nó chẳng như anh vẫn giấu giếm và ngụy trang bằng những lời nói dối đâu.
Chỗ này có vẻ bí hiểm, mình không chắc lắm, còn bác Thảo bình luận, chắc là thằng này lấy một con bạn cũ rồi. Bác Thảo nhầm chỗ này, vì lấy bạn cũ cô kia lồng lên ngay, làm gì có chuyện nhẹ nhàng thế.
Đoạn tiếp này cũng bí hiểm nữa cơ:
I hate to turn up out of the blue uninvited
But I couldn’t stay away/I couldn’t fight it
I’d hope you’d see my face and that you’d be reminded/That for me it isn’t over.
Mình bảo bác Thảo đại để cô ấy nói là:
Em ghét lại phải lên dây cót tinh thần vì cái nỗi buồn không mời mà đến này
Nhưng em lại không tránh được nó/Cũng chẳng xua được nó đi
Em hy vọng là anh có thể thấy mặt em và anh sẽ được thức tỉnh/Rằng với em chuyện này chưa kết thúc đâu.
Bác Thảo bình luận, tóm lại là yêu con nào mà chả thế, về với em đi nhỉ.
Mình bảo, như là như thế nào. Con mới này giàu hơn, có nhà, có xe, có nhiều thứ con kia không có. Khác hẳn, khác hoàn toàn.
Rồi cái cô Adele lại hát tiếp:
Nevermind I’ll find someone like you/I wish nothing but the best for you too.
Don’t forget me I beg/I remember you said:
Mình diệt ra cho bác Thảo thủng (bác ấy bảo đã thủng lỗ chỗ):
Đừng lăn tăn làm gì rồi em sẽ gặp được thằng khác ngon như anh thôi
Em chả biết chúc gì nhưng cầu mong rằng đời anh sẽ ngon
Đừng có quên em, em xin đấy/Em nhớ anh đã nói rằng:
Đây, bây giờ mới đến cái câu hay nhất của cả bài hát, mà hóa ra lại không phải của cái cô đấy, mà lại của cái thằng tham vàng bỏ ngãi kia! Chết thật!
“Sometimes it lasts in love but sometimes it hurts instead.”
Sometimes it lasts in love but sometimes it hurts instead. Yeah.
Mình bảo bác Thảo, đới, thằng kia nó bảo là:
“Thi thoảng thì cũng kết thúc có hậu đấy, nhưng thi thoảng thì lại là khổ đau.”
Rồi cô này nhắc lại đầy tâm đắc:
Thi thoảng thì cũng kết thúc có hậu đấy, nhưng thi thoảng thì lại là khổ đau. Chuẩn mẹ nó luôn.
Rồi cô ấy ôn lại những ngày xưa cũ:
You’d know how the time flies/Only yesterday was the time in our lives.
We were born and raised in a summery haze/Bound by the surprise of our glory day.
Đoạn sến chảy nước này mình diệt tán loạn:
Anh biết thời gian chạy nhanh như chó đuổi thế nào rồi đấy/Chỉ ngày qua là ghi dấu trong đời chúng ta mà thôi.
Chúng ta sinh ra và lớn lên trong mùa hè khắc nghiệt/Gắn bó với nhau đầy bất ngờ với những ngày tháng huy hoàng.
Mình bảo bác Thảo, thế là đã rõ, hai đứa này quê ở vùng gió Lào cát trắng, nóng chảy mỡ, yêu nhau từ thuở nằm nôi, rồi ra thủ đô, thằng này vồ được con mới, có nhà cửa, có tiền của, bỏ con cũ luôn. Mặc dù con này đã cúc cung săn sóc, hy sinh, yêu thương tha thiết. Vì sau đó con bé này bảo: “Nothing compares no worries or cares.”
Rồi như những bài hát chảy nước khác, cô ấy bảo là:
Hối tiếc hay lỗi lầm thì cũng trong ký ức mà thôi. Ai biết được ngọt bùi cay đắng ở đời này thế nào.
Công nhận, cay đắng ngọt bùi có kinh qua mới biết chứ tưởng tượng thế nào được. Thế thôi. Rồi con bé này cứ tự an ủi mình rằng rồi sẽ tìm được thằng ngon như thằng kia (đúng là con cá mất là con cá to, có khi còn ngon hơn nhiều ấy chứ!), thằng kia cứ yên tâm mà đi hưởng hạnh phúc mới đi (nó chả yên tâm thì sao, nó quên phứt từ đời nào ấy chứ!) Cứ vẽ!
Bác Thảo bảo, bài hát đầy chất tự sự thế mà mình biến nó thành cái gì không biết. Mình thấy mình diễn ra chuẩn thế còn gì nữa?!
Tóm lại thì vẫn là vì cái cảm giác “con cá mất là con cá to” thôi, bác Thảo nhỉ?